Giảm bớt những nỗi lo
Băng qua những cung đường quanh co, hiểm trở, vào một sớm mù sương đầu tháng 3, chúng tôi đến thôn Bản Thăng (xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang). Dòng suối uốn lượn chia tách thôn Bản Thăng với các thôn khác trong huyện buộc chúng tôi phải đi qua một cây cầu để vào thôn. Cầu có chiều rộng 2,5m, chiều dài 9m được xây dựng bằng bê tông cốt thép, có lan can hai bên chắc chắn, đảm bảo an toàn cho người dân đi lại thuận tiện.
Cây cầu bê tông dẫn vào thôn Bản Thăng. (Ảnh: Mai Anh) |
Vừa dẫn chúng tôi vào thôn, chị Thèn Thị Châm (người dân tộc Nùng sống tại thôn Bản Thăng) vừa kể: Trước đây, cây cầu cũ ở thôn được xây dựng vào năm 2012 từ hai thanh dầm sắt hình chữ L, được tháo ra từ cầu hỏng trên quốc lộ 4C. Do chất lượng xây dựng kém và tạm bợ, cây cầu đã nhanh chóng xuống cấp: các thanh sắt đã hoen gỉ; hai trụ cầu làm từ đá khô đã dần yếu đi sau nhiều năm; hai bên cầu không có rào chắn đặc biệt gây nguy hiểm với trẻ em và người lớn tuổi…
“Vào mùa mưa, nước lũ dâng cao, chảy xiết nhấn chìm cây cầu, cắt đứt hoàn toàn đường đi lại của bà con trong thôn. Cứ mưa 3 ngày thì mất đến 2 ngày chúng tôi bị cô lập hoàn toàn. Những lúc nước rút dần thì cầu bắc qua suối chỉ là hai thanh sắt chênh vênh. Ai cũng sợ nhưng nếu không đi qua thì mọi hoạt động sinh hoạt đều sẽ phải dừng lại. Mỗi lần nghe dự báo thời tiết sắp có mưa lũ, cả gia đình tôi lại lo lắng không yên”, chị Châm kể.
Không chỉ gia đình chị Châm mà hầu hết người dân tại thôn Bản Thăng đều có chung nỗi lo này.
Một trong hai thanh dầm sắt tạo nên cây cầu cũ. (Ảnh: Mai Anh) |
Nhận thấy những khó khăn của người dân địa phương, tháng 2/2021, tổ chức ActionAid Việt Nam đã hỗ trợ kinh phí hơn 300 triệu đồng mua nguyên vật liệu cùng hơn 200 người dân góp sức xây dựng cầu bê tông bắc qua suối. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đến tháng 8/2022, dự án mới chính thức được khởi công. Sau hơn 2 tháng thi công, chiếc cầu đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Kể từ khi có cầu mới, người dân trong thôn ai cũng vui mừng, phấn khởi. Anh Lử Chiều Đoàn, người dân thôn Bản Thăng cho biết, cây cầu bê tông chắc chắn giúp anh thoải mái, tự tin hơn mỗi khi qua lại. Anh có thể đi xe máy, chở đồ đạc nặng qua cầu mà không còn phải nơm nớp lo sợ.
“Nhờ có cây cầu bê tông này, chúng tôi đã không còn sợ bị cô lập mỗi mùa mưa lũ nữa. Các hoạt động sinh hoạt, giao lưu, buôn bán… diễn ra bình thường. Các con của tôi cũng vẫn có thể đến trường trong những ngày mưa. Tôi hy vọng sẽ có thêm những cây cầu được xây dựng để việc đi lại của người dân trong thôn được dễ dàng hơn”, anh Đoàn chia sẻ.
Triển khai mô hình dựa vào cộng đồng
Mô hình phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng tập trung vào việc chính những người dân trong cộng đồng phải chủ động và tham gia tích cực trong việc xác định, phân tích các rủi ro thiên tai, lập kế hoạch, thực hiện, theo dõi và đánh giá các hoạt động. Từ đó, giảm nhẹ tình trạng dễ bị tổn thương, tăng cường khả năng ứng phó, thích nghi của cộng đồng với tác động của thiên tai. |
Theo bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện tổ chức ActionAid Việt Nam, mô hình cầu bê tông tránh mưa lũ là một trong những mô hình phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng do ActionAid triển khai tại huyện Quản Bạ (tỉnh Hà Giang). Sau khi được đưa vào sử dụng, cây cầu giúp hơn 130 trẻ em thôn Bản Thăng đến trường an toàn, tạo điều kiện cho các em yên tâm học tập. Đồng thời, giúp người dân địa phương tiếp cận các dịch vụ công cộng dễ dàng hơn, đa dạng hóa cơ hội việc làm, giảm thiểu những thách thức về an toàn và an ninh do thiên tai gây ra.
Từ khi cây cầu bê tông được xây dựng, người dân trong thôn đi lại thuận tiện, đảm bảo an toàn và không còn nỗi lo bị cô lập trong mùa mưa lũ. (Ảnh: Mai Anh) |
“Tại mỗi thôn, bản lại có những khó khăn khác nhau, nhu cầu của người dân cũng khác nhau. Vì vậy, để đảm bảo lợi ích thiết thực nhất, phù hợp nhất cho từng khu vực, thời gian tới, ActionAid sẽ tiếp tục nhân rộng cách làm, bắt đầu từ việc khảo sát ý kiến người dân, cùng người dân xác định những ưu tiên và cách xử lý, từ đó hỗ trợ người dân hiện thực hóa các mô hình giải pháp này”, bà Thảo chia sẻ.
Ông Đỗ Quang Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quản Bạ cho biết, huyện Quản Bạ là một trong những đơn vị hành chính có địa hình hiểm trở, dễ dẫn đến sạt lở, hiện tượng lũ ống, lũ quét, mưa to, gió lốc gây thiệt hại nặng nề về tính mạng và tài sản của bà con. Với sự đồng hành của tổ chức ActionAid Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), từ năm 2008 đến nay, nhiều mô hình phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng đã được triển khai như: mô hình đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời; tổ chức tập huấn Đánh giá rủi ro thiên tai có sự tham gia của cộng đồng; diễn tập Phòng chống thiên tai trong cộng đồng và trường học… Hơn 40.000 lượt người tại địa phương đã tham gia và được hưởng lợi. Tổng ngân sách được hỗ trợ lên tới 31,7 tỷ đồng.
Ông Dũng mong muốn trong giai đoạn tiếp theo, huyện Quản Bạ sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của ActionAid Việt Nam và AFV trong việc trang bị kiến thức cho người dân, đặc biệt là đối tượng thanh niên về vấn đề giảm thiểu rủi ro thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, các giải pháp năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính… Ông cũng hy vọng sẽ có thêm nhiều mô hình mới được triển khai để đời sống bà con tại địa phương ngày càng được cải thiện.
Đại diện Ban điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) - đơn vị đầu mối trong quan hệ và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho biết: Trong hơn 30 năm hoạt động tại Việt Nam, tổ chức ActionAid đã có nhiều đóng góp cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo và hỗ trợ phát triển tại Việt Nam. Từ năm 2002, ActionAid đã bắt đầu triển khai các chương trình hỗ trợ tại tỉnh Hà Giang, được địa phương đánh giá hiệu quả cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Trong đó, mô hình cầu bê tông tránh lũ tại thôn Bản Thăng được xây dựng phù hợp với nhu cầu của địa phương, tạo điều kiện cho trẻ em đến trường an toàn. Đặc biệt, việc triển khai mô hình dự án dựa vào cộng đồng góp phần nâng cao trách nhiệm của người dân và chính quyền địa phương trong việc bảo vệ môi trường và giảm thiểu nguyên nhân gây biến đổi khí hậu. Năm 2023, tổ chức ActionAid trở thành thành viên thứ 27 và là thành viên quốc tế thứ 23 của Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai. (Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai được thành lập theo Quyết định số 3922/QĐ-BNN-TCCB ngày 11/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có thành viên gồm hơn 20 tổ chức quốc tế và 4 cơ quan Bộ). |
Theo Thời Đại