Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cho biết, đối với mỗi người dân Việt Nam, nhà không chỉ đơn thuần là nơi che nắng, che mưa mà còn mà còn là nền tảng của sự ổn định, sức khỏe và cơ hội phát triển cho mỗi cá nhân và gia đình. Vấn đề nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho người nghèo, không chỉ là một vấn đề quốc gia mà còn là mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng, Diễn đàn Nhà ở Việt Nam 2024 là cơ hội quý báu để cùng nhau nhìn nhận lại những thách thức và cơ hội trong lĩnh vực nhà ở, tìm ra những giải pháp hiệu quả mang lại một ngôi nhà an toàn, tiện nghi và bền vững cho mọi người dân Việt Nam. “Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, với vai trò là cơ quan thường trực của Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi, đồng hành cùng các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các đối tác phát triển để triển khai các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được những mục tiêu phát triển bền vững”, ông Hùng khẳng định.
Diễn đàn Nhà ở Việt Nam 2024. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Phạm Phương Liên, Phó trưởng phòng Phát triển và Quản lý nhà ở xã hội, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi về nhà ở được ban hành, giúp cho hàng triệu hộ gia đình thuộc đối tượng chính sách cải thiện được nhà ở. Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng đã bộc lộ một số hạn chế. Đối với Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn, khu vực thường xuyên thiên tai, số lượng đối tượng cần hỗ trợ về nhà ở liên tục biến động theo hướng tăng do nhà ở bị xuống cấp theo thời gian, bão lũ, ngập lụt, sạt lở đất...
Bên cạnh đó, do nguồn ngân sách Trung ương còn hạn chế, chưa đủ nguồn để bố trí thực hiện nên việc cấp kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các địa phương thực hiện chậm, dàn trải nhiều đợt dẫn đến việc thực hiện chậm hơn so với kế hoạch.
Các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Thảo luận tại Diễn đàn, ông Trương Duy, Điều phối viên Phát triển Nguồn lực Habitat Việt Nam đã đưa ra 5 giải pháp của Habitat nhằm giúp mọi người có thể tiếp cận nhà ở an toàn, giá cả phải chăng, bền vững. Cụ thể: Hỗ trợ các hộ gia đình tiếp cận tài chính (hỗ trợ trực tiếp hoặc cho vay) để cải thiện nhà ở; Hỗ trợ về thiết kế và kỹ thuật cho hộ gia đình và thợ xây địa phương để đảm bảo chất lượng công trình xây dựng; Nâng cao năng lực, tổ chức đào tạo về thực hành vệ sinh - nước sạch, bảo trì nhà cửa và quản lý tài chính để đảm bảo kết quả bền vững; Kết nối, chia sẻ, tạo điều kiện để các bên quan tâm tìm hiểu và chung tay thúc đẩy các can thiệp về nhà ở và dịch vụ cơ bản; Huy động nguồn lực, làm việc với các đối tác chính phủ, các cấp, doanh nghiệp địa phương để huy động nguồn lực cho các chương trình cải thiện nhà ở hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương.
Đại diện nhóm nghiên cứu của trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Hiếu đưa ra giải pháp sử dụng gạch đất không nung tự chèn nhằm giảm ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất trong xây dựng nhà ở.
Gạch đất không nung tự chèn sử dụng nguồn đất đồi (không phải đất trồng trọt) rất phong phú ở nhiều địa phương vùng núi phía Bắc và công nghệ ép gia cố bằng xi măng hoặc một số chất phụ gia khác. Việc sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ trong xây dựng nhà ở khắc phục những khó khăn trong vận chuyển vật liệu đến vùng sâu vùng xa cho đồng bào dân tộc thiểu số, tận dụng được nguồn vật liệu sẵn có tại địa phương.
Theo thống kê của nhóm nghiên cứu, sử dụng gạch không nung tự chèn giúp giảm 2/3 chi phí mua gạch. Sau khi được hướng dẫn, người dân có thể tự sản xuất gạch và chỉ mất chi phí mua các chất phụ gia.
Bà Bells Regino-Borja, Giám đốc Quốc gia của Habitat Vietnam. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Bà Bells Regino-Borja, Giám đốc Quốc gia của Habitat Vietnam cho biết, Diễn đàn Nhà ở Việt Nam 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng với những nỗ lực chung của Habitat Việt Nam nhằm thúc đẩy nhà ở tươm tất, dễ tiếp cận và giá cả phải chăng ở Việt Nam. Diễn đàn nhằm mục đích thúc đẩy sự hợp tác giữa các lĩnh vực khác nhau trong quá trình phát triển nhằm giải quyết một vấn đề cấp bách của thời đại: tiếp cận nhà ở an toàn và đầy đủ.
"Cùng nhau, chúng ta có thể giải quyết nhu cầu cấp bách về nhà ở, vốn không chỉ là nơi trú ẩn mà còn nơi duy trì sự phát triển của cộng đồng trước những thách thức về môi trường và kinh tế”, bà Bells Regino-Borja nói.
Trong suốt 23 năm hoạt động tại Việt Nam kể từ năm 2001, tổ chức Habitat for Humanity International đã hỗ trợ các cộng đồng thông qua dịch vụ hỗ trợ nhà ở, thúc đẩy khả năng chống chịu, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến nay, Habitat Việt Nam đã giúp cải thiện cuộc sống của hơn 19.000 hộ gia đình và hỗ trợ 152.000 người qua các hoạt động xây dựng năng lực và phát triển do cộng đồng dẫn đầu. |
Theo Thời Đại