Tàu đã thực hiện cả thảy 69 chuyến đi trong đó có 39 chuyến đến Việt Nam, và đến riêng Đà Nẵng là 29 chuyến đều để lại ấn tượng tốt đẹp.
Chuyến đi lần này tàu Hòa Bình đưa đến Đà Nẵng 104 khách quý. Đó là những nạn nhân sống sót sau vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki (8/1945), các bạn đều già yếu, chuyến đi Việt Nam lần này là chuyến đi đầu tiên và có lẽ cũng là chuyến đi cuối cùng trong đời họ.
Các nạn nhân bom nguyên tử đã có cuộc gặp gỡ rất cảm động với hơn 30 nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng. Nhiều người đến bên các nạn nhân dioxin đứng lặng khóc ròng vì họ không tưởng tượng các em nhỏ lẽ ra có vẻ đẹp thiên thần lại mang gương mặt, hình hài đau khổ đến vậy. Có nạn nhân bom nguyên tử đã tự kể sau thảm họa, quá buồn chán, ông đã rời quê hương sang Nam Mỹ sinh sống, những mong đoạn tuyệt với quá khứ nhưng rồi ông đã tự vươn lên. Đến đây ông mới thấy các nạn nhân chất độc da cam còn phải gánh chịu những đau đớn nhiều lần hơn mình và điều khủng khiếp là dioxin để lại di hoạ có thể truyền qua nhiều thế hệ.
Nhân dịp này, Tàu Hoà Bình đã trao tặng Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam 12.000 USD. Tàu đã mời một nhóm 3 nạn nhân chất độc da cam (cùng đại diện gia đình) và bà Nguyễn Thị Hiện, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng tham gia một chặng trên hành trình của Tàu. Những ngày trên Tàu, các nạn nhân dioxin là những người được yêu thương, chăm sóc nhất. Và họ cũng có nhiều cơ hội trao đổi với các bạn Nhật và quốc tế có trên Tàu về vấn đề chất độc da cam, kêu gọi sự ủng hộ cho cuộc đấu tranh vì công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Cũng trong dịp này, một đêm văn nghệ Việt - Nhật đã diễn ra sôi nổi và chan chứa tình hữu nghị.
Ban nhạc Tokyo Gyangstar và nhóm trống Nihontako đã thu hút các khán giả Đà Nẵng bằng nhịp trống rộn rã hào hùng và giọng hát ấm khoẻ, nhất là với ca khúc “Niềm tin chiến thẳng” của Mỹ Tâm.
Các bạn Nhật cũng rất thích thú khi được thưởng thức các vũ điệu Chàm uyển chuyển, tinh tế và các ca khúc mang âm hưởng dân ca Việt Nam ngọt ngào.
Nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Bunyo Ishikawa, người phóng viên Nhật lăn lộn ở chiến trường miền Nam trong những năm ác liệt 1966 –1968 đã ghi vào ống kính những hình ảnh tố cáo tội ác của Mỹ và tay sai, ca ngợi cuộc chiến đấu giải phóng anh hùng của chúng ta cũng có mặt trong đêm văn nghệ. Ông đem đến một trưng bày nhỏ nhưng là tất cả tình yêu của ông đối với Việt Nam. Trở lại Việt Nam lần này ông rất vui khi thấy chiến tranh đã lùi xa, Việt Nam đã thay đổi và phát triển rất nhanh trong hoà bình.
Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch danh dự Hội nạn nhân chất độc da cam, người chiến sĩ xuất sắc, suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì hòa bình, được các bạn Nhật rất mến mộ đã có mặt trong tất cả các họat động giao lưu Việt - Nhật càng làm cho đêm hội của tình hữu nghị thêm sôi nổi và thắm thiết.
Xúc động trước những tình cảm chân thành giữa các nạn nhân bom nguyên tử và nạn nhân chất độc da cam, bà Nguyễn Thị Bình đã nhận xét: “Cùng là nhạn nhân chiến tranh, chúng ta chia sẻ và thông cảm với nhau, chúng ta sát cảnh bên nhau trong cuộc chiến đấu vì một thế giới hoà bình, không có vũ khí hạt nhân, không có vũ khí hoá học”.
Nguyễn Đình An
(Chủ tịch Liên hiệp hữu nghị Đà Nẵng)