Gắn kết
Đối ngoại nhân dân (ĐNND) cần nắm bắt được các xu hướng mới về tập hợp lực lượng nhân dân trên thế giới, phát huy lợi thế có đối tác, lực lượng, lĩnh vực hoạt động, kênh tiếp xúc đa dạng, phong phú, có thể linh hoạt về biện pháp, để chủ động mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường quan hệ hợp tác hiệu quả với các đối tác trên bình diện song phương cũng như đa phương.
ĐNND cần tích cực kết nối, vận động, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân các nước, đặc biệt là các nước láng giềng, các nước ASEAN, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam; qua đó tác động đến chính sách của các chính phủ, các tổ chức, các thiết chế quốc tế, khu vực, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ với các đối tác, tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Cần gắn kết chặt chẽ các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác nhân dân, hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài với các mục tiêu phát triển của đất nước; nỗ lực mở đường, tạo điều kiện, tạo kênh hợp tác với giới hoạch định chính sách, doanh nghiệp để huy động nguồn lực cả về vốn, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm phục vụ công cuộc phát triển nhanh và bền vững của đất nước, tập trung vào các trọng tâm: ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai dịch bệnh, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, khắc phục hậu quả chiến tranh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương…
Đổi mới
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo công tác đối ngoại phải: “…nhạy bén, dám nghĩ dám làm, có tinh thần chủ động tấn công, dám vượt ra khỏi khuôn khổ những tư duy cũ, những lĩnh vực quen thuộc để có những suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, vươn tới tầm khu vực và quốc tế”.
ĐNND cần mạnh dạn đột phá, sáng tạo, tìm ra hướng đi mới, cách làm mới, các lĩnh vực hợp tác mới, tìm kiếm các đối tác mới... để củng cố quan hệ với bạn bè truyền thống và mở rộng mạng lưới bạn bè đối tác của Việt Nam trên thế giới. Cần nghiên cứu kỹ đặc thù, quan tâm đến lợi ích của từng cá nhân và các nhóm bạn bè, đối tác để có những cách thức, chương trình hợp tác phù hợp, đáp ứng cả lợi ích của ta và bạn; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi. Tích cực tham gia các diễn đàn nhân dân đa phương, tận dụng các cơ chế, diễn đàn nhân dân trong khuôn khổ Liên hợp quốc để tăng cường sự hiểu biết và ủng hộ quốc tế đối với Việt Nam và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, nhất là trong các vấn đề dân chủ, nhân quyền, chủ quyền biên giới lãnh thổ, biển, đảo. Đồng thời đóng góp tích cực vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế ứng phó với các thách thức chung như các vấn đề an ninh phi truyền thống, môi trường, nguồn nước, an ninh mạng; thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. |
Đội ngũ cán bộ trẻ của VUFO đang rất cần tăng cường những bạn bè, đối tác quốc tế trẻ. |
Chú trọng thu hút các doanh nhân, doanh nghiệp, giới trẻ, giới nhân sĩ, trí thức, nghệ sĩ, nhân vật nổi tiếng, áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm tạo những sức hút, sức sống mới, tăng thêm nguồn lực vật chất và con người cho ĐNND, làm cho các hoạt động ĐNND phong phú, thiết thực và hiệu quả. Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Việt Nam ra quốc tế thông qua các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật và thông tin đối ngoại hấp dẫn cả về nội dung và hình thức; tăng cường cung cấp thông tin, hỗ trợ để bạn bè quốc tế viết về Việt Nam. Tăng cường huy động các nhà nghiên cứu, học giả vào các hoạt động nghiên cứu để nâng cao chất lượng công tác tham mưu chính sách phục vụ công tác đối ngoại và ĐNND. Kiện toàn tổ chức, bộ máy VUFO từ trung ương tới địa phương đoàn kết nhất trí, vững mạnh, hiệu quả; tăng cường bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ VUFO có bản lĩnh chính trị và năng lực nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. |
Nguyễn Phương Nga - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Q.Hoa t.h / Thoidai
|