Photo: TV
Báo cáo tại buổi tổng kết cho biết sau khi giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng hồi sinh đất nước, một trong những công việc quan trọng của quân đội và nhân dân Việt Nam là giúp Campuchia đào tạo nguồn nhân lực. Đã có hàng ngàn sinh viên Campuchia sang học tập tại các trường đại học của Việt Nam. Nhiều em sinh viên Campuchia sang học tập tại Việt Nam có hoàn cảnh gia đình tương đối khó khăn. Ở nước ta, điều kiện cung cấp cho các lưu học sinh về cả đời sống vật chất và tinh thần còn hạn chế; học bổng còn thấp. Hiện nay, việc bảo vệ tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam Campuchia phải là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người dân, trước hết là thế hệ trẻ của cả hai nước.
Trước tình hình đó, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia vào năm 2011, Hội đã đề sáng kiến về việc các gia đình Việt Nam tham gia hỗ trợ lưu học sinh Campuchia. Sau này, Hội đã nâng lên thành một phong trào với tên gọi: “Ươm mầm hữu nghị”.
Theo đó, hoạt động Ươm mầm hữu nghị được thực hiện dưới 4 hình thức như các gia đình nhận đỡ đầu lưu học sinh Campuchia dưới hình thức “Con nuôi" nhằm tạo cơ hội để các sinh viên Campuchia thực tập tiếng Việt, có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu đời sống, con người và văn hóa Việt Nam, qua đó góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị láng giềng giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Campuchia kể cả trước mắt lẫn lâu dài.
Ngay từ khi phát động, với sự phối hợp tích cực của Đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam, có 14 gia đình các cựu quân tình nguyện, cựu chuyên gia hoặc những cán bộ từng có thời gian công tác ở Campuchia và một số cán bộ Trung ương Hội nhận đỡ đầu 49 em sinh viên Campuchia. Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện công tác đỡ đầu giúp đỡ lưu học sinh Campuchia (giai đoạn 2012-2015), Đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam giới thiệu thêm 15 lưu học sinh Campuchia tham gia phong trào. Tháng 4/2016, Đại sứ quán Campuchia bổ sung 6 em sinh viên Campuchia và tháng 12/2016, Đại sứ quán giới thiệu thêm 30 sinh viên Campuchia. Tính cả 4 đợt, có gần 100 em được Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia phân bổ cho các gia đình Hội viên tại Hà Nội và Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia tỉnh Thái bình đỡ đầu. Mới đây TW Hội đã đề nghị Đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam giới thiệu thêm 30 em lưu học sinh Campuchia tham gia chương trình đỡ đầu để thay thế cho số lượng các em sinh viên tốt nghiệp về nước.
Những hình thức hoạt động diễn ra khá phong phú như: Các gia đình mời con đỡ đầu về nhà hoặc đi nhà hàng ăn liên hoan theo hình thức cuộc gặp mặt gia đình trong ngày nghỉ cuối tuần hoặc vào các dịp Lễ, Tết, Quốc khánh của hai nước. Nhiều gia đình còn gọi các con về nhà khi gia đình có hiếu hỉ, lì xì và tặng quà cho các con trong ngày Tết cổ truyền, cho các con đi tham quan một số di tích lịch sử văn hoá của Việt Nam để các con hiểu biết thêm về cuộc sống và tình cảm của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Campuchia. Nhiều gia đình đã thăm hỏi các em khi ốm đau, giúp các em nâng cao hiểu biết về tiếng Việt. Có gia đình đã viết thư, điện trao đổi với bố mẹ các em về tình hình học tập và sức khoẻ của các em. Nhiều em khi về nước nhận công tác đã thường xuyên liên lạc với các gia đình đỡ đầu; có em xây dựng gia đình đã điện mời các gia đình đỡ đầu sang dự. Hình thức này thực sự tạo nên sự gắn kết mật thiết giữa các em với các gia đình và giữa các gia đình của các em với các gia đình đỡ đầu tại Việt Nam. Đây thực sự là những nhân tố quan trọng của tình hữu nghị giữa hai dân tộc .
Hình thức thứ hai “chăm sóc tập thể” là doanh nghiệp, nhà chùa, các tổ chức Hội cơ sở nhận đỡ đầu một tập thể sinh viên Campuchia bằng cách thăm hỏi động viên các cháu sinh viên có nhiều khó khăn, hoặc khi ốm đau; hỗ trợ nhà trường có thêm trang thiết bị tạo điều kiện cho sinh viên học tập.
Hình thức thứ thứ ba là giao lưu gặp gỡ các cựu chuyên gia, cựu quân tình nguyện; tham quan các cơ sở văn hoá lịch sử ở một số địa phương để nâng cao tầm hiểu biết của các cháu về văn hoá lịch sử và con người Việt Nam.
Hình thức thứ tư là “Kiến nghị chính sách” với việc Thường vụ Trung ương Hội hoặc cá nhân Chủ tịch TW Hội trực tiếp kiến nghị với các Bộ, Ban ngành, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để giải quyết những chính sách và những vướng mắc, nguỵện vọng của các nhà trường đang có nhiều lưu học sinh Campuchia theo học và những nguyện vọng chính đáng của các em lưu học sinh Campuchia trong việc ăn nghỉ, sinh hoạt, học tập.
Tại buổi tổng kết, các đại biểu cũng đã tham gia phát biểu tham luận và có những ý kiến đóng góp chỉ ra những ưu điểm, tồn tại và đề ra phương hướng trong những năm tới giúp cho phong trào “Ươm mầm hữu nghị” ngày càng lan rộng trong tổ chức Hội.
Em Chhay Sothavy, thay mặt lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam, con đỡ đầu của “bố Tụy”-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội cho biết phong trào Ươm mầm hữu nghị đã giúp cho lưu học sinh Campuchia có chỗ dựa, nguồn động viên về tinh thần quý báu để giúp lưu học sinh Campuchia khắc phục được những khó khăn, vượt qua những mặc cảm, thiếu thốn về tình cảm và tinh thần giúp lưu học sinh Campuchia học tập tiến bộ hơn.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam Prak Nguon Hong cảm ơn những nỗ lực to lớn của Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia cùng với các cha mẹ nuôi đã có nhiều thành tích trong việc gây dựng và phát triển phong trào Ươm mầm hữu nghị.
Đại sứ Prak Nguon Hong khẳng định Đại sứ quán luôn ủng hộ và giúp đỡ Hội và gia đình các cha mẹ nuôi để phong trào có thêm nhiều kết quả và thành công trong những năm tiếp theo.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký phụ trách Liên hiệp Hữu nghị Đôn Tuấn Phong phát biểu tại Hội nghị (Photo: TV)
Phát biểu tại buổi tổng kết, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký phụ trách Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Đôn Tuấn Phong đánh giá cao việc Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia tổ chức Hội nghị lần này nhằm tổng kết 5 năm thực hiện phong trào Ươm mầm hữu nghị, đỡ đầu, chăm sóc lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam và đề ra mục tiêu, phương hướng và hình thức thích hợp trong triển khai chương trình thời gian tới; đồng thời tuyên dương, khen thưởng những đơn vị và cá nhân tích cực ủng hộ, tham gia và thực hiện tốt công này trong thời gian qua.
Phó Chủ tịch phụ trách Liên hiệp Hữu nghị Đôn Tuấn Phong cho biết báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện phong trào "Ươm mầm hữu nghị" (2012-2017) và phương hướng mục tiêu trong 5 năm tới cho thấy một bức tranh tổng thể về quá trình hình thành và phát triển của phong trào. Có thể nói, hoạt động đỡ đầu, giúp đỡ lưu học sinh Campuchia là một sáng kiến có ý nghĩa to lớn của Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia nhằm chăm lo, giúp đỡ các học sinh, sinh viên, thanh niên Campuchia đang học tập tại Việt Nam trong việc hòa nhập với cộng đồng và có cuộc sống tốt đẹp hơn, qua đó góp phần chăm sóc và tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia. Với điều kiện kinh phí hạn chế, chủ yếu là do vận động xã hội hóa, từ khi phát động, Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia đã cố gắng vận dụng để phong trào "Ươm mầm hữu nghị" được duy trì và ngày càng phát triển, nhân rộng với hình thức và nội dung hoạt động phong phú.
Phong trào đã nhận được sự ủng hộ đánh giá cao của Lãnh đạo các cấp của hai nước Việt Nam - Campuchia và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp.
Ônng Đôn Tuấn Phong khẳng định Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia là một trong những tổ chức thành viên điển hình của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã hoạt động rất tích cực và hiệu quả. Ông nhấn mạnh Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ luôn ủng hộ, tạo điều kiện để Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia thực hiện những mục tiêu đề ra. Tới đây, Liên hiệp Hữu nghị sẽ đề nghị Hội hữu nghị Việt Nam – Lào nghiên cứu áp dụng mô hình của Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia khi sáng kiến Ươm mầm hữu nghị được Ban Bí thư Trung ương Đảng đánh giá cao nhằm nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
Photo: TV
Chủ tịch Hội Vũ Mão cho biết sau một thời gian thực hiện, nhận thức về “Ươm mầm hữu nghị” đã trở nên sâu sắc và rõ ràng hơn, được Liên hiệp Hữu nghị, các bộ ngành có liên quan quan tâm và ủng hộ, được Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia các địa phương hưởng ứng tích cực. Lãnh đạo hai nước đánh giá cao và ủng hộ phong trào “Ươm mầm hữu nghị”. Tuy nhiên, từ khi thực hiện đến nay, kinh phí cho việc phát động và thực hiện chương trình “Ươm mầm hữu nghị” hoàn toàn do vận động tài trợ nên còn hạn chế. Vì vậy các hoạt động còn ít, kể cả việc mở rộng diện các gia đình nhận đỡ đầu. Khó khăn kinh phí là khó khăn lớn nhất của Hội để thực hiện chương trình.
Chủ tịch Hội Vũ Mão mong muốn có sự chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo cấp cao và sự phối hợp đồng đều của các cơ quan hữu quan, sự hưởng ứng tích cực của chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể…để phong trào nhanh chóng được nhân rộng, mang lại hiệu quả thiết thực hơn.