Hội thảo có sự tham dự của nhiều học giả đến từ các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học lớn trên thế giới (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)
Tham dự và trình bày tham luận tại hội thảo có 30 học giả là những chuyên gia có uy tín lớn về luật quốc tế nói chung, luật biển quốc tế nói riêng đến từ các nước Mỹ, Liên bang Nga, Italia, Thụy Sỹ, Hungari, Ba Lan, Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Nhật Bản….
Bên cạnh đó, hội thảo còn có sự tham dự của đại diện một số cơ quan ngoại giao đoàn, tổ chức quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và các học giả, nhà nghiên cứu uy tín của Việt Nam.
Hội thảo có 3 chủ đề, gồm: Luật quốc tế và sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp chính trị, ngoại giao trong luật pháp quốc tế; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp pháp lý trong luật pháp quốc tế. Tương ứng 3 chủ đề nêu trên là 3 phiên thảo luận.
Trong phiên thứ nhất, các học giả sẽ phân tích sâu sắc sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng biển Việt Nam dưới góc độ pháp luật quốc tế. Trên cơ sở đó, ở phiên thứ 2, các học giả sẽ bàn về biện pháp giải quyết tranh chấp bằng chính trị - ngoại giao trong luật pháp quốc tế.
Tại phiên thứ 3, các học giả sẽ thảo luận về việc đánh giá những biện pháp pháp lý để giải quyết tranh chấp hiện nay trên Biển Đông; phân tích sâu sắc hơn những điều kiện, cơ chế khởi kiện và giá trị pháp lý của phán quyết Tòa án và Trọng tài quốc tế.
Phát biểu đề dẫn khai mạc hội thảo, Giáo sư – Tiến sĩ Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ban tổ chức hội thảo, khẳng định: Biển Đông là tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch và có vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng đối với tất cả các nước trên thế giới. Do vậy, duy trì môi trường ổn định, hợp tác, phát triển ở Biển Đông là nghĩa vụ của các quốc gia và là yếu tố quan trọng để bảo đảm hòa bình, an ninh, tự do hàng hải, hàng không và thương mại quốc tế.
Hội thảo lần này tập trung vào khía cạnh pháp lý mà cụ thể là đánh giá, phân tích sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam dưới góc độ pháp luật quốc tế. Đồng thời các học giả sẽ thảo luận các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông nói chung, tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc nói riêng trong khuôn khổ pháp luật quốc tế phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.
Kết quả của hội thảo sẽ được Ban tổ chức tổng hợp thành kỷ yếu khoa học. Các kiến nghị của các học giả và đại biểu tham gia hội thảo sẽ được gửi cho các cơ quan hữu quan Việt Nam và cơ quan, tổ chức quốc tế./.