Nhà văn Dương Hướng - tác giả Bến không chồng - cho biết, ông có buổi gặp gỡ và ký hợp đồng dịch tác phẩm với Chủ tịch Hội Hữu nghị Đức - Việt.
Đây mới là thỏa thuận bước đầu. Sau thỏa thuận này, người đứng đầu hội Hữu nghị sẽ thực hiện dịch, tìm kiếm đơn vị xuất bản tại Đức. Như vậy, sau hai bản tiếng Italy và tiếng Pháp, Bến không chồng sẽ được dịch ra một ngoại ngữ thứ ba.
Bến không chồng là một trong bộ ba tiểu thuyết được giải thưởng văn xuôi đình đám năm 1991 của Hội Nhà văn Việt Nam.
Chủ tịch Hội Hữu nghị Đức - Việt là Giáo sư Guenter Giesenfeld. Ông biết tới tiểu thuyết Bến không chồng qua bản tiếng Pháp. Ông là người đồng sáng lập Hội và đã tổ chức nhiều hoạt đồng đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước.
Giáo sư Guenter Giesenfeld có nhiều đóng góp trong việc quảng bá văn học Việt Nam tại Đức, thông qua tạp chí của Hội (Viet Nam Kuerier), nhiều nhà văn Việt Nam được giới thiệu như Nguyễn Đình Thi, Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa, Dương Tường, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Ngọc Tư…
Không chỉ dịch và giới thiệu tác phẩm, Hội Hữu nghị Đức – Việt còn mời nhà văn Việt Nam sang Đức để giao lưu với độc giả.
Năm 2011, Giáo sư Guenter Giesenfeld nhận giải thưởng dịch của văn học Đức khi cùng chuyển ngữ tập truyện ngắn Những bi kịch nhỏ của Lê Minh Khuê sang tiếng Đức.
Ngay khi nhận giải, ông đã tiết lộ trong một bài phỏng vấn, ông đang cân nhắc chọn dịch một trong ba tiểu thuyết đình đám nhận giải thưởng văn xuôi năm 1991 của Hội Nhà văn Việt Nam: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường) hoặc Bến không chồng (Dương Hướng).
Tác giả Dương Hướng (trái) nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Ảnh: NT
Tác phẩm được chọn dịch - Bến không chồng - được coi là một câu chuyện “Hòn vọng phu” thời hiện đại. Tác phẩm xoay quanh sự trở về của người lính Điện Biên tên Vạn.
Người lính dũng cảm nơi chiến trường nhưng khi trở về làng Đông quê hương lại không hòa nhập được vào đời sống bình thường. Anh giữ nguyên tác phong trận mạc trong cuộc sống thời bình. Vạn không dám vượt qua rào cản để đến với chị Nhân. Nhưng cuộc đời xô đẩy anh cùng hai người phụ nữ trong đời anh đến với những lựa chọn quyết liệt.
Thời cuộc, chiến tranh cùng những điều cố hữu trong nhận thức xã hội khiến những người phụ nữ làng Đông mang theo mình những ám ảnh dai dẳng về một “bến không chồng”.
Cuốn tiểu thuyết Bến không chồng góp một cái nhìn về hậu chiến trong những năm đầu thập niên 1990. Tác phẩm được đánh giá mang một vẻ đẹp trong khuôn hình cổ điển: mộc mạc và chân phương trong cốt truyện, trong cách dẫn dắt và ngôn từ.
Giáo sư Phong Lê nhận xét về Bến không chồng: “Một ngôn từ không lấp lánh tài hoa, mà giản dị, tự nhiên, và với ưu thế đó, Bến không chồng là tác phẩm khẳng định được ngay vị trí của nó trong lòng độc giả mà không hề gây tranh cãi”.
Bến không chồng đã được dựng thành phim điện ảnh năm 2000 bởi Lưu Trọng Ninh. Mới đây, tiểu thuyết được Lưu Trọng Ninh chuyển thể thành phim truyền hình dài 24 tập. Phim có tên Thương nhớ ở ai, đang phát sóng trên VTV3.
PV tổng hợp