Theo TTXVN, tại sự kiện, Phó Giám đốc Sở văn hóa tỉnh Primorye, Olga Maximchuk khẳng định “ngôn ngữ nghệ thuật không có biên giới” đồng thời bà bày tỏ hy vọng ngày càng có nhiều bạn trẻ Nga sẽ đến thăm đất nước Việt Nam tràn ngập nắng, cũng như có thêm các bạn trẻ Việt Nam trở thành những người khách của Vladivostosk.
Nhân dịp này, Cung thiếu nhi đã trưng bày các hiện vật liên quan đến đất nước, con người Việt Nam như trang phục, đồ dùng, tranh ảnh… cùng hơn 200 bức tranh vẽ về chủ đề Việt Nam được các học sinh Nga gửi tham gia cuộc thi do Hội tổ chức. Cùng với triển lãm, một chương trình ca múa nhạc hoành tráng đã được tổ chức.
Các thành viên Hội hữu nghị Nga–Việt tỉnh Primorye. Ảnh: TTXVN |
Các bạn thiếu nhi Nga đã trình bày các bài hát ca, điệu múa ca ngợi tình hữu nghị 2 nước, giới thiệu văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, sinh viên Việt Nam tại các trường đại học tại Vladivostok đã có màn trình diễn giới thiệu áo dài Việt Nam đầy công phu, thu hút được nhiều sự chú ý của quan khách. Mục đích của sự kiện, bên cạnh công tác kỷ niệm nửa thế kỷ thành lập Hội, còn là tạo dựng tình yêu đất nước con người Việt Nam cho thế hệ trẻ Liên bang Nga tại vùng Primorye.
Nửa thế kỷ trước, nhân viên 5 tổ chức lớn nhất ở Vladivostosk là Công ty Vận tải Viễn Đông, Thương cảng Vladivostok, Nhà máy sửa chữa tàu Viễn Đông (Dalzavod) và Chi nhánh Viễn Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, cùng các bác sĩ, ngư dân, thợ xây, sinh viên đã thành lập chi nhánh Vladivostok của Hội Hữu nghị Xô-Việt để hỗ trợ những người bạn Việt Nam đang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 1992, Chi hội Hữu nghị Xô-Việt Vladivostok đổi tên thành Hội Hữu nghị Primorye-Việt Nam như hiện nay.
Trong nhiều năm, Hội do ông Alexander Sokolovsky, Giáo sư kỳ cựu bộ môn châu Á - Thái Bình Dương thuộc Viện nghiên cứu khu vực và quốc tế Phương Đông, trực thuộc Đại học Liên bang Viễn Đông (FEFU) đứng đầu. Hội đã kết nối các sinh viên Nga và Việt Nam cùng các giáo viên, doanh nhân và cựu chiến binh Hạm đội Thái Bình Dương và Công ty Vận tải Viễn Đông, những người từng giúp Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh cũng như những người quan tâm đến Việt Nam.
Điểm nổi bật và là niềm tự hào của Hội là Trung tâm Văn hóa và Giáo dục Việt Nam. Trong 20 năm, trung tâm này đã tích cực hoạt động dưới sự lãnh đạo của giáo sư Alexander Sokolovsky. Trung tâm giới thiệu về lịch sử Việt Nam và quan hệ Nga-Việt, văn hóa Việt Nam và dạy tiếng Việt cho mọi người.
Các sinh viên Nga học tiếng Việt, giáo viên cũng như sinh viên Việt Nam của trường FEFU và các trường đại học khác ở Vladivostok tham gia biểu diễn tại nhà hát nghiệp dư Bông sen vàng. Họ biểu diễn các bài hát, điệu múa dân gian và hiện đại Việt Nam và dàn dựng các tác phẩm cổ điển của văn học Việt Nam trên sân khấu. Các buổi dạ hội hữu nghị được tổ chức tại đây, cũng như các ngày lễ quốc gia và dân tộc Việt Nam, hội thảo và triển lãm khác nhau.
TTXVN