Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị (Ảnh TV)
Tham dự Lễ khai mạc có Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài Bùi Thanh Sơn; Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga; đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương, đại diện Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố, đại diện cơ quan đầu mối về phi chính phủ nước ngoài của các tỉnh, thành phố, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam; một số tổ chức nhân dân và tổ chức phi chính phủ Việt Nam; các cơ quan hợp tác phát triển song phương và đa phương; một số đại sứ quán; các doanh nghiệp nước ngoài…
Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban công tác về phi chính phủ nước ngoài Bùi Thanh Sơn cho biết, hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII và chuẩn bị hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tình hình thế giới và khu vực có nhiều bất ổn, biến động nhanh, phức tạp, khó lường. Tình hình thế giới và khu vực có nhiều bất ổn, biến động nhanh, phức tạp, khó lường. Nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu giảm tốc. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân túy, dân tộc, chính trị cường quyền tác động mạnh đến quan hệ quốc tế. Các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, hòa bình và hợp tác phát triển vẫn là xu thế lớn, các nước vẫn có nhu cầu đối thoại, hợp tác để xử lý những thách thức đặt ra với khu vực và toàn cầu, giải quyết các khác biệt, bất đồng; chủ nghĩa đa phương và các liên kết kinh tế vẫn được thúc đẩy mạnh mẽ.
Trong bối cảnh đó, hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã ghi nhận những thành tựu đáng khích lệ. Hơn 5 năm qua, bên cạnh việc góp phần vào công cuộc giảm nghèo và phát triển bền vững tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trên thế giới.
Ông Bùi Thanh Sơn cho biết: Hội nghị quốc tế lần thứ IV về hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được tổ chức nhằm đánh giá một cách toàn diện kết quả hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài sau 6 năm kể từ Hội nghị lần thứ III năm 2013. Các bên sẽ cùng nhau trao đổi cởi mở để rút ra các bài học kinh nghiệm về quan hệ hợp tác giữa các bên, chia sẻ thông tin về nhu cầu và ưu tiên, phương hướng tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong những năm tới.
Để Hội nghị thu được những kết quả thực chất, Chủ nhiệm Ủy ban công tác về phi chính phủ nước ngoài Bùi Thanh Sơn đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận và chia sẻ những cách làm hiệu quả, sáng tạo, thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các bên; đóng góp những khuyến nghị cụ thể về cơ chế chính sách tạo ra bước đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, đưa quan hệ này sang một giai đoạn phát triển mới, hướng tới thực hiện thành công Chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2019-2025, hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững. Đây cũng là dịp gặp gỡ, kết nối, phát triển quan hệ đối tác của các tổ chức và địa phương Việt Nam.
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga phát biểu (Ảnh TV)
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh: Trong những năm qua, công cuộc giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, một phần nhờ vào sự đồng hành và hỗ trợ tuyệt vời từ bạn bè trên khắp thế giới, trong đó có các TCPCPNN. Hơn cả giá trị viện trợ và tác động của các chương trình, dự án đã giới thiệu về đất nước, văn hoá, con người Việt Nam, góp phần mở rộng quan hệ hợp tác, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè khắp năm châu. Qua đó, đã đóng góp tích cực cho công tác đối ngoại nhân dân của Việt Nam – công tác mà Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam là lực lượng chuyên trách.
Với vai trò là Cơ quan Thường trực của Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN và là đầu mối về quan hệ và vận động viện trợ từ các TCPCPNN, Liên hiệp Hữu nghị đã trở thành người bạn, là đối tác tin cậy đồng hành cùng các TCPCPNN trong mọi hoạt động tại Việt Nam. Liên hiệp đã không ngừng nỗ lực, đổi mới cách làm để đem đến những hỗ trợ tốt nhất cho các TCPCPNN, từ thủ tục hành chính, thiết kế và thực hiện dự án, đến kết nối các TCPCPNN với đối tác địa phương, tổ chức các hoạt động vận động, kêu gọi viện trợ PCPNN cho người dân các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các TCPCPNN cũng tham gia vận động các nguồn lực cho Việt Nam....
Bà Nguyễn Phương Nga mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế đối, các TCPCPNN và các đối tác phát triển với công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của Việt Nam
Các đại biểu tham dự Hội nghị (Ảnh TV)
Theo báo cáo của Uỷ ban tại Hội nghị, hiện nay, có khoảng 500 TCPCPNN đã đăng ký và hoạt động thường xuyên tại Việt Nam với tổng giá trị viện trợ giải ngân xấp xỉ 300 triệu USD/năm. Hoạt động viện trợ của các TCPCPNN được triển khai ở 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trên các lĩnh vực khác nhau. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực mà Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và có nhu cầu như: Y tế; giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp; giải quyết các vấn đề xã hội; giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội; môi trường và biến đổi khí hậu.
Diễn ra trong hai ngày 12 và 13/12 với chủ đề “Hợp tác phát triển, kết nối con người, hướng tới tương lai”, Hội nghị đánh giá kết quả hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức PCPNN trong giai đoạn 2014 - 2019; chia sẻ thông tin, bài học kinh nghiệm trong quá trình hợp tác; thảo luận các ưu tiên và phương thức hợp tác giai đoạn tới. Các đại biểu tham gia 6 hội thảo chuyên đề về các lĩnh vực: giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp; y tế; hợp tác giữa các doanh nghiệp và các tổ chức PCPNN vì phát triển bền vững; giải quyết các vấn đề xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh; môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ khẩn cấp; phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo.
NN