Cựu Đại sứ Australia Graham Alliband
Kể từ những năm 1970, ông Graham Alliband đã thực hiện ba nhiệm kỳ ngoại giao tại Việt Nam, bao gồm cả cương vị Đại sứ từ năm 1988-1991.
Ông cũng là Giám đốc của bốn chương trình phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam của chính phủ Australia. Ông hiện đang tiếp tục cống hiến trong vai trò cố vấn của chương trình Aus4Skills.
Trong hơn năm thập kỷ qua, ông Graham Alliband làm việc không mệt mỏi đóng góp cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam và tăng cường quan hệ ngoai giao giữa hai nước. Ông nói tiếng Việt thành thạo và hiểu biết sâu rộng về văn hóa Việt Nam, đồng thời là người bạn tuyệt vời của nhiều người Việt Nam.
Chia sẻ với báo chí về thời điểm đặt chân đến Việt Nam với tư cách là Đại sứ Australia năm 1988, tức 2 năm sau khi Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới, ông Graham Alliband cho rằng chính sách đổi mới đã mang lại sức sống và sự năng động mới cho Việt Nam, thúc đẩy sự thay đổi trên nhiều phương diện của đất nước. Trong tâm trí ông, hình ảnh điển hình cho bầu không khí mới đầy hy vọng mà đổi mới mang lại là những ngọn đèn đường sáng rực khắp Hà Nội chỉ sau một đêm năm 1989.
Ông Graham gọi cuộc điện thoại đầu tiên từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Australia qua hệ thống vệ tinh INTELSAT do công ty OTCI (Telstra) của Australia lắp đặt tại Việt Nam (Ảnh: Đại sứ quán Australia tại Việt Nam). |
Cựu Đại sứ Australia tại Việt Nam cũng có ấn tượng khó quên về sự tái sinh của khu vực tư nhân với các cửa hàng, các khu chợ, nhà hàng, quán cà phê. Ông nhận thấy ở Việt Nam có một sự háo hức, tìm hiểu về thế giới và ông đánh giá Việt Nam có thể gặt hái được nhiều thành tựu từ các liên kết chặt chẽ hơn.
Một trong những thời khắc mà ông vô cùng tự hào trong nhiệm kỳ của mình là khi đích thân thực hiện cuộc gọi điện thoại trực tiếp đầu tiên kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Australia năm 1998, thông qua hệ thống vệ tinh INTELSAT do công ty OTCI của Australia (nay là Telstra) lắp đặt tại Việt Nam. Liên kết viễn thông mới này đánh dấu sự gia nhập của Việt Nam vào cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc mở rộng việc dạy tiếng Anh nếu Việt Nam muốn tham gia cộng đồng quốc tế, ông đã tạo điều kiện cho giáo viên dạy tiếng Anh tình nguyện người Australia đầu tiên làm việc tại Việt Nam, sử dụng một quỹ nhỏ của đại sứ để cung cấp thiết bị cũng như sách giáo khoa tiếng Anh cho các khoa ngoại ngữ của 5 trường đại học ở Việt Nam.
Ông cũng hỗ trợ thiết bị và sách vở để thành lập trung tâm tiếng Anh bán độc lập đầu tiên ở Hà Nội (có lẽ là trên toàn Việt Nam) vào giữa năm 1991, do 2 giáo viên dạy tiếng Anh của Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội) phụ trách. Họ là những người từng được đào tạo tại Australia. Với ông, điều rất đáng khích lệ là các bạn trẻ ở Việt Nam rất thích học tiếng Anh.
Huy chương của chính phủ Australia do Toàn quyền Australia trao tặng vinh danh những công dân Australia có thành tích và cống hiến xuất sắc cho xã hội sau khi họ được cộng đồng đề cử và một tổ chức độc lập đánh giá.
Q.Hoa t.h / Thời Đại