Tham dự buổi lễ trực tiếp và trực tuyến khoảng 200 đại biểu là người thân, đồng chí, bạn bè, thành viên các phong trào cánh tả, đảng Cộng sản, đảng Công nhân, các tổ chức công đoàn, các nhóm bảo vệ quyền lợi người lao động, nhóm vận động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và đông đảo các đại diện cộng đồng người Việt tại Mỹ…
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng nói: Bà Merle Ratner đã tích cực đấu tranh cho đoàn kết, công lý trên thế giới, cho hòa bình và nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam. Đất nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ, trân trọng tình cảm, cống hiến của bà đối với sự nghiệp kháng chiến, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc phát triển, hội nhập của Việt Nam, cũng như hành trình tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam. Tình yêu cuộc sống, nỗ lực đấu tranh không ngừng nghỉ vì công lý, tình yêu sâu sắc bà dành cho Việt Nam sẽ sống mãi.
Ông Ngô Thanh Nhàn hát bài “Cô gái mở đường” tưởng nhớ người vợ Merle Ratner. (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ) |
Ông Bill Fletcher, một người bạn của bà Merle Ratner nói: “Ấn tượng của tôi về Merle là người cương quyết, nghị lực, luôn sẵn sàng giúp đỡ những người xung quanh. Thông qua chị mà tôi hiểu thêm về Việt Nam mà chị yêu quý, về lịch sử, văn hóa và những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc tái thiết đất nước.”
Ông Ngô Thanh Nhàn, chồng bà Merle Ratner cảm ơn những người đã dự lễ tưởng niệm. Ông nói: “Tôi sẽ mang tro cốt của Merle đến Việt Nam. Sau khi Merle qua đời, tôi mới biết có rất nhiều người Việt yêu quý Merle, giống như cách Merle yêu quý Việt Nam. Tôi sẽ tiếp tục con đường mà Merle đã chọn, là đóng góp cho quan hệ nhân dân Việt Nam – Mỹ.”
Tại lễ tưởng niệm, những người bạn Mỹ và Việt Nam của gia đình bà Merle Ratner gửi lời chia buồn đến ông Ngô Thanh Nhàn và ghi sổ tang tiễn biệt bà Merle Ratner.
Bà Merle Evelyn Ratner (bìa trái) tại một cuộc biểu tình phản đối nhà sản xuất chất độc da cam. |
Bà Merle Evelyn Ratner, sinh năm 1956 tại thành phố New York, là nhà hoạt động cánh tả luôn dành tình cảm đặc biệt cho Việt Nam. Bà tích cực tham gia phong trào phản đối chiến tranh tại Việt Nam. Bà từng xuống đường biểu tình chống chiến tranh Việt Nam khi mới 13 tuổi và nổi tiếng với hành động treo khẩu hiệu phản chiến lên tượng Nữ thần Tự do tại Mỹ. Bà ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; tham gia phong trào chống chủ nghĩa đế quốc trong thập niên 1970, 1980, và chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ hiện nay. Sau năm 1975, bà Merle Ratner đã có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, hỗ trợ cho nhiều hoạt động quốc tế của Việt Nam và hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Không chỉ đóng góp cho công cuộc đấu tranh giành độc lập và phát triển đất nước của Việt Nam, bà đã giới thiệu cho bạn bè quốc tế hiểu thêm về đất nước, con người, văn hóa, lịch sử Việt Nam.
Bà là người bạn, đối tác thân thiết của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và nhiều cơ quan, tổ chức của Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (người ở ghế chủ tọa) và những người bạn Việt Nam của bà Merle Ratner tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Trước đó, ngày 16/2, Liên hiêp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức lễ tưởng niệm bà Merle Ratner tại Hà Nội. Buổi lễ do ông Phan Anh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam chủ trì, với sự tham dự của các Đại sứ, đại diện Ban Đối ngoại Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nạn nhân Chất độc Da cam Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức của Việt Nam. Một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam và những người bạn Mỹ và Việt Nam cùng tham dự trực tiếp. Ông Ngô Thanh Nhàn và những người thân, bạn bè Mỹ của bà Merle Ratner và gia đình tham dự trực tiếp tại gần 40 điểm cầu.
Theo Thời Đại