Tham gia Hội nghị có hơn 40 đại biểu quốc tế là đại diện cho lãnh đạo Hội đồng và các tổ chức quốc gia thành viên của Hội đồng. Về phía Việt Nam có đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới, cùng các đồng chí lãnh đạo của Ủy ban và một số tổ chức hòa bình, hữu nghị trong nước.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Uông Chu Lưu chia sẻ, trong 68 năm tồn tại và phát triển, Hội đồng đã có những đóng góp quan trong với phong trào nhân dân thế giới bảo vệ và đoàn kết với nhân dân các dân tộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ. Đối với Việt Nam, kể từ khi thành lập, Hội đồng đã luôn dành cho Việt Nam sự ủng hộ quý báu, chí tình. Điều này đã góp phần quan trọng trong việc hình thành trên thực tế một mặt trận rộng lớn của nhân dân thế giới đoàn kết và ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong cuộc xây dựng, bảo về và phát triển đất nước ngày nay.
Ông Uông Chu Lưu phát biểu tại Hội nghị (ảnh: TV)
Việt Nam là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, hòa hiếu. Một đất nước đã phải trải qua nhiều quộc chiến tranh, chúng tôi nhân thức rất rõ giá trị của hòa bình. Xuất phát từ truyền thống hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chắt lọc và hình thành tư tưởng hòa bình, hữu nghị trong điều kiện mới. Chính tư tưởng của Người đã góp phần tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Ông Uông Chu Lưu hy vọng Hội nghị sẽ là cơ hội để cùng nhau thảo luận, đánh giá tình hình hào bình và an ninh các khu vực và trên thế giới. Cũng như chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động hòa bình ở các nước. Ông tin tưởng rằng Hội nghị sẽ xây dựng được một chương trình hành động cụ thể, thiết thực; góp phần nâng cao vai trò, ảnh hưởng của Hội đồng đối với việc duy trì bảo vệ hòa bình, an ninh.
Đại biểu chủ trì Hội nghị (ảnh: TV)
Bà Socorro Gomes, Chủ tịch Hội đồng chia sẻ, Hội đồng Hòa bình Thế giới, theo các nghị quyết được Quốc hội thông qua, đã có tiếng nói tích cực trong việc lên án các cuộc chiến tranh xâm lược, chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa can thiệp và đảo chính, đoàn kết với các dân tộc chịu áp bức và yêu cầu các giải pháp chính trị công bằng cho những xung đột.
Trong quá trình hành động, Hội đồng luôn luôn tìm kiếm các đồng minh, hành động với một quan điểm thống nhất, mở rộng khẩu hiệu và trọng tâm. Cuộc đấu tranh cho hoà bình đòi hỏi mỗi chúng ta phải có khả năng để thúc đẩy sự thống nhất, là nơi chúng ta có được sức mạnh. Chúng ta đã và sẽ phải tiếp tục làm điều đó.
Quang cảnh Hội nghị (ảnh: TV)
Hội nghị Ban Chấp hành lần này là hội nghị đầu tiên sau Đại hội năm 2016 của Hội đồng. Trong hai ngày, Hội nghị sẽ đánh giá về phong trào hòa bình trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay, chia sẻ những kinh nghiệm hoạt động của các phong trào hòa bình của các nước và thảo luận về kế hoạch thực hiện các hoạt động cụ thể của Hội đồng trong nhiệm kỳ mới (2017-2020); đề cao vai trò, ảnh hưởng của Hội đồng, nhất là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; thể hiện vai trò và sự đóng góp của Ủy ban Hòa bình Việt Nam, với tư cách là Phó Chủ tịch Hội đồng; giới thiệu hình ảnh của Việt Nam với các bạn bè quốc tế, nhất là các tổ chức cánh tả tiến bộ.
Hội đồng Hòa bình thế giới là cơ quan lãnh đạo phong trào hoà bình thế giới, là một tổ chức hòa bình quan trọng trong các lực lượng tiến bộ nhất trong phong trào nhân dân thế giới đấu tranh vì hòa bình. Việt Nam được coi là thành viên sáng lập của Hội đồng và hiện giữ vị trí Phó Chủ tịch của Hội đồng. Trong 68 năm tồn tại và phát triển, Hội đồng đã có đóng góp rất quan trọng đối với phong trào hòa bình thế giới, đoàn kết, ủng hộ các dân tộc đấu tranh giành và giữ độc lập.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm (ảnh: TV)
Hội đồng luôn coi ủng hộ Việt Nam là một trong những chương trình hành động hàng đầu, đặc biệt trong các cuộc kháng chiến vì độc lập dân tộc, hình thành mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết và ủng hộ Việt Nam, góp phần không nhỏ vào việc đưa cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam đi đến thắng lợi. Hội đồng đã tổ chức nhiều hoạt động quốc tế ở Việt Nam, sát cánh cùng những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trong quá trình đòi công lý.
MD