Hơn 1.000 học sinh, giáo viên được sử dụng nước sạch
“Nhờ có Dự án nước sạch vệ sinh số 2 do DIVA tài trợ, học sinh và giáo viên trong trường đã được sử dụng nước giếng khoan thay vì phải dẫn nước từ khe núi về. Nhà vệ sinh tiện nghi, hiện đại, hệ thống máy lọc nước mới sạch sẽ, an toàn, giúp thầy và trò đảm bảo sức khỏe để yên tâm công tác, học tập”. Đó là chia sẻ của cô Long Thị Anh, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Văn Lăng (xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên).
Khánh thành Dự án nước sạch vệ sinh số 2 tại xã Văn Lăng. |
Được biết, Dự án nước sạch vệ sinh số 2 do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam và Tổ chức tình nguyện quốc tế DIVA triển khai từ tháng 7/2022. Dự án tập trung tại các trường theo mô hình phổ thông dân tộc bán trú - nơi việc ăn, ở của các cháu học sinh gắn bó mật thiết với chất lượng nguồn nước sinh hoạt.
Theo đó, Dự án đã xây mới 1 nhà vệ sinh cho Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Văn Lăng; cung cấp hệ thống lọc nước hoàn chỉnh (3 giếng khoan cùng hệ thống lọc nước tinh khiết, máy lọc nước, thiết bị chứa nước và cấp nước đầu ra, hệ thống đường điện nước vận hành) cho Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Văn Lăng và Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Văn Lăng.
Tổng kinh phí thực hiện dự án là trên 2 tỷ đồng do DIVA viện trợ không hoàn lại. Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai, Dự án đã hỗ trợ trên 1.000 học sinh, giáo viên xã Văn Lăng được sử dụng nước sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh.
Hiệu quả từ nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài
Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 30 tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) có giấy phép hoạt động với 43 chương trình, dự án triển khai trên các lĩnh vực: phát triển giáo dục, y tế, sức khỏe cộng đồng, phát triển nông thôn, chống biến đổi khí hậu…
Năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, giá trị giải ngân nguồn vốn PCPNN đạt 1.488.170 USD, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm 2022. Từ đầu năm đến nay, tỉnh phê duyệt và tiếp nhận 7.367,1 triệu đồng từ 11 khoản viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài với hoạt động trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp.
Ông Đoàn Quang Duy, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên cho biết: Với vai trò là cơ quan đầu mối, Sở Ngoại vụ đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các tổ chức PCPNN. Việc cấp mới, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy đăng ký hoạt động, giấy phép của các tổ chức PCPNN được tiến hành kịp thời, chặt chẽ.
Sở cũng phối hợp với các cơ quan liên quan tìm kiếm nguồn viện trợ và mở rộng quan hệ hợp tác giữa các địa phương, đơn vị và các tổ chức PCPNN. Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chung, Sở Ngoại vụ thường xuyên trao đổi với Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM), các cơ quan liên quan để nắm bắt thông tin về các tổ chức PCPNN có dự kiến triển khai chương trình, dự án tại tỉnh. Qua đó thực hiện công tác tham mưu, triển khai nhiệm vụ quản lý tổ chức PCPNN hiệu quả.
Các dự án PCPNN đã góp phần xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Ngoài Dự án nước sạch và vệ sinh do DIVA tài trợ, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng có nhiều chương trình, dự án ý nghĩa hướng tới các đối tượng yếu thế trong xã hội như phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn…
Tổ chức Global Civic Sharing (GCS) - Hàn Quốc đã đầu tư trên 285.000 USD thực hiện Dự án Ngôi làng hy vọng giai đoạn 2 tại xã Phú Đô (Phú Lương), nhằm hỗ trợ người dân nghèo được vay vốn mua trâu, bò sinh sản… Anh Hoàng Văn Nhính, một người dân xã Phú Đô, nói: Dự án đã giúp các hộ nghèo trong xã được vay vốn lãi suất thấp để mua trâu, bò sinh sản. Từ đó đạo động lực để người dân chủ động vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Tập huấn Dự án tăng cường năng lực hệ thống y tế về chăm sóc dựa vào cộng đồng để quản lý trầm cảm của Tổ chức BasicNeeds. |
Tổ chức BasicNeeds - Anh triển khai Dự án Tăng cường năng lực hệ thống y tế về chăm sóc dựa vào cộng đồng để quản lý trầm cảm năm 2023 với mức viện trợ trên 26 nghìn USD. Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Bệnh viện Sức khỏe tâm thần tỉnh, Trưởng Ban Quản lý Dự án cho biết: Được triển khai từ năm 2020 đến nay, Dự án đã mở rộng tại 15 xã, phường trên địa bàn TP. Thái Nguyên. Qua đó hàng trăm bệnh nhân được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý nên sức khỏe tâm thần có chuyển biến tích cực. Nhiều người trầm cảm đã không còn ngại khi tìm đến các bác sĩ để được tư vấn điều trị. Cán bộ y tế cũng tích cực trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Theo ông Đoàn Quang Duy, có thể khẳng định, các tổ chức PCPNN đã góp phần giải quyết tốt các vấn đề trong cộng đồng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ PCPNN, thời gian tới, Thái Nguyên cần tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác, huy động tối đa nguồn viện trợ với phương châm tập trung vào lĩnh vực, nội dung ưu tiên phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị trong tỉnh căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, lĩnh vực quản lý của từng ngành, địa phương để chủ động xây dựng kêu gọi viện trợ từ các tổ chức PCPNN; thực hiện tốt hơn nữa cơ chế phối hợp liên ngành…
Theo Thời Đại