Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Tuấn Việt)
Dự Hội nghị có, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Nội vụ cùng hơn 100 Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị. Tham gia Hội nghị còn có các điểm cầu trực tuyến tại các tỉnh/thành phố dành cho các Ủy viên Đoàn Chủ tịch không thể tham gia trực tiếp, điểm cầu tại Hội trường tầng 8 tại trụ sở Liên hiệp Hữu nghị dành cho cán bộ Cơ quan Thường trực Liên hiệp Hữu nghị và điểm cầu tại Văn phòng Đại diện của Liên hiệp Hữu nghị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị Nguyễn Phương Nga phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Tuấn Việt).
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh, Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh vô cùng đặc biệt, khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa được tổ chức rất thành công và các ngành, các cấp, các địa phương đang đẩy mạnh việc quán triệt và học tập Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đối với lực lượng làm công tác đối ngoại, Đại hội XIII của Đảng đã xác định nhiệm vụ vừa vinh dự, vừa nặng nề là "xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là Đối ngoại Đảng, Ngoại giao Nhà nước và Đối ngoại nhân dân".
Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Tuấn Việt).
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe đồng chí Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương quán triệt đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng. Trên cơ sở đó, các đại biểu trao đổi, thảo luận Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của toàn bộ hệ thống Liên hiệp Hữu nghị nhằm: (I) Thống nhất nhận thức và hành động trong toàn hệ thống của Liên hiệp Hữu nghị, quán triệt sâu sắc và tích cực, chủ động triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bằng những hành động cụ thể, nhằm thực hiện thắng lợi định hướng, tầm nhìn và mục tiêu mà Đại hội đã đề ra, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc; (II) Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống Liên hiệp Hữu nghị, nâng cao vai trò, vị thế của đối ngoại nhân dân; (III) Xây dựng hệ thống Liên hiệp Hữu nghị vững mạnh với đội ngũ cán bộ, có đủ phẩm chất, bản lĩnh, năng lực và trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đại biểu tại Hội nghị (Ảnh: Tuấn Việt)
Một trong những nhiệm vụ quan trọng khác của Hội nghị lần này là quán triệt Điều lệ của Liên hiệp Hữu nghị vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 23/3/2021. Đây là lần đầu tiên Điều lệ của Liên hiệp Hữu nghị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và được sử dụng thống nhất ở cả Liên hiệp Hữu nghị ở trung ương và địa phương. Hội nghị đã thông qua Quy chế làm việc của Đoàn Chủ tịch, Ban Thường vụ và Ban Kiểm tra; thông qua báo cáo thay đổi, bổ sung nhân sự Đoàn Chủ tịch khóa VI.
Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị Nguyễn Phương Nga đã báo cáo với Đoàn Chủ tịch dự thảo đánh giá của Liên Hiệp Hữu nghị 10 năm thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW ngày 06/7/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.
Trong 10 năm qua, Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức thành viên đã tổ chức nghiên cứu, triển khai Chỉ thị 04, nỗ lực đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động theo phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, triển khai toàn diện các hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị với các đối tác nước ngoài, thiết lập quan hệ với nhiều đối tác mới; vận động, đấu tranh dư luận bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; góp phần tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế; tham gia các diễn đàn, cơ chế đa phương để bảo vệ lợi ích đất nước cũng như đóng góp vào phong trào tiến bộ của nhân dân các nước; động viên, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào các hoạt động đối ngoại nhân dân; vận động viện trợ và tăng cường hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, nghiên cứu và công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại.
Liên hiệp Hữu nghị cũng đã phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan, các địa phương thúc đẩy việc thể chế hóa Chỉ thị số 04-CT/TW, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và hoạt động của hệ thống Liên hiệp Hữu nghị.
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị Nguyễn Phương Nga cho biết, ngay sau Hội nghị này, Cơ quan Thường trực Liên hiệp Hữu nghị sẽ tiếp thu, hoàn thiện các văn bản và gửi Ban Đối ngoại Trung ương báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 04; Sẽ hoàn thiện và ban hành Chương trình hành động của hệ thống Liên hiệp Hữu nghị thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, ban hành Hướng dẫn thực hiện Điều lệ khóa VI của Liên hiệp Hữu nghị và ban hành 3 quy chế làm việc của Ban Thường vụ, Đoàn Chủ tịch và Ban Kiểm tra của Liên hiệp Hữu nghị.
Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh, đây là những văn bản quan trọng và khối lượng công việc cần thực hiện lớn; đề nghị các tổ chức thành viên ở Trung ương và địa phương và Cơ quan Thường trực Liên hiệp Hữu nghị khẩn trương nghiên cứu, quán triệt và triển khai các nội dung đã được thông qua ngày hôm nay một cách khoa học, quyết liệt, đều tay; tin tưởng công tác đối ngoại nhân dân và hoạt động của Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức thành viên sẽ được đổi mới, đa dạng, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Tuấn Việt