PV: Thưa Giáo sư, ông có thể chia sẻ với độc giả về các tổ chức nhân dân của Nhật Bản đang hợp tác, giao lưu với Việt Nam?
- Hiện ở Nhật Bản đã và đang có một số lượng lớn các tổ chức “ngoại giao nhân dân” cả ở cấp quốc gia và từng địa phương. Các tổ chức lớn có quan hệ hợp tác, hữu nghị với Việt Nam là: Hội hữu nghị Nhật - Việt, Hiệp hội Nhật - Việt, Hội đồng Xúc tiến Hòa bình và Hữu nghị Nhật - Việt, Hiệp hội Giao lưu Văn hóa Nhật - Việt, Hiệp hội Giao lưu Văn hóa Việt Nam...
Gần đây, xuất hiện nhiều tổ chức hữu nghị ở địa phương. Cụ thể, Hội hữu nghị Nhật - Việt có 16 chi hội địa phương. Đồng thời có nhiều tổ chức độc lập cấp địa phương không thuộc Hội hữu nghị Nhật - Việt như Hội hữu nghị Fukushima - Việt Nam, Hội hữu nghị Okinawa - Việt Nam... Ngoài các hoạt động giao lưu với Việt Nam, các tổ chức “ngoại giao nhân dân” này còn tham gia các hoạt động hợp tác và hỗ trợ người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản, tổ chức các lớp dạy tiếng Việt, lễ hội Việt Nam tại nhiều nơi ở Nhật Bản.
Giáo sư Furuta Motoo - Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam. |
PV: Thưa ông, các tổ chức nhân dân, doanh nghiệp đặc biệt là giới trẻ ở Nhật Bản kỳ vọng, mong muốn gì từ phía các đối tác và bạn bè Việt Nam?
- Thời gian qua, Nhật Bản và Việt Nam đã hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Tôi cho rằng, hợp tác này sẽ bền vững, tốt đẹp và tiến triển hơn khi chúng ta áp dụng các tiêu chuẩn của Nhật Bản, sự phong phú của thị trường Việt Nam. Theo tôi, quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam là mối quan hệ học hỏi lẫn nhau. Nếu thiết lập tốt quan hệ này, khả năng thành công của người Nhật tại Việt Nam sẽ rất cao.
Tôi cho rằng, quan hệ hiện nay giữa Nhật Bản và Việt Nam là sự tin tưởng lẫn nhau, từ các nhà lãnh đạo của đất nước đến người dân. Trung thực là nền tảng của niềm tin. Nhiều người Nhật đặt nhiều kỳ vọng ở đối tác Việt Nam về sự chân thành. Những người Nhật cùng thế hệ với tôi lớn lên trong chiến tranh Việt Nam và có tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Việt Nam là một “đất nước đặc biệt” đối với thế hệ chúng tôi. Giới trẻ Nhật Bản hiện chưa có nhiều tình cảm đặc biệt với Việt Nam, nhưng họ có nhiều mối quan tâm ở các lĩnh vực khác nhau. Họ là thế hệ tương lai sẽ có thể có quan hệ lâu dài và ổn định với Việt Nam. Tôi muốn đông đảo các bạn ở Việt Nam làm quen với những người trẻ Nhật Bản hiện nay.
PV: Để phát triển quan hệ hữu nghị hai nước, thời gian tới chúng ta cần quan tâm tới vấn đề gì, thưa Giáo sư?
- Bên cạnh nền văn hóa độc đáo của Nhật Bản, tôi tin rằng Nhật Bản còn có những tài sản trí tuệ tuyệt vời như “quản lý kiểu Nhật”, “sản xuất kiểu Nhật” và “dịch vụ kiểu Nhật”. Tôi mong muốn người Việt Nam hiểu được “mô hình Nhật Bản” trong các lĩnh vực này, nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của nó và vận dụng phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.
Nói cách khác, điều chúng tôi hy vọng là sẽ tạo ra nhiều “mô hình Việt Nam” dựa trên “mô hình Nhật Bản”. Để có thể làm được điều này cần phải tạo ra nguồn nhân lực Việt Nam hiểu Nhật Bản đồng thời có nhiều người Nhật Bản am hiểu sâu sắc về Việt Nam.
Tôi cho rằng mục tiêu xây dựng “mạng lưới lòng tin” dựa trên các mối quan hệ như vậy là vấn đề chính của “ngoại giao nhân dân” đối với Việt Nam tại Nhật Bản trong tương lai.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Q.Hoa t.h / Thời Đại