Đại biểu Quốc hội Đôn Tuấn Phong, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang.
Đến thời điểm hiện tại, đã có 6/11 quốc gia ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đã phê chuẩn Hiệp định, bao gồm Mexico, Nhật Bản, Canada, New Zealand, Singapore, Australia. Nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, Việt Nam là quốc gia thứ 7 phê chuẩn Hiệp định này.
Cho ý kiến về sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP, nhiều đại biểu đánh giá đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao và khá toàn diện với mức cam kết sâu nhất từ trước tới nay.
ĐBQH Đôn Tuấn Phong (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) cũng đã tham gia một số ý kiến về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện liên quan.
Theo Đại biểu Phong, việc chúng ta tham gia Hiệp định sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn là thách thức. Về kinh tế, Hiệp định CPTPP sẽ giúp chúng ta tiếp cận thị trường rộng hơn. Hiệp định CPTPP cũng có nhiều ưu đãi hơn so với các hiệp định thương mại tự do song phương mà chúng ta đã có với 7/10 nước đối tác trong Hiệp định CPTPP hiện nay.
“Cơ cấu xuất nhập khẩu của ta với 10 nước còn lại mang tính bổ sung nhiều hơn là cạnh tranh và quan trọng hơn, việc tham gia Hiệp định CPTPP sẽ tạo điều kiện hơn nữa để chúng ta có thể tiếp tục đổi mới về chính sách để tăng cường hội nhập và phát triển.
Về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, việc tham gia Hiệp định này sẽ góp phần khẳng định vị thế, tăng cường đan xem lợi ích và vì vậy có thể trực tiếp và gián tiếp giúp duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác quốc tế, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia”, Đại biểu Phong nhấn mạnh.
Cũng theo Đại biểu Phong, theo những nghiên cứu hiện có, có thể lưu ý rằng, tác động trực tiếp về kinh tế cần được xem xét kỹ lưỡng hơn. Hiện chúng ta đã có hiệp định thương mại tự do song phương với 7/10 nước trong hiệp định. Khả năng tạo việc làm mới không phải là quá lớn, trong khi về mặt xã hội một số nhóm đối tượng nhất là ở khu vực nông nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể bị ảnh hưởng rất lớn. Một số cam kết theo hiệp định cũng sẽ đòi hỏi chúng ta phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
“Với những cân nhắc như trên, tôi thống nhất đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn hiệp định. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội do hiệp định có thể đem lại, đề nghị các cơ quan hữu quan sớm đề xuất kế hoạch và lộ trình cụ thể để sửa đổi và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nhằm đảm bảo tính tương thích, đồng bộ và khả thi. Đồng thời có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến nội dung của hiệp định đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân”, Đại biểu Phong nói.
Theo thoidai.com.vn