Đài MBC ghi lại hình ảnh tại gia đình Nguyễn Thanh Tùng.
Tận cảnh nỗi đau
Sáng ngày 21/5, đoàn làm phim tới ghi hình tại gia đình hai chị em Nguyễn Thị Phương Thúy (sinh năm 1975) và Nguyễn Thanh Tùng (sinh năm 1979) ở khu tập thể trên con phố nhỏ thuộc phường Trương Định (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Cha của hai chị em, ông Nguyễn Thanh Sơn là một trong những chiến sỹ tham gia bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trong chiến dịch 81 ngày đêm. Sáu năm chiến đấu trên chiến trường ác liệt Thành cổ Quảng trị, ông đã nhiễm chất độc hóa học do Mỹ rải và hậu quả đã khiến hai con ông phải gánh chịu từ khi mới lọt lòng.
Thúy tuy đã 37 tuổi nhưng hình hài chỉ như đứa trẻ lên 10. Em bị câm, điếc, mù lòa, liệt từ khi mới sinh ra do những ảnh hưởng của chất độc da cam. Tùng sinh ra đã không được biết đến ánh sáng khi chất độc da cam đã khiến em bị mù lòa.
Lặng lẽ ghi lại từng chi tiết mẹ Thúy chăm sóc cho con gái, từ buộc tóc, lau mặt đến chỉnh lại chiếc gối, đạo diễn Won xúc động nói: “Hậu quả của chất độc da cam thật là khủng khiếp. Chúng tôi thực sự rất đau xót và cảm thông với các em và gia đình. Họ đã thật dũng cảm để đối mặt với nỗi đau”.
Di chuyển vào căn phòng phía trong, nơi Tùng đang chờ đợi với cây đàn bầu, đạo diễn Won vừa lắng nghe Tùng đàn vừa liên tục thay đổi góc quay để có những thước phim ưng ý nhất. Câu chuyện của cha mẹ Tùng với những vất vả, đau đớn của những bậc sinh đã khiến các thành viên đoàn làm phim không khỏi lặng người.
Kể lại những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, những nỗi đau của hai vợ chồng ông bà suốt 37 năm kể từ khi sinh Thúy, ông Sơn chùng giọng: “Các bạn khỏe mạnh tươi trẻ thế này, các con tôi thế kia, làm sao không đau được?”.
Ngày 22/5, đoàn làm phim đã có một ngày vất vả tại làng Hữu Nghị (Hoài Đức, Hà Nội) nơi nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam. Từng nhân vật xuất hiện trong các thước phim: Cảnh Chi Long chỉ cao 1,2m khi đã 29 tuổi; Lưu Viết Kiên đã phẫu thuật rất nhiều lần nhưng vẫn hỏng một bên mắt và mang trong mình rất nhiều khối u… Các thành viên đoàn làm phim không dấu được sự xót xa trước những hoàn cảnh của các nạn nhân. Có lẽ, đây là những thước phim quay khó khăn nhất trong sự nghiệp của đoàn làm phim, bởi họ bị tình cảm chi phối, không ít lần máy quay phải dừng lại để ngăn dòng cảm xúc.
Câu chuyện về cuộc sống, sinh hoạt, những khó khăn, vất vả của các nạn nhân và gia đình cũng như những người chăm sóc được các nhà làm phim cẩn thận ghi chép, phỏng vấn từng chi tiết.
Đạo diễn Won cho biết: “Cuộc sống của các nạn nhân da cam Việt Nam sẽ được tái hiện chân thực nhất để chuyển tải tới người dân Hàn Quốc qua các thước phim này”.
Hành trình vì nạn nhân da cam Việt - Hàn
Cùng với những thước phim ghi lại đời sống của các nạn nhân da cam Việt Nam, một chương trình đưa nạn nhân da cam Việt Nam sang Hàn Quốc khám chữa bệnh, giao lưu và chia sẻ sẽ diễn ra từ ngày 4 đến 8/6 tới đây. Đây là các hoạt động ý nghĩa và thiết thực do Hội Cựu chiến binh thương tật về chất độc da cam Hàn Quốc (KAOVA), phối hợp với Đài truyền hình MBC và Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 20 năm quan hệ hữu nghị Việt - Hàn.
Đạo diễn Won cho biết: “Ở đất nước tôi cũng có các nạn nhân chất độc da cam song không nhiều. Cũng rất ít người dân Hàn Quốc biết về hậu quả của chất độc da cam tại Việt Nam. Những thước phim của chúng tôi sẽ được phát trên đài MBC và đó là cách để người dân Hàn Quốc biết và hiểu về cuộc sống của các nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam. Từ đó họ sẽ có những chia sẻ thiết thực với những nạn nhân vô tội của chiến tranh”.
Đạo diễn Won cũng chia sẻ, ông đã tham gia một tổ chức phi chính phủ quốc tế để giúp đỡ những trẻ em khó khăn tại nhiều nước đang phát triển. Ông tin tưởng rằng, với tình cảm gắn bó và ngày càng phát triển của nhân dân hai nước Việt - Hàn, những vấn đề khó khăn sẽ cùng được chung tay giải quyết và chia sẻ.
Bà Phạm Bảo Ngọc, cán bộ tổ chức KAOVA cho biết, đoàn làm phim đã tận dụng tối đa thời gian để tới từng gia đình nạn nhân chất độc da cam, ghi lại những sinh hoạt đời thường, tình trạng bệnh tật và điều kiện sống của họ. Những nhà làm phim cũng tìm hiểu cặn kẽ những khó khăn trong cuộc sống của các nạn nhân và gia đình. Họ đã quay tại nhà các nạn nhân ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ninh Bình và làng Hữu Nghị chỉ trong 4 ngày ở Việt Nam. Khi tới quay tại làng Hữu Nghị, đoàn đã phỏng vấn lãnh đạo làng về sinh hoạt của các nạn nhân tại làng, điều kiện sống sinh hoạt và chữa bệnh của các nạn nhân.
Ông Sơn, bố của Thúy và Tùng tâm sự: “Tôi cũng đã gặp rất nhiều bạn bè đến từ nhiều nước trên thế giới. Bằng nhiều hình thức, họ đã có những sự hỗ trợ nhất định về tinh thần. Việc làm của đài truyền hình MBC rất có ý nghĩa, nó khiến con người sống gần nhau hơn, chia sẻ và đùm bọc trong tình nhân ái và đồng loại”.
Trong năm hữu nghị Việt - Hàn 2012, đài truyền hình MBC (Hàn Quốc) sẽ phối hợp với tổ chức KAOVA và các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động thiết thực như: “Chương trình chào đón nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” ; tổ chức Festival cho người Việt Nam tại Hàn Quốc vào ngày 02/9/2012; tổ chức Đêm đại nhạc kịch Hàn Quốc tại Hà Nội vào tháng 12/2012 để kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc.
Nguồn: Thời Đại