Văn nghệ chào mừng (Ảnh: Tuấn Việt)
Dự buổi gặp có bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước; ông Tạ Quang Ngọc, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan; ông Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Hà Lan; ông Trần Chiến Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Bungari; bà Marinela Petkova, Đại biện lâm thời Công hòa Bungari tại Việt Nam; đại diện Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cùng Ban Chấp hành và hội viên Hội hữu nghị Việt Nam - Bungari.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Bungari phát biểu tại buổi gặp (Ảnh: Tuấn Việt)
Phát biểu tại buổi gặp, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Bungari chúc mừng đất nước và nhân dân Bungari nhân Văn hóa Giáo dục Bungari và chữ viết Slavơ (24/5) - một trong những ngày lễ thiêng liêng nhất của nhân dân Bungari; cho biết Lễ kỷ niệm Ngày 24/5 để bày tỏ lòng kính trọng đối với ngôn ngữ, kiến thức và tinh thần dân tộc Bungari - bảng chữ cái tiếng Bungari đầu tiên là do hai anh em người Bungari ở Solun là Kiril và Metodi lập ra và trên nền tảng này đã chỉnh sửa thành hệ chữ cái “Kirilitsa”, hình thành nên chữ viết Slavơ như ngày nay, được gần 260 triệu người trên thế giới sử dụng. Chữ cái “Kirilitsa” và sự nghiệp của hai anh em Kiril và Metodi là một phần của di sản văn hoá thế giới.
Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Bungari Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh, từ sau khi Bungari trở thành thành viên chính thức của EU, tiếng Bungari đã có một vị trí xứng đáng trong các ngôn ngữ chính thức của EU và chữ cái Kirilitsa đã trở thành một trong 3 hệ thống chữ cái chính thức của châu Âu. Lịch sử đã chứng minh người Bungari luôn luôn gìn giữ bản sắc văn hoá và tinh thần dân tộc mình.
Điểm lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Bungari, Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, cách đây 68 năm, Bungari là một trong số những nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam(8/2/1950). Mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp giữa Việt Nam và Bungari trong những năm qua đã được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước chung tay vun đắp trên cơ sở tin cậy, hiểu biết và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Trong trái tim mỗi người Việt Nam luôn ghi đậm những tình cảm chân thành và lòng biết ơn sâu sắc đối với sự giúp đỡ quý báu, hiệu quả mà nhân dân Bungari đã dành cho Việt Nam suốt những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hiện nay. Hàng chục ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân lành nghề Việt Nam đã được đào tạo tại Bungari và nhiều người trong số họ đang giữ những cương vị trọng trách trong bộ máy quản lý Nhà nước cũng như trong đời sống kinh tế, xã hội Việt Nam, họ là tài sản vô giá của tình hữu nghị giữa Việt Nam và Bungari.
Nhân dịp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Hội hữu nghị Việt Nam – Bungari được tổ chức thành công ngày 19/4/2018 tại Hà Nội, thay mặt Ban lãnh đạo, Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Thanh Hương bày tỏ cảm ơn đến ông Nguyễn Văn Tuân, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Bungari khóa III cùng Ban Lãnh đạo và Ban Thường vụ khóa III về những đóng góp quan trọng trong xây dựng tổ chức Hội cũng như củng cố và phát triển tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Bungari; khẳng định Ban Lãnh đạo mới sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả tích cực đó, tiếp tục thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa Hội hữu nghị Việt Nam – Bungari và Bungari – Việt Nam giai đoạn 2016 – 2021 được ký tại Hà Nội năm 2016.
Thay mặt Hội hữu nghị Việt Nam - Bungari, Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh, là những người đã học tập, nghiên cứu, công tác, làm việc ở Bungari, các hội viên Hội hữu nghị Việt Nam - Bungari luôn coi Bungari là Tổ quốc thứ 2 của mình và luôn ghi nhớ và xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành nhất đến nhà nước và nhân dân Bungari, đến các thầy cô giáo, các bạn bè Bungari đã nhiệt tình truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm cho chúng tôi để trở về phục vụ tốt cho Tổ quốc và dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Thanh Hương khẳng định Hội hữu nghị Việt Nam - Bungari sẽ làm tất cả những gì có thể để tiếp tục củng cố và phát triển mãi mãi tình hữu nghị Việt Nam – Bungari.
Bà Marinela Petkova, Đại biện lâm thời Công hòa Bungari tại Việt Nam phát biểu tại buổi gặp (Ảnh: Tuấn Việt)
Bà Marinela Petkova, Đại biện lâm thời Công hòa Bungari tại Việt Nam gửi lời chúc mừng nhân dịp một trong những ngày lễ trọng đại nhất của đất nước Bungari, ngày 24 tháng 05 - Ngày Văn hoá, giáo dục Bungari và Chữ viết Slavơ tới các đại biểu.
Bà Marinela Petkova cho biết Ngày Văn hoá, giáo dục Bungari và Chữ viết Slavơ là niềm tự hào dân tộc, ngày 24 tháng 05 đánh dấu sự nghiệp vĩ đại của hai vị Thánh Kiril và Metodiy, sự nghiệp của họ đã đặt nền móng cho sự hình thành và bảo tồn bản sắc Bungari qua nhiều thế kỷ, cũng như sự phát triển của chữ viết, văn hoá, văn học của cả cộng đồng các nước Slavơ và làm cho nền văn minh châu Âu thêm phong phú.
Với việc Bungari gia nhập Liên minh châu Âu với tư cách là thành viên đầy đủ vào năm 2007, bảng chữ cái Cyrillic giúp làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của châu Âu với liên minh của ba hệ chữ lớn – chữ Latinh, chữ Hy Lạp và chữ Cyrillic. Việc tổ chức Ngày 24 tháng 5 năm nay còn thêm phần đặc biệt trong bối cảnh Bungari lần đầu tiên đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu, được tổ chức dưới khẩu hiệu "Đoàn kết là sức mạnh" - một phương châm không chỉ quan trọng đối với lịch sử của đất nước Bungari, màcòn là lời nhắc nhở chúng ta, rằng sức mạnh chỉ có được khi có sự đồng lòng và đoàn kết.
Theo bà Marinela Petkova, quan hệ giữa Bungari và Việt Nam có thể khái quát với một từ – Hữu nghị. Cộng đồng người Bungari tại Việt Nam là rất nhỏ, nhưng Bungari lại có rất nhiều người bạn tại Việt Nam. Được tham dự Ngày 24 tháng 05 tại Việt Nam cùng tất cả các bạn, những người mà chúng tôi trân trọng gọi là “Những người do Bungari đào tạo” là cảm xúc đặc biệt xen lẫn niềm tự hào. Cảm động là vì Bungari đã thành công trong việc có vị trí trang trọng, xứng đáng trong trái tim của mỗi người các bạn.
Bà Marinela Petkova nhấn mạnh, hội viên Hội hữu nghị Việt Nam - Bungari là những ví dụ sinh động nhất, hùng hồn nhất trong việc thiết lập những nhịp cầu hoà bình bền vững dựa trên sức mạnh sáng tạo của kiến thức giữa các thế hệ, giữa các nước và giữa các châu lục – là những đại sứ tốt nhất của ngôn ngữ Bungari, của tinh thần và truyền thống Bungari tại Việt Nam.
Bungari và Việt Nam luôn duy trì quan hệ chính trị gần gũi và tích cực. Trong vài năm gần đây, hai nước đã trao đổi hàng loạt chuyến thăm ở cấp cao nhất – Tồng thống, Phó Tổng thống, Thủ tướng. Những chuyến thăm này thể hiện không chỉ sự quan tâm lẫn nhau mà còn mở ra tiềm năng cho sự hợp tác trong tương lai. Quan hệ chính trị tốt nhất định sẽ đem đến thành công trong hợp tác với những kết quả cụ thể. Tiềm năng phát triển trong lĩnh vực du lịch, văn hóa và thể thao giữa nhân dân hai nước là vô cùng to lớn. Nền giáo dục Bungari tiếp tục được đánh giá cao tại châu Âu, đem lại cho thanh niên Việt Nam cơ hội thực hiện ước mơ châu Âu của mình.
Tiềm năng trong lĩnh vực kinh tế giữa hai nước là rất lớn. Bungari đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây. Việc kết thúc đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam trong năm 2015 mở ra những cơ hội mới để triển khai các dự án cụ thể.
Một bức ảnh tại triển lãm (Ảnh: Tuấn Việt)
Nhân dịp này, Đại sứ quán Bungari tại Hà Nội đã giới thiệu triển lãm ảnh “Sắc màu Bungari”. Triển lãm thể hiện một cách chân thực phong tục, văn hóa dân gian và truyền thống Bungari. Những hình ảnh được chụp ở nhiều nơi trong nước, trong vòng một vài năm, trong một loạt các chuyến đi của tác giả Ladislav Tsvetkov và kể từ đầu năm đã được trình bày tại hơn 10 thủ đô trên thế giới.
Bà Marinela Petkova bày tỏ hy vọng các lưu học sinh, những người đã từng sống, làm việc tại Bungari, những người sau nhiều năm vẫn nhớ và tận dụng mọi cơ hội có thể để sử dụng tiếng Bun, hát những bài hát Bungari, nhẩy những điệu khôrô, nhớ về đất nước Bungari với tình yêu và hoài niệm, những bức ảnh được trình bày sẽ nhắc nhở và đưa bạn trở về quá khứ, về những năm tháng trên đất nước Bungari.
Tuấn Việt