Người ta thường nói: thế kỷ 20 là thế kỷ của Mỹ, thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á. Khi nói vui với bạn bè trong lúc uống bia, tôi nói với các bạn châu Á của mình chuyện về thế kỷ của tôi, thế kỷ của bạn Các bạn sẽ làm gì trong thế kỷ của mình?. Liệu có giống như thế kỷ của tôi? - hay còn nhiều hơn cả thế? Liệu sẽ có nhiều đồ ăn nhanh, ô nhiễm hơn, vũ khí hiện đại hơn, nhiều xe ô tô hơn, nhiều chiến tranh hơn?” Tôi muốn thảo luận về ba phần của sức ép lớn của loài người hiện nay: sức ép về khí hậu, sức ép về năng lượng và sức ép về lương thực.
Hãy bắt đầu với sức ép về khí hậu. Sự nóng lên toàn cầu giống như một đoàn tầu tốc hành đang tiến về phía chúng ta và nó đang tăng tốc. Hãy nhìn mảng băng ở Bắc cực đang lở xuống biển. Tại các vùng biển ấm 10% số san hô đã bị chết và phần lớn số còn lại đang dần chết. Trên đảo Greenland, các tảng băng đang tách ra. Một vài năm trước đây, đã có dấu hiệu rõ ràng về việc này ở ngay nước Mỹ. Trong trí nhớ của con người, lần đầu tiên hồ Erie - vốn là một hồ lớn nằm trong hệ thống Hồ Lớn- đã không đóng băng.
Thông điệp ở đây là: sự nóng lên của toàn cầu xảy ra nhanh hơn so với chúng ta nghĩ và cánh cửa thoát khỏi các hậu quả thảm khốc đang đóng lại sớm hơn là chúng ta tưởng. Tiếp theo, chuyển sang sức ép năng lượng. Tốc độ tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã và đang theo cấp số nhân. Nguồn cung cấp năng lượng có hạn và chúng ta thì cần năng lượng để vận hành và phát triển kinh tế. Toàn bộ công việc kinh doanh của con người hiện đại dựa vào việc sử dụng và chuyển hóa năng lượng. Vậy chúng ta sẽ lấy năng lượng từ đâu?
Nói một cách khác, chúng ta đang đứng trước ngã ba đường quan trọng nhất trong sử dụng năng lượng, tính từ Cách mạng công nghiệp 200 năm trước đây. Nếu hiện tại dầu lửa đang đạt ở đỉnh cao nhất, thì năng lượng của các kỳ tiếp theo sẽ lấy ở đâu? Từ than đá, vốn đang làm khí hậu nóng lên? Hay là từ các nguồn năng lượng tái sinh? Hay tăng hiệu suất sử dụng năng lượng?
Có một điều rất rõ ràng là tất cả các dạng năng lượng tái sinh sẽ tốn chi phí hơn. Do vậy, những ai sử dụng năng lượng hiệu quả hơn sẽ có lợi thế lớn hơn so với những ai lãng phí năng lượng. Đất nước của tôi đang lãng phí năng lượng. Còn Việt Nam sẽ chọn con đường nào?
Còn bây giờ là về sức ép lương thực. Tương tự như sức ép về khí hậu và năng lượng, sức ép lương thực đã xảy ra. Các bạn có thể thấy điều này ở giá cả hàng hóa. Các bạn cũng có thể thấy trong thực tế, hai năm qua đã có các vụ lộn xộn bắt nguồn từ lương thực xảy ra ở hơn 30 thành phố trên thế giới. Các nguyên nhân dẫn tới sức ép lương thực bao gồm cạn kiệt đất canh tác, mức tăng năng suất nông nghiệp chậm lại, tăng dân số, và quan trọng nữa là thiếu nước. Trong tất cả các chuyển đổi quan trọng của lịch sử loài người, luôn có người đi tiên phong và những người đi theo.
Đầu thế kỷ trước, nước Mỹ dẫn đầu sự chuyển đổi sang năng lượng dầu khí và xe ô tô. Sự chuyển đổi mà chúng ta hiện đang bắt đầu là chuyển đổi sang sử dụng hiệu quả năng lượng và nền kinh tế carbon thấp. Chúng ta đang nói về việc giảm thải carbon trong hoạt động kinh doanh trên hành tinh này. Nếu không làm điều này, chúng ta sẽ làm thay đổi vĩnh viễn các điều kiện căn bản tạo nên cuộc sống con người, nói một cách khác, nếu không thực hiện thành công và đúng lúc sự chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, chúng ta sẽ “nướng” hành tinh này lên. Một công cụ chính trong sự chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp là thương mại hóa lượng khí thải cắt giảm.
Ở Mỹ, chúng tôi đã sử dụng công cụ để làm giảm phát thải SO2, và châu Âu cũng đang sử dụng một công cụ trong nỗ lực nhằm giảm lượng thải carbon. Hãy nói xem Việt Nam có thể đứng ở đâu trong công cuộc chuyển đổi này. Hãy cùng tôi xem một danh sách các quốc gia trên thế giới xem những nước nào sẵn sàng đối mặt với ba sức ép về carbon, năng lượng và thực phẩm, và nước nào đang ở vị trí lãnh đạo, còn nước nào đang ở vị trí đi theo?
Trước tiên, hãy xem các nước lớn, những nước có dân số trên 50 triệu. Tiếp theo, hãy xem các nước trên 50 triệu dân và hầu như tự cung cấp về năng lượng. Tiếp theo, hãy xem các nước có trên 50 triệu dân và hầu như tự cung cấp về năng lượng và thực phẩm. Tiếp theo, hãy xem các nước có trên 50 triệu dân, hầu như tự túc về năng lượng, tự túc về lương thực và hiện tại đang là những nước đang thải carbon tương đối thấp - nhiệm vụ của các nước này đơn giản là duy trì lượng thải carbon thấp cùng lúc với phát triển, chứ không phải là làm giảm từ mức cao như các nước đã phát triển.
Chỉ có dưới 10 trong số 200 quốc gia trên trái đất này đạt được các tiêu chí mà tôi vừa nên ra. Việt Nam nằm trong danh sách này. Nhưng liệu Việt Nam có biết cách tận dụng lợi thế đó không? Và liệu Việt Nam có sẵn sàng để nắm lấy lợi thế đó không? Còn có một yếu tố quan trọng khác nữa – đó là phá rừng. Phá rừng là nguyên nhân gây ra khoảng 20% lượng khí thải nhà kính trên thế giới và cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sa mạc hóa và vấn đề lâu dài về sản lượng nông nghiệp.
Việt Nam là quốc gia có diện tích che phủ rừng đáng kể. Việt Nam đã bị mất một phần lớn diện tích rừng che phủ ban đầu và quốc gia này tuyên bố hướng tới ổn định diện tích rừng và thậm chí là sẽ tăng diện tích che phủ rừng. Nếu Việt Nam có thể làm được điều này, thì đây sẽ là một tài sản vô cùng to lớn. Trong các cuộc đàm phán về khí hậu quốc tế hiện giờ, người ta đang cân nhắc kế hoạch cho phép các quốc gia nào ngừng phá rừng sẽ được nhận tín dụng tương ứng với số tấn carbon mà họ tránh thải ra từ thị trường carbon toàn cầu.
Một điều mà tôi sẽ đề cập tới trong các cuộc họp với các nhà lãnh đạo Việt Nam tuần này là họ nên chuẩn bị để tận dụng kế hoạch này và họ nên đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng xây dựng kế hoạch đó. Vì những công việc này khác hẳn với các công việc mà chúng ta đã phải giải quyết trong thế kỷ trước, chúng ta sẽ cần có các nhà người đi tiên phong khác. Tôi nghĩ, Việt Nam ở vị trí tuyệt vời để trở thành người đi tiên phong. Không chỉ cho người dân của đất nước này và cho tất cả thế giới – vì chúng ta, tất cả mọi người, bằng một cách nào đó sẽ phải cùng nhau thực hiện sự chuyển đổi này. Loài người đã có những bước biến đổi quan trọng, đã vượt qua nhiều thử thách. Chúng ta có quyền hy vọng. Hy vọng là gì? Hy vọng giống như một con đường ở nông thôn. Ban đầu thì không có đường lối đi nào cả. Sau đó, do mọi người đi về ngược xuôi ở cùng một lối, và con đường xuất hiện.
PV