Hội nghị do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam (Liên hiệp Hữu nghị) phối hợp tổ chức.
Tại Hội nghị, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đánh giá cao công tác vận động nguồn lực, huy động tài trợ của các tổ chức trong nước, quốc tế để thực hiện các hoạt động từ thiện, nhân đạo ở Việt Nam, đặc biệt giúp đỡ cho những người dễ bị thương hòa nhập cộng đồng.
Theo bà Trương Thị Mai, công tác từ thiện, nhân đạo thời gian tới còn nhiều khó khăn, thách thức bởi ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, … Do đó, rất cần sự chung tay góp sức của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cùng sự nỗ lực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Liên hiệp Hữu nghị Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Bà Trương Thị Mai phát biểu tại Hội nghị
Bà Trương Thị Mai mong muốn các bên cần xây dựng các mục tiêu, kế hoạch cụ thể, đề ra giải pháp khả thi, chủ động triển khai, thỏa thuận hợp tác với các đối tác, nhà tài trợ; thực hiện viện trợ nhân đạo công khai, minh bạch để những người cần trợ giúp có thể tiếp cận nhiều hơn với các nguồn lực, không ai bị bỏ lại phía sau. Bên cạnh đó, các đơn vị có liên quan cần chủ động trao đổi với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để nắm vững ưu tiên trong quá trình vận động tài trợ nhân đạo cho Việt Nam.
Ông Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ tịch phụ trách kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hữu nghị cho biết, Việt Nam hiện có quan hệ với hơn 1.000 tổ chức PCPNN, trong đó có hơn 500 tổ chức hoạt động thường xuyên. Trong hơn 20 năm qua, các tổ chức PCPNN đã tài trợ cho Việt Nam hơn 4,3 tỷ đô la Mỹ. Hoạt động của các tổ chức PCPNN diễn ra tại 63 tỉnh thành trên cả nước và trên hầu khắp các lĩnh vực mà Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, trong đó đáng kể nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục, giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển kinh tế xã hội.
Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hậu quả chiến tranh còn kéo dài, một số nhóm cần sự hỗ trợ đặc biệt như nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Ngoài việc huy động nguồn lực từ các tổ chức PCPNN, cũng cần tăng cường hợp tác nhằm huy động từ các nguồn lực khác để triển khai các hoạt động nhân đạo thông qua các tổ chức PCPNN.
Ông Phong hy vọng, Hội nghị sẽ góp phần tăng cường, mở rộng và phát triển các mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong nước và quốc tế để từ đó thúc đẩy vận động trợ giúp nhân đạo, phát triển tại Việt Nam.
Ông Đôn Tuấn Phong phát biểu tại Hội nghị
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, cácTCPCPNN và bạn bè quốc tế mở rộng quan hệ đối tác, huy động và phát huy hiệu quả của nguồn viện trợ PCPCNN, đóng góp tích cực vào công tác nhân đạo, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung đánh giá kết quả chương trình viện trợ nhân đạo tại Việt Nam trong 5 năm qua và đưa ra các định hướng ưu tiên hành động nhân đạo giai đoạn 2019-2022. Bên cạnh đó, các đại biểu cùng thảo luận về những cơ hội, thách thức và giải pháp tăng cường trợ giúp các hoạt động nhân đạo, an sinh xã hội, trợ giúp cộng đồng. Từ đó, các đơn vị đóng vai trò nòng cốt, cầu nối trong hoạt động nhân đạo như Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên hiệp Hữu nghị Việt Nam phối hợp cùng điều phối, ưu tiên theo nhu cầu cần trợ giúp của cộng đồng.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thu Xuân Thu cho biết: 5 năm qua, tổng giá trị nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đạt 2.000 tỷ đồng/năm; trợ giúp 7 triệu lượt người nghèo/năm. Bước vào kỷ nguyên số - cách mạng công nghiệp lần thứ 4, công tác vận động nguồn lực cho hoạt động nhân đạo có nhiều thời cơ cũng như thách thức. Điều này đòi hỏi Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và nhiều đơn vị khác phải nỗ lực hơn nữa, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng tổ chức để vận động, thu hút sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế cũng như khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, an sinh xã hội theo hướng phát triển bền vững.
Kí kết giữa 3 cơ quan
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, doanh nhân Việt Nam luôn đi đầu trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội, vì cộng đồng chứ không chỉ là hoạt động kinh doanh, sản xuất. Trong lịch sử đã có tấm gương các doanh nhân làm công tác từ thiện tiêu biểu như cụ Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ, Bạch Thái Bưởi… Nhiều doanh nhân ngày nay cũng học tập tinh thần vì người nghèo của các cụ doanh nhân xưa, nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động nhân đạo từ thiện. Tùy khả năng, lĩnh vực hoạt động, mỗi doanh nghiệp tham gia hoạt động nhân đạo bằng các hình thức ủng hộ, tài trợ khác nhau như đóng góp tiền cho các quỹ từ thiện, cứu trợ đồng bào vùng thiên tai…
Đây là hoạt động phối hợp 3 bên đầu tiên do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức nhằm xúc tiến các hoạt động nhân đạo. Tại hội nghị, 13 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã ủng hộ và cam kết ủng hộ trực tiếp với tổng trị giá hơn 185 tỷ đồng.
MD