Chủ tịch Vũ Xuân Hồng trao Giấy phép cho tổ chức IMM Japan 25/1/2011 |
Thảm hoạ “kép” thiên tai động đất và sóng thần năm 2011 đã cướp đi sinh mạng hơn 19.000 người, tàn phá nhiều thị trấn, làng mạc và để lại hậu quả kéo dài hàng chục năm với sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1. Tuy nhiên, thế giới một lần nữa được chứng kiến “tinh thần võ sĩ đạo” bất khuất của người dân Nhật Bản. Họ đã kiên cường đối chọi với khó khăn và dần vượt qua thảm họa. Cuộc sống của người dân ở các khu vực bị tàn phá bởi thảm họa đang dần đi vào ổn định nhờ vào các nỗ lực không biết mệt mỏi từ chính nội lực của người dân Nhật Bản và sự hỗ trợ từ các bạn bè quốc tế, trong đó có Việt Nam. Nền kinh tế Nhật Bản đang dần hồi phục bất chấp môi trường kinh tế bên ngoài đang xấu đi do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và nợ công Châu Âu. Trong bối cảnh đó, các tổ chức phi chính phủ Nhật Bản vẫn duy trì và gia tăng hoạt động viện trợ cho Việt Nam, tập trung vào các vấn đề giáo dục, đào tạo và dạy nghề, y tế và chăm sóc sức khỏe,giúp đỡ trẻ em khuyết tật, phát triển kinh tế- xã hội (phát triển cộng đồng) và môi trường.
Tính đến tháng 9 năm 2013, có 25 tổ chức phi chính phủ Nhật Bản đang triển khai các chương trình dự án nhân đạo và phát triển tại Việt Nam. Trong số này, một số tổ chức hoạt động với quy mô khá lớn như Hiệp hội Nhật Bản về Thúc đẩy Công nghiệp và Đào tạo Nguồn nhân lực Việt Nam (HIDA), Tổ chức sáp nhập từ hiệp hội tu nghiệp kỹ thuật hải ngoại (AOTS), Tổ chức Phát triển Quốc tế của Nhật Bản (JODC), Tổ chức cứu trợ trẻ em Nhật Bản ( SCJ), Tổ chức Phát triển/Cứu trợ Quốc tế Nhật Bản (FID/R)... Các tổ chức còn lại có quy mô hoạt động trung bình. Tổng giá trị viện trợ của các tổ chức phi chính phủ cho Việt Nam trong giai đoạn 5 năm gần đây (2008- 2013) đạt khoảng 73,4 triệu USD với tổng số 566 chương trình/ dự án.
Trong lĩnh vực đào tạo nghề, HIDA là tổ chức có giá trị viện trợ lớn nhất. Hoạt động chủ yếu của HIDA là cử người đi đào tạo tại các Trung tâm dạy nghề tại Nhật Bản và các nước trong khu vực. AOTS/HIDA đang tổ chức cho Việt Nam 05 khóa học tại Nhật Bản tập trung vào lĩnh vực quản lý chất lượng, quản lý nhà máy, an toàn thực phẩm, cải tiến hiện trường sản xuất, quản lý công ty. Đến nay, đã có hơn 7600 người Việt Nam tham dự các chương trình tổ chức tại Nhật Bản và hơn 13000 người tham dự khóa học tổ chức tại Việt Nam của AOTS.
Y tế và chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực được khuyến khích và là trọng tâm trong chính sách phát triển quốc gia của Nhật Bản. SCJ đang tiếp tục triển khai dự án “Chăm sóc thai nghén và dinh dưỡng trẻ em” cho các bà mẹ, phụ nữ có thai và trẻ em tại xã Minh Chuẩn, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái từ năm 2008. Ngoài ra, SCJ thực hiện dự án “Hỗ trợ người dân Tiền Hải khắc phục sau bão” từ đầu năm 2013 nhằm hỗ trợ về y tế và sức khỏe cho người dân địa phương. FID/R cũng triển khai dự án của mình tại Quảng Nam từ năm 2008; và một số tổ chức khác như ILSI, OITA, JAVDO và IUHW đang triển khai nhiều dự án do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ với quy mô nhỏ ở nhiều địa phương ở Việt Nam như Bệnh viện chuyên khoa tai mũi họng, khám nha miễn phí cho trẻ em và người khuyết tật, “Hài hòa hóa tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ASEAN”…
Lĩnh vực phát triển cộng đồng đòi hỏi các tổ chức có khả năng tài chính và kinh nghiệm hoạt động lâu năm. Các dự án thường có nhiều hợp phần như giáo dục bình đẳng giới, tập huấn nâng cao năng lực, hỗ trợ tín dụng vi mô/ vốn quay vòng, xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục, thuy lợi, nước sạch và hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp. Từ năm 2007-2011, FIDR triển khai Dự án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội bền vững” tại quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Dự án này đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người nghèo ở địa phương. Bên cạnh đó, năm 2013, FIDR đưa Dự án “Cải thiện an ninh lương thực cho các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ” đến với 4 huyện miền núi Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang và Phước Sơn của tỉnh Quảng Nam.
Chưa có nhiều các tổ chức phi chính phủ Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên vẫn có các thỏa thuận hợp tác giữa các tổ chức phi chính phủ Nhật Bản với các tổ chức của Việt Nam như Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2013-2016 giữa tổ chức OISCA (tổ chức phi chính phủ Nhật Bản về giáo dục) với Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam về tăng cường sự tham gia của thanh niên vào các hoạt động bảo về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trên cơ sở định hướng của Chương trình Quốc gia xúc tiến vận động phi chính phủ giai đoạn 2013 – 2017, Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (COMINGO) và Ban điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) sẽ tập trung vào việc vận động và hợp tác với các tổ chức phi chính phủ Nhật Bản trong các lĩnh vự ưu tiên như nông-lâm-ngư nghiệp, phát triển nông thôn, y tế, giáo dục, đào tạo và dạy nghề, giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường, khắc phục hậu quả chiến tranh phòng, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; khuyến khích các dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, đào tạo và dạy nghề, phát triển ngành nghề thủ công tạo cơ hội việc làm và thu nhập phi nông nghiệp, hỗ trợ các chương trình tài chính vi mô. Đối với khu vực đô thị, ưu tiên đào tạo, dạy nghề gắn với tạo việc làm, phát triển ngành, nghề thủ công, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ phòng, phòng chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm...
Nhân dân Việt Nam đánh giá cao kết quả hoạt động của Cộng đồng các tổ chức phi chính phủ Nhật Bản tại Việt Nam trong những năm qua. Về phần mình, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam thông qua PACCOM thực hiện chức năng cơ quan thường trực của COMINGO sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả công tác vận động viện trợ và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài góp phần cùng chính phủ và nhân dân hai nước hướng tới ”Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á”.
Ngọc Anh