Ông Houunsai Sen Genjitsu, nguyên Trưởng môn phái đời thứ 15 trà đạo Urasenke Nhật Bản
Tham dự buổi giao lưu có ông Fukuda Hiroshi, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam; ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; ông Nguyễn Phú Bình, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản; ông Houunsai Sen Genjitsu, nguyên Trưởng môn phái đời thứ 15 trà đạo Urasenke Nhật Bản; đại diện Hội trà đạo Urasenke Tankokai Hà Nội và gần 600 khách mời là những người Việt Nam và Nhật bản yêu mến Trà đạo.
Khai mạc buổi giao lưu, Đại sứ Nhật Bản Fukuda Hiroshi chia sẻ: Giao lưu trà đạo là sự trao đổi, thấu hiểu lẫn nhau. Hy vọng về một thế giới hòa bình chính là tinh thần của trà đạo Nhật Bản. Việt Nam và Nhật Bản đều là những nước châu Á, chia sẻ văn hóa uống trà. Vì vậy, sự kiện trà đạo này là cơ hội để nhân dân hai nước trải nghiệm văn hóa lẫn nhau thông qua những tách trà.
Ông Nguyễn Phú Bình, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, nhấn mạnh: Giao lưu trà đạo có ý nghĩa sâu sắc trong việc trao đổi, hiểu biết văn hóa của hai nước. Trà đạo là một trong những yếu tố kết nối tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản.
Ông Genjitsu, nguyên Trưởng môn phái đời thứ 15 trà đạo Urasenke Nhật Bản đã tự tay thực hiện những nghi thức pha trà trong phần “Trà đạo vì hòa bình” và “Tiệc trà hòa hợp”.
Ông Genjitsu năm nay đã 92 tuổi nhưng vẫn vô cùng nhanh nhẹn. Từng động tác bê cốc trà, rót nước nóng, khuấy trà… được ông thực hiện linh hoạt như một người trẻ tuổi.
Ngay sau phần “Tiệc trà hòa hợp”, ông Houunsai Sen Genjitsu thuyết giảng ngắn về văn hóa trà đạo Nhật Bản.
Ông Genjitsu chia sẻ: Với chúng tôi, uống trà không chỉ là một sở thích, mà còn là một phương pháp tu hành, tu luyện tinh thần. Khi nhiều người cùng uống chung một bát trà xanh, họ thể hiện sự quan tâm lẫn nhau, sự biết ơn đối với tình cảm của người đã pha cốc trà.
Khi uống, chúng ta không uống ngay, mà xoay cốc trà ba lần. Nhờ đó, chúng ta sẽ soi thấy nhiều mặt của con người mình trên cốc trà. Nhìn lại các mặt của bản thân sẽ giúp chúng ta trở thành người tốt. Khi con người quan tâm lẫn nhau, biết ơn lẫn nhau, sẽ giúp thế giới trở nên hòa bình, ông Genjitsu kết luận.
Buổi giao lưu không chỉ giúp những người tham dự hiểu thêm về văn hóa trà đạo Nhật Bản, mà còn làm cho tâm hồn của những người yêu trà đạo Việt Nam, Nhật Bản đến gần nhau hơn, thấu hiểu và đoàn kết vì một thế giới hòa bình, hữu nghị.
Urasenke là một trong những trường phái Trà đạo chính ở Nhật Bản. Hai trường phái chính khác là Omotesenke và Mushanokōjisenke. Trường phái Urasenke đã có lịch sử hơn 400 năm. Hiện nay số hội viên của trường phái trà đạo Urasenke chiếm tới hơn nửa tổng số trà nhân trên toàn Nhật Bản và có mặt ở khoảng 100 quốc gia trên toàn thế giới. Người đứng đầu trường phái Urasenke hiện nay là Zabosai Genmoku Soshitsu. Ông là thủ lĩnh đời thứ 16. Ổng tổ của Usarenke là ông Sen Rikyu (1522 - 1591). Ông là người quan trọng, đứng đầu giới nghệ thuật cũng như giới chính trị, có lý tưởng mỹ học và muốn xây dựng cơ sở cho lễ thức Nhật Bản thành lễ thức tốt đẹp nhất. Ông đã tóm tắt tinh thần cơ bản của trà đạo thành bốn chữ sau: “Hòa” có nghĩa là điều hòa, tức là sự hòa hợp giữa con người với nhau, giữa con người và thiên nhiên, giữa các dụng cụ được dùng cho trà đạo và cách dùng các dụng cụ đó. “Kính” có nghĩa là kính trọng. Niềm kính trọng đều phải hướng về tất cả mọi sự vật, và phát sinh ra từ niềm cảm tạ đối với sự tồn tại của chúng. “Thanh” có nghĩa là thuần túy, biểu trưng cho sự thanh khiết của cả hai mặt vật chất và tinh thần. “Tịch” cuối cùng có nghĩa là sự yên tĩnh của tấm lòng, tức là sự bình an trong lòng, có được do sự thực hiện ba nguyên lý trên. |