Trung Quốc cải tạo và xây dựng nhiều công trình kiên cố tại 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Trung Quốc nói rằng các hoạt động quân sự của họ ở Biển Đông có tính phòng thủ, hạn chế và không nhằm bá quyền quân sự trong khu vực; và rằng Trung Quốc cam kết không quân sự hóa Biển Đông. Nhưng diễn biến thực tế cho thấy hành động của Trung Quốc hoàn toàn ngược lại với những gì Trung Quốc nói.
Tháng 2/2016 Trung Quốc đã triển khai hai đơn vị tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 và máy bay chiến đấu J-11 ra đảo Phú Lâm, Hoàng Sa. Việc Trung Quốc lắp đặt radar quân sự, triển khai tên lửa đất đối không và chống tàu ngầm cho thấy rõ Trung Quốc đang mở rộng sự kiểm soát không phận và vùng biển trong khu vực và khả năng Trung Quốc sẽ thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Về phía Mỹ, liên tiếp trong tháng 10/2015 và tháng 1/2016, Mỹ đã tiến hành các hoạt động thuộc chương trình chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông, điều tàu khu trục USS Lassen và tàu USS Curtis Wilbar đi vào khu vực bãi đá ở Trường Sa và khu vực quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc chiếm đóng trái phép và xây dựng, đưa máy bay B-52 và tàu sân bay vào khu vực Biển Đông.
Những căng thẳng mới ở Biển Đông làm cho tình hình ngày càng phức tạp, nghiêm trọng. ASEAN, EU, nhiều nước trong và ngoài khu vực (Nhật Bản, Ấn Độ, Úc...) ngày càng quan ngại sâu sắc trước những động thái mới của Trung Quốc và sự gia tăng căng thẳng cũng như nguy cơ xảy ra xung đột ở khu vực.
Tại Liên hợp quốc cũng như các diễn đàn quốc tế khác, Việt Nam kiên quyết bác bỏ và phản đối mạnh mẽ các hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc đang tiến hành ở Biển Đông; yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không tái diễn những hành động đơn phương, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và Luật pháp quốc tế, có hành động thiết thực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Hơn nữa, cần làm rõ rằng những nơi mà Trung Quốc đang tiến hành quân sự hóa, tìm cách khẳng định yêu sách chủ quyền và quyền chủ quyền và quyền tài phán lại là lãnh thổ thuộc chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia khác, không phải của Trung Quốc. Việc Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa và một số cấu trúc ở Trường Sa của Việt Nam vi phạm nghiêm trọng Luật pháp quốc tế. Cũng như các quốc gia có chủ quyền khác, Việt Nam có quyền bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của mình, có quyền lựa chọn những biện pháp thích hợp để tự bảo vệ. Việt Nam luôn duy trì quan điểm là mọi tranh chấp cần phải được giải quyết một cách hòa bình, phù hợp Hiến chương Liên hợp quốc, các nguyên tắc trong quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế.
Trong nhiều năm qua, nhân dân Việt Nam phải ra sức đối phó với những khó khăn thử thách, do những hậu quả nặng nề của chiến tranh, còn phải ứng phó với thiên tai hạn hán nặng nề, và tình hình biến đổi khí hậu... Nhưng nổi lên một cách khẩn trương và thiết thực là phải bảo vệ hòa bình, an ninh, bảo vệ chủ quyền độc lập đã giành được bằng bao nhiêu hy sinh xương máu.
Chúng tôi, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam xin thông báo và kêu gọi tất cả bạn bè trong cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm đến tình hình nghiêm trọng đang diễn ra ở Biển Đông và có những nỗ lực để đóng góp cho việc giải quyết các tranh chấp ở đây thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở Luật pháp quốc tế, bao gồm công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), bảo vệ hòa bình, an ninh của cả khu vực và thế giới./.