Theo đó, những ngày qua, với vụ nổi loạn của nhóm Wagner (trước đây vốn là một công ty quân sự) chính quyền thủ đô Moskva đã phải áp dụng các biện pháp chống khủng bố, hạn chế các hoạt động đông người, siết chặt kiểm soát xe cộ, người đi đường, kiểm tra giấy tờ tuỳ thân…
Xe cảnh sát Nga tập trung ở trung tâm Rostov-on-Don vào rạng sáng 24/6 (Ảnh: AFP). |
Trước tình hình đó, ngay lập tức Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga phải luôn theo dõi sát sao tình hình và sẵn sàng các phương án bảo hộ, hỗ trợ công dân Việt Nam, đặc biệt là cộng đồng tại các khu vực nói trên. Đồng thời, Bộ Ngoại giao cũng khuyến nghị công dân đang ở các thành phố phía Nam nước Nga và thủ đô Moskva tuân thủ luật pháp và hướng dẫn của chính quyền sở tại.
Công dân nên ở trong nhà, hạn chế tham gia hoạt động tụ tập đông người hoặc có chuyến đi xa trong lãnh thổ Nga. Nếu đi ra ngoài, nhất thiết phải mang theo giấy tờ tuỳ thân và giấy tờ chứng minh cư trú hợp pháp tại Nga và không đến gần các khu vực quân sự, kho xăng dầu và các địa điểm khác được quy định hạn chế tiếp cận.
Công dân có kế hoạch đến các thành phố Rostov, Belgorod, Bryansk, Voronezh, Kursk trong thời gian tới cần cân nhắc các yếu tố an toàn, không tiến hành chuyến đi nếu không thật sự cần thiết và tình hình có diễn biến mới phức tạp.
Trong trường hợp căng thẳng tại Nga gia tăng, Bộ Ngoại giao khuyến nghị công dân chuẩn bị sẵn phương án sơ tán, giữ liên lạc thường xuyên với các hội đoàn người Việt ở địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam tại Nga để nhanh chóng được hỗ trợ.
Chiến sự Nga – Ukraine bắt đầu khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở miền Đông Ukraine vào ngày 24/2/2022. Theo ông, chiến dịch này nhằm mục đích “phi quân sự hóa” và “phi hạt nhân hóa” Ukraine, ngăn chặn tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Kiev. Đáp trả lại hành động của Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẽ ở lại đất nước và tiếp tục nắm quyền. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng lần lượt công bố các biện pháp trừng phạt nhắm vào lĩnh vực tài chính, nhập khẩu công nghệ cũng như giới tài phiệt của Nga.
Đây được coi là cuộc xung đột lớn nhất châu Âu kể từ sau Thế chiến thứ 2. Đến nay, chiến sự đã kéo dài hơn một năm với hàng loạt những hành động tấn công cả về quân sự lẫn kinh tế, an ninh lương thực, an ninh nhiên liệu… Tất cả đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân của hàng loạt các quốc gia có liên quan như trật tự bị đảo lộn, những cuộc nổi loạn diễn ra, thiếu hụt nhiên liệu, tăng giá và lạm phát…
Bộ Ngoại giao đã khẩn trương chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, Ukraine và một số quốc gia lân cận thường xuyên liên hệ, chủ động trao đổi với cộng đồng người Việt Nam để nắm tình hình. Đồng thời cử cán bộ trực đường dây nóng bảo hộ công dân 24/24, tiếp nhận thông tin và kịp thời hỗ trợ bà con, trao đổi và đề nghị với các cơ quan chức năng sở tại có biện pháp hỗ trợ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho công dân.
Thời gian qua, công tác bảo hộ công dân được ghi nhận là tiếp tục gia tăng về số lượng và phức tạp về tính chất, song đều đã được triển khai cơ bản kịp thời và hiệu quả.
Khi rơi vào trường hợp khẩn cấp hoặc cần hỗ trợ, người dân cần nhanh chóng liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga theo đường dây nóng bảo hộ công dân +79166821617 hoặc Tổng đài bảo hộ công dân tại Việt Nam số +84981848484 để được hướng dẫn.
Q.Hoa t.h / Thời Đại