Ảnh minh họa (nguồn: VOV)
Chiến dịch này hướng đến mục tiêu kêu gọi ủng hộ từ các nguồn lực trong xã hội để cung cấp những hỗ trợ khẩn cấp cũng như dài hạn cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn do mất cha, mẹ, hoặc người chăm sóc vì dịch COVID-19.
Theo ước tính của ngành Giáo dục, riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã có 1.517 trẻ em ở các cấp học rơi vào cảnh mồ côi vì COVID-19 trong vòng vài tháng qua. Con số này còn lớn hơn nhiều nếu tính cả trẻ em không nằm trong hệ thống giáo dục và tại các tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền, việc tham gia của các tổ chức phi Chính phủ chuyên hỗ trợ trẻ em là vô cùng cần thiết trong việc tập trung nguồn lực để phân bổ một cách minh bạch và hiệu quả.
Trẻ em mất cha hoặc mẹ đối diện với nguy cơ sang chấn tâm lý nghiêm trọng, nếu không được hỗ trợ thích hợp sẽ ảnh hưởng dài hạn tới sức khỏe tâm thần cũng như cơ hội thành công trong cuộc sống của các em sau này. Đặc biệt, những trẻ em vốn trước đây đã thuộc các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và giờ đây mất đi người mang lại nguồn kinh tế chính cho gia đình sẽ còn cần những hỗ trợ về vật chất khẩn cấp, bên cạnh việc cam kết hỗ trợ về giáo dục và tinh thần trong dài hạn.
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) cho biết, Chiến dịch "Em không lẻ loi” hướng tới hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi do COVID-19 trong mạng lưới của các tổ chức tham gia, đồng thời mở đơn đăng ký để cộng đồng có thể gửi thông tin về các hoàn cảnh mồ côi cần giúp đỡ tại trang web https://emkhongleloi.com.
“Em không lẻ loi” đặt mục tiêu không chỉ tập trung vào hỗ trợ trẻ về mặt tài chính mà còn chăm sóc trẻ về mặt tinh thần. Với kinh nghiệm đa dạng và chuyên môn về công tác xã hội, các tổ chức tham gia có thể giúp trẻ giảm nhẹ những sang chấn sau khi mất người thân, tư vấn một cách có trách nhiệm về các vấn đề xoay quanh cuộc sống và giáo dục, khích lệ và hỗ trợ trẻ phát triển bản thân, cũng như tạo ra một "tấm lưới an toàn" nâng đỡ trẻ trong hoàn cảnh cha hoặc mẹ không còn. Nói cách khác, sự phối hợp của các tổ chức giúp trẻ vượt qua cú sốc về tâm lý của việc mất đi cha mẹ và ngăn chặn bi kịch này ảnh hưởng đến tiềm năng của trẻ.
“Sang chấn về tâm lý đối với trẻ mất cha hoặc mẹ là vô cùng lớn; cách tối ưu nhất để giúp đỡ trẻ mồ côi đó là tạo điều kiện cho trẻ được ở cùng với người thân của mình; đồng thời tư vấn, hướng dẫn cũng như cung cấp những hỗ trợ dài hạn cho các nhu cầu sức khỏe, tâm lý, xã hội và cảm xúc của trẻ. Hỗ trợ học bổng và nhu yếu phẩm rất quan trọng, nhưng hỗ trợ về cảm xúc và tâm lý cũng cần thiết không kém để trẻ có thể vượt qua nỗi đau và có động lực phát triển tiềm năng của mình,” ông Damien Roberts, Giám đốc Điều hành Saigon Children’s Charity chia sẻ.
Q.Hoa t.h/ TTXVN