Tham gia Hội nghị có Phó Chủ tịch Liên hiệp Nguyễn Văn Kiền; Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Pháp luật và văn hóa, thông tin đối ngoại Trần Đình Đàn; Giáo sư Trần Ngọc Đường, Ủy viên thường trực Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; cùng toàn thể cán bộ công chức của Liên hiệp.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Kiền nêu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của đợt sinh hoạt chính trị và mong muốn các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ đưa ra các ý kiến đóng góp một cách sâu, rộng về các nội dung sửa đổi trong Dự thảo.
Tại Hội nghị, Giáo sư Trần Ngọc Đường đã nêu lên 9 định hướng cơ bản của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992:
Thứ nhất, để tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động các lực lượng xã hội phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước.
Thứ hai, để tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn bản chất, vị trí, vai trò trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.
Thứ ba, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.
Thứ tư, để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do dân và vì dân.
Thứ năm, coi trọng kỹ thuật lập hiến và quy trình sửa đổi Hiến pháp để đảm bảo hiệu lực, tính ổn định, lâu dài của Hiến pháp.
Thứ sáu, để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Thứ bảy, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.
Thứ tám, để phát huy nhân tố con người, thể hiện sâu sắc hơn quan điểm tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Thứ chín, sửa đổi để tiếp tục thể chế hóa và làm sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.
Bên cạnh đó, GS Trần Ngọc Đường cũng chỉ rõ những điểm nổi bật trong nội dung của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Sau bài phát biểu của GS Trần Ngọc Đường, các đại biểu tham dự Hội nghị đã có thời gian thảo luận và đóng góp ý kiến về những điều trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: nội dung Điều 4; quyền kinh doanh và có nhà ở hợp pháp của công dân; quyền được sống; sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp…
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Kiền khẳng định Hiến pháp thể hiện ý chí của nhân dân, chủ quyền quốc gia và cảm ơn các đại biểu đã đưa ra những ý kiến đóng góp sâu, rộng về các nội dung trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến đóng góp của đại biểu sẽ được tập hợp và gửi cho Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong thời gian sớm nhất.
Minh Dương