Lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được chính người vợ khéo tay của Bernard Bachelard trực tiếp chuẩn bị. Thời điểm đó, cũng không quá khó để có thể kiếm được lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam bởi vì các phong trào biểu tình phản chiến diễn ra mạnh mẽ.
Họ dự định không sử dụng thiết bị leo núi mà sẽ leo bằng tay không lên chóp tháp Viollet-le-Duc của nhà thờ Đức Bà Paris vào ban đêm, treo lá cờ lên cây thánh giá ở trên đỉnh cao 96m.
"Hành động này đòi hỏi một sự chuẩn bị kỹ càng vì chúng tôi không phải là người Paris, chúng tôi cũng chưa biết rõ sẽ làm thế nào để leo lên được đỉnh cao đó. Nhưng ngay khi có thông báo các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu vào ngày 18/1/1969, chúng tôi đã mượn một chiếc xe 2CV và lên đường," ông Olivier Parriaux nhớ lại.
Sau hàng giờ rong ruổi trên con đường A6, ba thanh niên Thụy Sĩ đã đến Paris vào tầm trưa thứ Bảy, 18/1/1969, với hành trang, ngoài lá cờ nửa đỏ nửa xanh, chỉ vỏn vẹn một cuộn vải lụa, một dây thừng dài, một cưa sắt và ít đồng franc Pháp.
Thời tiết mùa Đông hôm đó khá gió, với nhiệt độ khoảng trên 4 độ. Hòa vào dòng khách du lịch trước khi hết giờ tham quan, họ đến tháp chuông Nam vào khoảng 15h30, đến lối đi đầu tiên của tháp ở độ cao 45m và là tầng cao của ô sáng kết nối hai tháp chuông.
Sau thời gian quan sát, hai thanh niên Bernard Bachelard và Olivier Parriaux tìm được lối lên tháp chuông của Nhà thờ Đức Bà.
Bóng tối buông xuống vào khoảng 18h. Với sự cảnh giới của Noé Graff, hai người men theo máng hứng nước dọc gian giữa của nhà thờ, đến chân tháp và từ từ leo lên, đầy khó khăn và mạo hiểm.
Có những đoạn họ phải lách qua khoảng trống giữa các cánh gập của lam chớp, ôm lấy những xà gỗ sồi khổng lồ để tụt xuống phía dưới 10m, người phủ kín lớp bụi hàng thế kỷ.
Từ tháp chuông sang tường máng xối không có lối đi liên tục như những gì được vẽ trong tập bản đồ ở thư viện mà 3 người đã nghiên cứu, buộc họ phải nhảy qua khoảng cách tới 2m ở độ cao là 35m.
Ông Olivier Parriaux kể: "Trời đã tối. Lưng chạm tường của tháp chuông, không có chỗ lùi lấy đà, Bachelard phóng qua không khó khăn. Còn tôi nhảy qua chỉ suýt soát, may được giữ lại."
Một đoạn khó đi khác là chỗ giao gian giữa-gian ngang, nơi đặt một dãy tượng bằng đồng rập nổi, thờ nhà truyền giáo Thánh Marco, bắt đầu với biểu tượng con sư tử có cánh.
Các tượng này được lắp đặt trên bệ theo những bậc thang có độ dốc cao hơn 2m mà không có chỗ lồi để bám vào-chiều cao của các bức tượng hơn 3m.
Hai người phải mất 1 giờ trèo lên, tuột xuống mới tới được thân của chóp tháp, cuối cùng cũng đến được hành lang mở thứ nhất vào khoảng 9 giờ tối. Từ đây, hành trình dễ dàng hơn do ở trong nhà.
Mặc dù xuất hiện những bất ngờ trên, hai người vẫn có mặt tại chân tháp theo đúng thời gian dự định. Choàng cuốn vải lụa qua vai, Bacchus buộc đầu dây an toàn leo núi vào thắt lưng của mình.
Cuộc leo lên chóp tháp bằng tay không, bắt đầu vào khoảng 22h. Bên sườn Bắc của chóp tháp là những thanh sắt nẹo vào tường và cách nhau khoảng 60cm.
Chóp tháp có mặt cắt hình bát giác, dọc theo 8 cạnh có các “móc” trang trí gothic-là những hoa văn đắp nổi, mô tả những chồi cây, nhóm theo hình vương miện và cách nhau khoảng 2m.
Bám vào những điểm tựa này, hai người leo thật chậm, vừa leo vừa kiểm tra để đảm bảo rằng thanh sắt tiếp theo vẫn neo chắc chắn vào tường sau một thế kỷ thời tiết mưa gió và chu kỳ nhiệt.
Càng leo lên đỉnh nhọn của chóp tháp, cơ thể hai người cảm nhận rõ từng đợt gió thổi qua, nhìn thấy vũ điệu của tả ngạn sông Seine phía xa, các mái nhà thờ phía dưới gần như bằng phẳng.
Ông Olivier Parriaux kể tiếp: "Tôi dừng lại ở 3m dưới vương miện hoa hồng và hoa loa kèn có đường kính 1m. Tôi sẽ ở đây trong khi Bacchus thực hiện giai đoạn leo cuối cùng và rủi ro nhất vào lúc 22h45: tiến lên cây thánh giá. Vượt qua phần cao khó khăn của vương miện hoa hồng, Bacchus leo lên cột kim loại đến chân cây thánh giá cao 6m và nắm lấy hoa văn ở chân cây thánh giá. Leo lên thanh đứng của thánh giá theo kiểu leo cột, Bacchus bám vào những họa tiết trang trí ở điểm chéo nhau của thánh giá, và gắn móc lò xo của phía trên lá cờ."
Với sự dũng cảm của Bernard, mọi thứ đã diễn ra suôn sẻ. Trên hành trình đi xuống, hai ông Bernard Bachelard và Olivier Parriaux đã cưa một số thanh sắt để ngăn cản lính cứu hỏa có thể tiếp cận ngọn tháp, đảm bảo rằng lá cờ sẽ ở trên ngọn tháp đủ lâu để mọi người nhận thấy vào hôm sau, Chủ Nhật ngày 19/1.
Sau hành trình 30 giờ dũng cảm, có phần mạo hiểm của những thanh niên đến từ Thụy Sĩ, ngày 19/1/1969, lá cờ nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng rực rỡ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cứ thế tung bay trên nền trời xanh của Paris, dưới những ánh mắt thán phục của người dân và khách du lịch.
Bài 2: Sức lan tỏa của lá cờ giải phóng
Xúc động giới thiệu với các phóng viên những bài báo được lưu giữ cẩn thận qua hơn nửa thế kỷ về sự kiện lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam xuất hiện trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris ngày bắt đầu cuộc đàm phán 19/1/1969, các ông Bernard Bachelard, Olivier Parriaux và Noé Graff cho biết hành động của họ là một phần trong quá trình phát triển của phong trào ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ở châu Âu và thế giới.
Đó là sự tiếp nối phong trào phản chiến từ mùa Thu nóng năm 1967 tại Đức, cuộc biểu tình của 10 triệu lao động vào tháng 5/1968 tại Pháp, việc phong trào chống chiến tranh tại Mỹ chuyển thành phong trào công khai ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam…
Trước năm 1969, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng được treo lên ở một số nơi tại Thụy Sĩ. Ngày 22/6/1968, nhiều cư dân Berne ngạc nhiên thấy một lá cờ lớn, rõ ràng không phải cờ Thụy Sĩ, tung bay trên đỉnh tháp chuông thánh đường Münster.
Vài người trẻ vào đêm trước đã leo lên tận đỉnh tháp, treo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
“Kỳ tích leo núi” này, như cảnh sát gọi, đã mở đầu Ngày Thụy Sĩ cho Việt Nam, quy tụ tại Berne vài trăm người, đa số là giới trẻ, biểu tình chống chiến tranh Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Geneva, các ông Bernard Bachelard, Olivier Parriaux và Noé Graff cho biết trước khi tới Pháp, họ cũng đã từng thực tập vào ban đêm, trước lần biểu tình lớn trên toàn Thụy Sĩ ủng hộ Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.
Các ông bày tỏ hành động của mình hiển nhiên không thay đổi tương quan lực lượng trong chiến tranh, nhưng sức lan tỏa của sự kiện đã nhấn mạnh vị thế lệ thuộc, cô lập của chính quyền Sài Gòn, và tính chính đáng, ưu việt của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng thời cũng hỗ trợ phong trào phản chiến.
"Chúng tôi rất hài lòng với tiếng vang mà sự kiện này đã tạo ra. Thông điệp của hành động này đã được thế giới biết đến mà không cần chúng tôi nói rằng chính chúng tôi đã tạo ra nó," ông Olivier Parriaux bộc bạch đầy tự hào với sự đồng tình của hai người bạn, Noé Graff và Bernard Bachelard.
Sau những năm cùng hoạt động trong Liên minh Mácxít cách mạng (Ligue Marxiste Révolutionnaire - THH) tại Thụy Sĩ, ông Bernard Bachelard trở thành điều phối viên chương trình thí điểm về chăm sóc sức khỏe tại gia của bang Vaud, sau khi đã theo học khoa chính trị kinh tế.
Ông Noé Graff tiếp nối cơ nghiệp trồng nho của gia đình, tham gia phong trào ủng hộ nông dân Tây Ban Nha và cùng bạn bè sáng lập "Nền tảng vì một nền nông nghiệp mang tính xã hội bền vững."
Ông Olivier Parriaux trở thành giáo sư đại học, giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực quang học điện từ, có quan hệ hợp tác chặt chẽ với các nhà vật lý Liên Xô.
Cuốn sách "Le Viet Cong au sommet de Notre-Dame" (tạm dịch là "Lá cờ trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà"), đã được 3 ông Bernard Bachelard, Noé Graff và Olivier Parriaux lưu bút ký tên tặng cho các phóng viên TTXVN.
Cuốn sách này được Nhà xuất bản FAVRE, Lausanne (Thụy Sĩ) ấn hành, và ra mắt tháng 1/2023 với lời tựa: "Ngày hôm nay, ba người anh hùng, mặc dù họ không bao giờ tự nhận, đã kể lại 30 giờ gia nhập của họ vào cuộc chiến 30 năm của một dân tộc đã thoát được ra khỏi nanh vuốt chủ nghĩa thực dân, kháng cự một cách thắng lợi trước cơn đại hồng thủy của khói lửa và hóa chất chết người của Mỹ, và bước ra khỏi tình trạng kém phát triển."
Tuy nhiên, như lời ông Olivier Parriaux, động lực quan trọng khiến ba người chia sẻ câu chuyện xảy ra trong quá khứ lại gắn với việc một tuần sau vụ hỏa hoạn, báo Quân đội Nhân dân của Việt Nam đã đăng một bài báo "khiến chúng tôi rất ấn tượng, thích thú và khích lệ chúng tôi làm điều này."
Ông Olivier Parriaux tâm sự: "tờ báo đó tuyên bố rằng sự kiện 50 năm trước đó được coi là một trong những sự kiện quan trọng trong lịch sử hàng thế kỷ của Nhà thờ Đức Bà. Điều đó cũng chứng tỏ chính quyền Việt Nam đã công nhận rằng hành động của chúng tôi cũng quan trọng đối với lịch sử Việt Nam, và điều này khiến chúng tôi rất hài lòng. Cuốn sách cũng mang một ý nghĩa to lớn khi được xuất bản đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày ký hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam"./.
Q.Hoa t.h / TTXVN