Tham dự buổi giao lưu, về phía Việt Nam có ông Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Thụy Điển; bà Phạm Thị Thái, Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; ông Vũ Thanh Bình, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giấy Việt Nam và một số cựu thành viên Ban lãnh đạo của Tổng Công ty Giấy Việt Nam.
Về phía Thụy Điển có ông Magnus Engström, Tham tán, Trưởng bộ phận Hành chính và Lãnh sự của Đại sứ quán Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam; các cán bộ Đại sứ quán Vương quốc Thụy Điển và một số bạn bè Thụy Điển tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Thế Liên gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến cán bộ, nhân viên Đại sứ Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam và các bạn Thụy Điển nhân dịp Quốc khánh Vương quốc Thụy Điển.
Ông Liên cho biết đây là hoạt động ý nghĩa của Hội hữu nghị Việt Nam - Thụy Điển nhằm tăng cường giao lưu, trao đổi thông tin và hợp tác giữa hội viên và các Chi hội của Hội với Đại sứ quán Thụy Điển và giữa các hội viên của Hội và các Chi hội.
Buổi giao lưu được tổ chức ngay tại Nhà máy Giấy Bãi Bằng - một trong những công trình lớn ở Việt Nam được Chính phủ và nhân dân Thụy Điển giúp đỡ xây dựng, là biểu tượng cho tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Sự giúp đỡ liên tục, hiệu quả và vô tư mà Chính phủ và nhân dân Thụy Điển dành cho Việt Nam nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng đã góp phần quan trọng vào các thành tựu kinh tế - xã hội, cũng như thúc đẩy quá trình cải cách, mở cửa, hội nhập quốc tế mạnh mẽ và ngày càng sâu sắc tại Việt Nam.
Tham tán Magnus Engström nhấn mạnh ý nghĩa của công trình Nhà máy giấy Bãi Bằng trong quan hệ Việt Nam - Thụy Điển.
Không chỉ là nước phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Thụy Điển còn tích giúp đỡ Việt Nam trong thời gian chiến tranh và xây dựng đất nước sau chiến tranh. Nhà máy giấy Bãi Bằng là một trong các dự án phát triển ở nước ngoài lớn nhất của Thụy Điển, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống tại một vùng đất vốn trước đây rất nghèo, nay trở nên sầm uất và phát triển.
Ông Magnus Engström đã trao đổi một số thông tin cập nhật về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Thụy Điển và quan hệ của Thụy Điển với Việt Nam. Quan hệ giữa hai nước đã thay đổi từ viện trợ phát triển nước ngoài sang đối tác kinh tế thương mại. Mục tiêu của Thụy Điển là tăng cường thương mại giữa hai quốc gia trong thời gian tới. Hiện tại có hơn 70 công ty Thụy Điển đang hoạt động tại Việt Nam như TetraPak, Electronux, IKEA, SKF, ABB, Atlas Copco, AstraZeneca… và rất nhiều công ty của Thụy Điển mong muốn đầu tư tại Việt Nam.
Thay mặt Ban lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên của Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Tổng Giám đốc Vũ Thanh Bình đã điểm lại quá trình hình thành và phát triển của Tổng Công ty Giấy Việt Nam.
Sau khi được các chuyên gia Thụy Điển chuyển giao kỹ thuật, quản lý công trình và áp dụng hệ thống quản lý Bắc Âu, các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên của Tổng công ty Giấy Việt Nam đã tiếp nhận và vận hành có hiệu quả công trình. Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 2/2014, Nhà vua Thụy Điển XVI Karl Gustaf và các vị lãnh đạo Chính phủ Thụy Điển đã đến thăm Nhà máy Giấy Bãi Bằng và đánh giá cao những thành tựu mà Tổng công ty Giấy Việt Nam đã đạt được; đồng thời cho rằng Nhà máy Giấy Bãi Bằng “không chỉ là dự án lớn nhất của Thụy Điển ở Việt Nam, mà còn là biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai dân tộc”.
Kết thúc chương trình gặp gỡ hữu nghị, đoàn cán bộ Đại sứ quán Thụy Điển, các bạn bè Thụy Điển và Ban Chấp hành Hội hữu nghị Việt Nam - Thụy Điển đã đến thăm Nhà máy Giấy Bãi Bằng và Trường cao đẳng nghề công nghệ giấy và cơ điện.
Thu Hiền