Ảnh minh họa
Tham gia Hội nghị dự kiến có hơn 40 đại biểu quốc tế là đại diện cho lãnh đạo Hội đồng và các tổ chức quốc gia thành viên của Hội đồng. Về phía Việt Nam có đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới, cùng các đồng chí lãnh đạo của Ủy ban và một số tổ chức hòa bình, hữu nghị trong nước.
Hội nghị Ban Chấp hành lần này là hội nghị đầu tiên sau Đại hội năm 2016 của Hội đồng (Đại hội được tổ chức 4 năm một lần). Hội nghị nhằm đánh giá về phong trào hòa bình trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay, chia sẻ những kinh nghiệm hoạt động của các phong trào hòa bình của các nước và thảo luận về kế hoạch thực hiện các hoạt động cụ thể của Hội đồng trong nhiệm kỳ mới (2017-2020); đề cao vai trò, ảnh hưởng của Hội đồng, nhất là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; thể hiện vai trò và sự đóng góp của Ủy ban Hòa bình Việt Nam, với tư cách là Phó Chủ tịch Hội đồng; giới thiệu hình ảnh của Việt Nam với các bạn bè quốc tế, nhất là các tổ chức cánh tả tiến bộ;
Hội đồng Hòa bình thế giới (Hội đồng) là cơ quan lãnh đạo phong trào hoà bình thế giới, là một tổ chức hòa bình quan trọng trong các lực lượng tiến bộ nhất trong phong trào nhân dân thế giới đấu tranh vì hòa bình. Việt Nam được coi là thành viên sáng lập của Hội đồng và hiện giữ vị trí Phó Chủ tịch của Hội đồng. Trong 68 năm tồn tại và phát triển, Hội đồng đã có đóng góp rất quan trọng đối với phong trào hòa bình thế giới, đoàn kết, ủng hộ các dân tộc đấu tranh giành và giữ độc lập. Hội đồng luôn coi ủng hộ Việt Nam là một trong những chương trình hành động hàng đầu, đặc biệt trong các cuộc kháng chiến vì độc lập dân tộc, hình thành mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết và ủng hộ Việt Nam, góp phần không nhỏ vào việc đưa cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam đi đến thắng lợi. Hội đồng đã tổ chức nhiều hoạt động quốc tế ở Việt Nam, sát cánh cùng những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trong quá trình đòi công lý.
Dịp này, Ủy ban Hòa bình Việt Nam cũng sẽ phối hợp với Hội đồng và Hội Hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga tổ chức cuộc Tọa đàm “100 năm Cách mạng Tháng Mười”, tạo không gian để các đại biểu, đặc biệt là các đại diện của phong trào hòa bình các nước, cùng trao đổi và thảo luận, đặc biệt về ý nghĩa trong thời đại hiện nay của Cách mạng Tháng Mười Nga và cách phát huy ý nghĩa to lớn đó để tiếp tục là nguồn cổ vũ vững chắc cho phong trào hòa bình trên toàn thế giới.
Ban Đa phương