DC-Cam cho biết, đã gần nửa thế kỷ trôi qua từ thời điểm chế độ do Pol Pot đứng đầu cầm quyền, tiến hành cuộc diệt chủng tàn bạo sát hại hơn hai triệu người ở Campuchia. Hiện có rất ít thông tin về phương thức tản cư bắt buộc của lực lượng cầm quyền lúc bấy giờ bằng phương tiện tàu hỏa với quy mô lớn, tái phân bố dân cư, cải tạo xã hội bằng những biện pháp phản khoa học, gắn với hành vi diệt chủng tàn bạo bậc nhất trong lịch sử loài người.
Từ đầu năm đến nay, DC-Cam đã tổ chức nhiều chuyến khảo sát, điền dã di chuyển bằng tàu hỏa theo đúng lộ trình tản cư đó giúp giới nghiên cứu, đội ngũ giáo viên sử học và giới trẻ Campuchia hôm nay có cơ hội kết nối, trải nghiệm và nhận thức đúng đắn về những câu chuyện diễn ra trong quá khứ. Trong đó, có câu chuyện về những người lính tình nguyện Việt Nam đã chiến đấu và hy sinh, cũng như công cuộc hàn gắn và tái thiết đất nước Campuchia sau khi tìm được nền hòa bình trọn vẹn từ cuối thế kỷ trước.
Nhóm giáo viên, học sinh, sinh viên Campuchia tham gia chương trình khảo sát di chuyển bằng tàu hỏa. (Ảnh: TTXVN) |
Hành trình khảo sát lần thứ 18 này có chủ đề “Cuộc di dân bắt buộc giai đoạn 2 và giai đoạn 3 dưới chế độ Pol Pot”. Các thành viên trong đoàn di chuyển bằng tàu hỏa khởi hành từ thủ đô Phnom Penh tới tỉnh Pursat, vùng Tây Bắc Campuchia. Tại đây, các nhà nghiên cứu Việt Nam cùng giáo viên, thanh niên Campuchia đã có cơ hội phỏng vấn những người sống sót tại những địa điểm từng là nơi hành quyết của chế độ Pol Pot ở các huyện Kandieng, Bakan và Veal Veng của tỉnh Pursat.
Đoàn cũng đến tham quan, nghiên cứu các di tích lịch sử khác, liên quan địa bàn hoạt động của Quân tình nguyện Việt Nam lúc bấy giờ như: Di tích lịch sử quân sự Techo Phnom Moan hay Techo Kê Sơn (A4); Di tích lịch sử quân sự Techo Phnom Spean Chey Chumneas hay Cầu Chiến Thắng. Nơi đây từng là sở chỉ huy và là chiến trường khốc liệt giữa các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia cùng Quân tình nguyện Việt Nam trong cuộc chiến chống lại lực lượng Pol Pot tàn dư.
Đoàn khảo sát gặp gỡ, phỏng vấn các nhân chứng lịch sử của chế độ diệt chủng tại địa điểm Gò Po Chey ở huyện Kandeang (tỉnh Pursat, Campuchia). (Ảnh: TTXVN) |
Ngoài ra, đoàn khảo sát còn có dịp gặp gỡ các cựu quân tình nguyện Việt Nam hiện đang sống tại tỉnh Pursat và lắng nghe những câu chuyện cảm động về cuộc đời của họ trong chiến đấu, cũng như sau khi xuất ngũ, quay trở lại gắn bó với xứ sở Chùa Tháp nhiều duyên nợ.
Trong khuôn khổ chuyến khảo sát thực địa, đoàn cũng đã tới thăm Trung tâm Hòa giải Veal Veng thuộc DC-Cam, gặp gỡ giáo viên lịch sử và học sinh Campuchia nhằm trao đổi về kinh nghiệm, công tác giáo dục lịch sử tại địa phương, cũng như ở Campuchia hiện nay.
PGS.TS Phạm Văn Thủy, Phó Trưởng khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn đánh giá, đây là một ý tưởng tuyệt vời khi tổ chức cho các nhà nghiên cứu Việt Nam và Campuchia cùng nhau tham gia chuyến hành trình bằng tàu hỏa từ Phnom Penh tới Pursat.
TS. Phạm Văn Thủy cho rằng, việc nghiên cứu về các chế độ diệt chủng, tiếp xúc những câu chuyện đau buồn trong lịch sử không chỉ nhằm trau dồi, nâng cao kiến thức và nhận thức mà còn thúc đẩy tìm ra những sáng kiến, giải pháp trong công tác giáo dục lịch sử, để thế hệ ngày nay và mai sau sẽ không bao giờ lặp lại lịch sử đau thương đó.
Ông hy vọng sau chuyến nghiên cứu lần này, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn và DC-Cam sẽ ký thỏa thuận để hoạt động hợp tác giữa hai bên được thúc đẩy, mang tính trọng điểm và chính thức hơn.
Đoàn khảo sát cùng các nhân chứng tại nơi lưu giữ hài cốt các nạn nhân chế độ diệt chủng trong khuôn viên chùa Reasmei Romlech, xã Romlech, huyện Bakan, tỉnh Pursat. (Ảnh: TTXVN) |
Cùng tham gia chuyến tham quan nghiên cứu lần này, TS. Hoàng Thị Hồng Nga, chuyên gia về lịch sử Việt Nam hiện đại tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn cho biết, đây là hoạt động mang tính bứt phá về mặt phương pháp nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam có thể học hỏi về cách tiếp cận của DC-Cam - nghiên cứu về lịch sử gắn liền với câu chuyện của mỗi con người, mang tính “đời”, có tính xã hội học và tính nhân học. Qua đó tạo ra độ tin cậy cao trong kết quả nghiên cứu, cũng như trong các bài giảng.
Đoàn khảo sát gặp gỡ, trao đổi với giáo viên lịch sử và các em học sinh Trường Phổ thông Trung học Hun Sen Promaoy tại Trung tâm hòa giải Veal Veang của DC-Cam. (Ảnh: TTXVN) |
Theo Tiến sĩ Chhang Youk, Giám đốc DC-Cam, từ tháng 3/2024 đến nay, DC-Cam đã tổ chức 18 chuyến tham quan nghiên cứu bằng tàu hỏa với với hơn 1.000 thanh thiếu niên tham gia. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu nước ngoài được mời tham gia chương trình.
Ông cho biết, lấy Hà Nội làm điểm khởi đầu, DC-Cam muốn thu hút ngày càng nhiều học giả và nhà giáo dục tham gia các chuyến đi như vậy để họ có thể nghiên cứu và viết về lịch sử của chế độ diệt chủng Pol Pot, để những câu chuyện của các nạn nhân và người sống sót sẽ không bao giờ bị lãng quên.
Theo Thời Đại