Hội nghị đã nghe Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện chương trình Ươm mầm hữu nghị; 8 ý kiến phát biểu tham luận tại Hội nghị của các đại biểu và nhiều đại biểu đăng ký phát biểu.
Báo cáo trung tâm và tham luận của các đại biểu đã khái quát khá đầy đủ và toàn diện về kết quả 10 năm thực hiện chương trình Ươm mầm hữu nghị, chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích trong các hoạt động giữa các tổ chức nhân dân hai nước; đồng thời đề xuất kiến nghị nhiều biện pháp cụ thể, thể hiện mong muốn và trách nhiệm của các cấp hội và các tổ chức nhân dân hai nước trong việc đóng góp nhiều hơn nữa, làm sâu sắc hơn nữa tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia trong tình hình mới.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Thành Luân). |
Trình bày Báo cáo tổng kết công tác Ươm mầm hữu nghị giai đoạn 2012-2022, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia Lê Tuấn Khanh cho biết, chương trình Ươm mầm hữu nghị ra đời vào mùa Xuân năm 2012, trong bối cảnh quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam – Campuchia phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt hợp tác trên lĩnh vực giáo dục-đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Tại phiên họp Ban Chấp hành Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, tháng 2/2012, dưới sự chủ trì của cố Chủ tịch Vũ Mão, Hội đã nhất trí triển khai thí điểm mô hình Gia đình Việt Nam nhận đỡ đầu, giúp đỡ lưu học sinh Campuchia đang học tập ở Việt Nam, sau này mô hình phát triển thành chương trình Ươm mầm hữu nghị.
Chương trình giàu tính nhân văn, mang đậm truyền thống văn hoá của hai dân tộc và có sức lan toả sâu rộng. Khởi đầu có 12 gia đình tình nguyện nhận đỡ đầu 34 sinh viên đang học tập ở Hà Nội và Thái Bình, đến nay chương trình đã phát triển đến hầu hết các tỉnh, thành phố có sinh viên Campuchia đang theo học, với sự trên 100 lượt gia đình, tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu gần 500 sinh viên. Cùng phong trào đỡ đầu trực tiếp, phong trào ủng hộ, hỗ trợ, giúp đỡ sinh viên cũng diễn ra rất sôi nổi ở các cấp hội. Trong 10 năm qua, với sự đồng hành bảo trợ của nhiều cơ quan ban, ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội từ thiện và các nhà hảo tâm, các cấp hội đã chủ động phối với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam các cấp tổ chức hàng trăm hoạt động hỗ trợ hàng nghìn lượt sinh viên dưới những hình thức như khen thưởng, tặng quà, trao học bổng; tổ chức gặp gỡ, giao lưu hữu nghị, tham quan dã ngoại, tìm hiều thực tế; trang cấp thiết bị, vật dụng thiết yếu… góp phần thiết thực giúp đỡ sinh viên an tâm học tập và cải thiện đời sống văn hoá tinh thần.
Lãnh đạo Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia đánh giá: Thông qua các hoạt động của chương trình, mối quan hệ giữa các tập thể, gia đình, cá nhân đỡ đầu, giúp đỡ và các bạn sinh viên ngày càng gần gũi, gắn bó sâu sắc. Thành công bước đầu của chương trình là hầu hết các bạn sinh viên đều tự tin và có kết quả học tập tốt, đạt loại khá, giỏi, xuất sắc trong các kỳ thi tốt nghiệp; các bạn đã về nước đều có công việc làm ổn định, phù hợp với chuyên ngành đào tạo và có nhiều cơ hội phát triển, có bạn đã học lên thạc sĩ, tiến sĩ và vẫn giữ những kỷ niệm đẹp về một thời sinh viên học tập ở Việt Nam, thường xuyên liên lạc, tâm sự, chia sẻ vui buồn với tập thể, gia đình, cá nhân đỡ đầu ở Việt Nam như những người thân trong gia đình. Những kết quả đạt được của Chương trình được lãnh đạo cấp cao và nhân dân hai nước ghi nhận và đánh giá cao.
Thượng tọa Lý Hùng - Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia thành phố Cần Thơ (Ảnh: Thành Luân) |
Trình bày tham luận tại Hội nghị, Thượng tọa Lý Hùng - Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia thành phố Cần Thơ cho biết:
Trong 3 năm qua, Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia thành phố Cần Thơ đã thực hiện đỡ đầu cho các du học sinh Campuchia sang học tập tại Cần Thơ, nhất là tạo điều kiện về chỗ ăn ở, sinh hoạt để các em yên tâm học tập tốt, tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ các sinh viên đang theo học tại trường Đại học Cần Thơ và trường Đại học Y Dược Cần Thơ nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay. Từ năm 2019, Hội đã hỗ trợ 62 suất học bổng cho các sinh viên, tổ chức đoàn đến thăm, tặng quà hỗ trợ cho sinh viên Campuchia học tập tại các trường đại học trên địa bàn thành phố Cần Thơ gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, với tổng giá trị hỗ trợ hơn 70 triệu đồng.
Trong thời gian tới, Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia thành phố Cần Thơ sẽ đẩy mạnh thực hiện hình thức đỡ đầu trực tiếp (mở rộng đến các gia đình). Trước mắt, nhà chùa đứng ra giúp đỡ cho các cháu thông qua các lễ hội của Phật Giáo Nam tông Khmer như Chol Chnam Thmay, Sene Đôlta, qua đó trao quà, học bổng cho các em. Quan trọng nhất sau này Hội sẽ mời các em đến điểm sinh hoạt, ví dụ như 1 - 2 tháng đến giao lưu, lắng nghe nguyện vọng của các em, đồng thời cho các em gần gũi chùa chiền, hộ gia đình, để sau này các em hòa chung với sinh viên Việt Nam trong công tác giao lưu về văn hóa, văn nghệ, phong tục tập quán, lễ nghi.
Ông Phùng Công Dũng, đại biểu Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ về các hình thức giao lưu đa dạng, phong phú nhằm kết nối giữa cha mẹ và các con: Vận động các em đến chùa Phổ Minh gặp gỡ, giao lưu với Phật tử, với Chi hội tại chùa và nghe Hòa thượng Thích Thiện Tâm – Phó Chủ tịch Trung ương Hội, Phó Chủ tịch Hội thành phố Hồ Chí Minh, trụ trì chùa thuyết giảng về tình hữu nghị Việt Nam – Campuchia, tham gia sinh hoạt nhân các ngày lễ Việt Nam, Campuchia trong năm.
Bên cạnh đó, Hội tổ chức đưa hàng trăm lượt sinh viên Campuchia thăm viếng bảo tàng, tham quan các cơ quan, đơn vị sản xuất, giao lưu với thanh niên và sinh viên Việt Nam các tỉnh Bình Phước, Đồng Tháp, An Giang… mời các sinh viên y khoa tham gia một số chuyến công tác từ thiện xã hội, khám bệnh phát thuốc giúp dân nghèo tại thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam.
Ngoài ra, Hội theo sát giúp đỡ các em sinh viên Campuchia khi gặp khó khăn, vướng mắc về chế độ chính sách, học bổng, học tập… Đặc biệt, một số cha mẹ đỡ đầu, mạnh thường quân còn nhiều lần giúp đỡ các em, trao hàng trăm phần quà, mời sinh viên dự tiệc thân mật nhân các sự kiện trong năm, trao học bổng cho các em
Trong thời gian dịch Covid-19, các cha mẹ đỡ đầu sinh viên luôn thăm hỏi, động viên, gửi đồ dùng, thuốc men… góp phần giúp các em vượt qua dịch bệnh.
Anh Thon Bunheng, cựu lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam (Ảnh: Thành Luân) |
Vừa tốt nghiệp thạc sỹ quản trị kinh doanh tại trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, anh Thon Bunheng (32 tuổi, ở huyện Mesang, tỉnh Prey Veng, Campuchia) cho biết, trong quá trình học tập ở Việt Nam anh nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của thầy cô, bạn bè, Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia:
Lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 2009, em và các bạn Campuchia khác gặp rất nhiều khó khăn về ngôn ngữ, giao tiếp, thời tiết và văn hóa đời sống... Được sự quan tâm của nhà trường, thầy cô và các bạn sinh viên Việt Nam luôn động viên và giúp đỡ, em từng ngày vượt qua khó khăn.
Bố mẹ đỡ đầu luôn động viên giúp đỡ, tạo điều kiện cho các em được tham gia tìm hiểu phong tục tập quán của Việt Nam, đi cà phê cuối tuần, thăm những địa điểm văn hóa, lịch sử, tham gia thể thao và những sự kiện quan trọng của hai nước…
Đại diện Đoàn thanh niên Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), chị Chhim Sophea cho biết: Đoàn thanh niên CPP trân trọng và đánh giá cao những nỗ lực hợp tác trong việc tổ chức chương trình Gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam - Campuchia lần thứ V nhằm phản ánh mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, hợp tác giữa hai nước đang ngày càng phát triển, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là giáo dục thế hệ trẻ hiểu rõ về mối quan hệ giữa hai dân tộc, hai nước Campuchia và Việt Nam.
Thay mặt tuổi trẻ Đảng Nhân dân Campuchia, chị Chhim Sophea cam kết thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị Việt Nam – Campuchia và hợp tác nhân dân giữa hai nước. Chúng ta sẽ cố gắng giữ vững mỗi quan hệ hữu nghị truyền thống, vun đắp tình hữu nghị giữa thanh niên ngày càng khăng khít.
Ban Chấp hành Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia tặng Bằng khen các cá nhân có nhiều đóng góp tích cực trong công tác Ươm mầm hữu nghị giai đoạn 2012-2022 (Ảnh: Thành Luân). |
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia đã phát động phong trào Ươm mầm hữu nghị giai đoạn 2022-2027. Mục đích của chương trình trong giai đoạn này là động viên các cấp hội, hội viên, các cựu chuyên gia, cựu quân tình nguyện, các doanh nhân, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội, từ thiện, các nhà hảo tâm chủ động, tích cực tham gia nhận đỡ đầu, giúp đỡ các lưu học sinh Campuchia đang học tập tại các cơ sở giáo dục – đào tạo ở Việt Nam trên tinh thần tự nguyện, dưới những hình thức phù hợp.
Nhân dịp này, Ban Chấp hành Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia đã tặng Bằng khen cho 6 đơn vị và 10 cá nhân có nhiều đóng góp tích cực trong công tác Ươm mầm hữu nghị giai đoạn 2012-2022; tặng Kỷ niệm chương Vì tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia của Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia cho 75 cá nhân của Việt Nam và Campuchia.
Long Phạm T.H / Theo Thời Đại