Quang cảnh Hội nghị (ảnh: Tuấn Việt)
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe, thảo luận về Báo cáo tổng kết do Ban Đối ngoại Trung ương Đảng dự thảo. Theo đó, năm 2019 vừa qua, hoạt động đối ngoại nhân dân nhìn chung được triển khai tích cực, hiệu quả với nhiều hoạt động lớn có ý nghĩa thiết thực, góp phần củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước, mở rộng quan hệ với bạn bè và đối tác quốc tế; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tham gia có trách nhiệm trong các hoạt động đa phương, đóng góp cho phong trào nhân dân khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam nói chung, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực để góp phần phát triển kinh tế-xã hội; tham gia vận động, đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc, tăng cường công tác thông tin đối ngoại, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần thiết thực vào những thành tựu đối ngoại chung của cả nước trong năm 2019.
Năm vừa qua, các đoàn thể, tổ chức nhân dân ở Trung ương cơ bản tuân thủ nghiêm túc các quy định về quản lý hoạt động đối ngoại, thực hiện tốt hơn quy định về thông tin, báo cáo trước và sau khi tổ chức hoạt động.
Nhiều tổ chức đã tiến hành sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới quy chế quản lý hoạt động đối ngoại nội bộ, tiếp tục quán triệt và thực hiện các quy chế, quy định về đối ngoại, tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ đối ngoại.
Nhiều hoạt động có tính chất phức tạp, nhạy cảm đã được chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời với sự phối hợp ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các tổ chức nhân dân và các cơ quan hữu quan, bảo đảm yêu cầu về an ninh, chính trị, đối ngoại.
Việc xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động đối ngoại của các tổ chức trong năm qua tiếp tục chuyển biến tích cực theo hướng thực chất hơn; tỷ lệ thực hiện các hoạt động trong kế hoạch của các tổ chức nhìn chung cao hơn so với các năm trước.
Nhiều tổ chức đã làm tốt công tác xã hội hóa và huy động nguồn lực bổ sung cho kinh phí hoạt động đối ngoại.
Bối cảnh tình hình an ninh, chính trị, kinh tế thế giới 2020 sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và tình hình các điểm nóng sẽ tiếp tục có những diễn biến căng thẳng. Mặt khác, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, quá trình hội nhập khu vực và quốc tế ngày một sâu rộng tiếp tục đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Trong đó, việc bắt đầu nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020-2021) và đảm nhận vị trí Chủ tịch ASEAN 2020 là cơ hội khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và trong khu vực, song cũng là thách thức lớn đối với Việt Nam.
Trong năm 2020, Việt Nam sẽ triển khai nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, sẽ có tác động trực tiếp đến công tác đối ngoại nhân dân, đòi hỏi các cơ quan chỉ đạo quản lý cũng như các đoàn thể, tổ chức nhân dân cần nâng cao hơn nữa năng lực hội nhập quốc tế, dự báo tình hình, chủ động nắm bắt cơ hội đề xuất phối hợp xử lý hiệu quả các vấn đề đối ngoại.
Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị Nguyễn Phương Nga phát biểu tại Hội nghị (ảnh: Tuấn Việt)
Nhằm nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong công tác đối ngoại nhân dân, Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị Nguyễn Phương Nga cho biết, thực tiễn cho thấy công tác nghiên cứu, đào tạo bồi dưỡng cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động đối ngoại nhân dân.
Theo Chủ tịch Liên hiệp Hữu nghị Nguyễn Phương Nga, trong bối cảnh đất nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, yêu cầu đặt ra với đối ngoại nhân dân ngày càng cao, lĩnh vực hoạt động, đối tượng tiếp xúc ngày càng phong phú, phức tạp, yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần nâng cao chất lượng nghiên cứu và xây dựng được đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, tâm huyết, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Bà Nga khẳng định, cần nâng cao nhận thức, đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng, phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh trong toàn đội ngũ cán bộ, công chức. Đặc biệt chú trọng rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp, đạo đức công vụ, thông qua tự học, phân công đào tạo hướng dẫn tại đơn vị, để cán bộ, công chức, viên chức trưởng thành thông qua công việc hàng ngày.
Theo bà Nga, công tác đào tạo bồi dưỡng là một khâu quan trọng, cần được đặt trong tổng thể của công tác tổ chức, cán bộ, phát triển nguồn nhân lực để có chính sách nhất quán, bảo đảm chất lượng, hiệu quả từ khâu tuyển dụng, phân công, sử dụng, đào tạo bồi dưỡng, khen thưởng, đề bạt; Khẩn trương cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức theo vị trí - việc làm theo tinh thần Nghị quyết trung ương 6, đảm bảo bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bố trí đúng người, đúng việc; Cụ thể hoá mục tiêu, nhiệm vụ đối với từng cán bộ, cán bộ công chức; Làm tốt công tác quy hoạch nguồn nhân lực để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đúng thời điểm, đúng đối tượng…
Liên hiệp Hữu nghị phối hợp với Bộ Ngoại giao (Học viện ngoại giao) và Ban Đối ngoại trung ương hoàn thiện và triển khai các chương trình bồi dưỡng kiến thức về đối ngoại và hội nhập quốc tế cho cán bộ, công chức của Liên hiệp Hữu nghị và các tổ chức nhân dân, tập trung về quan hệ quốc tế, các kỹ năng đối ngoại, xây dựng, vận động, tài trợ và tổ chức triển khai các chương trình, dự án quốc tế.
Cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu của các đơn vị, tập trung vào các vấn đề liên quan đến hoà bình và phát triển, những diễn biến mới trong tình hình thế giới và khu vực và tác động đến phong trào nhân dânquốc tế và đối ngoại nhân dân của ta. Có chính sách huy động nguồn lực xã hội, kết hợp với các cơ quan, viện nghiên cứu về đối ngoại để nâng cao chất lượng dự báo, tham mưu, bà Nga cho biết thêm.
Bà Nga nhấn mạnh, cần sớm thể chế hoá Chỉ thị 38 của Ban Bí thư ngày 19/9/2019 về tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong tình hình mới để xác định rõ tổ chức, biên chế của Liên hiệp Hữu nghị, chế độ, chính sách ổn định, công bằng và được áp dụng, thực thi nhất quán đối với đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác đối ngoại nhân dân của Liên hiệp hữu nghị. Chỉ có như vậy mới có thể thu hút được những người có năng lực, động viên được cán bộ yên tâm công tác và tận tâm cống hiến cho sự nghiệp đối ngoại nhân dân.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo Hội nghị (ảnh: Tuấn Việt)
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai hoan nghênh và đánh giá cao những đóng góp tích cực của các lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân vào những thành tựu đối ngoại chung của đất nước trong năm 2019 vừa qua.
Bà Trương Thị Mai đề nghị, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục tác động tới quá trình hội nhập quốc tế và phát triển đất nước, thời gian tới cần tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng tham gia của hệ thống chính trị trong hoạt động đối ngoại nhân dân với vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, các đoàn thể và tổ chức nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, phát huy được phương châm “Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả,” tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động.
Các đơn vị hết sức chú trọng đến mục tiêu chính trị, tính chính trị trong các hoạt động đa dạng của đối ngoại nhân dân với mục tiêu cao nhất là bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, không mơ hồ để sao cho mọi hoạt động đều mang lại hiệu quả thiết thực, đạt được mục tiêu đề ra.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, đặc biệt là người đứng đầu phải tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về việc phải tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của đối ngoại nhân dân; tiếp tục quán triệt tốt hơn Chỉ thị 04 của Ban Bí thư trong tình hình mới và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với hoạt động này, chú trọng phòng ngừa “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” và “diễn biến hòa bình” trong hoạt động đối ngoại nhân dân.
Công tác phối hợp đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân cần tăng cường, có sự phối hợp chặt chẽ hơn, chia sẻ thông tin giữa Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức nhân dân trong các hoạt động; phối hợp với các hội, đoàn của người Việt Nam ở nước ngoài do các Đại sứ quán thành lập để tăng cường hoạt động đối ngoại nhân dân.
Các đơn vị phải nghiên cứu, sửa đổi bổ sung và ban hành cơ chế chính sách, tạo điều kiện tốt hơn để đối ngoại nhân dân tiếp tục phát huy. Bên cạnh đó, tiếp tục thể chế hóa các chủ trương của Đảng, tạo khuôn khổ pháp lý phát huy tốt hơn vai trò của đối ngoại nhân dân; tiếp tục bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác đối ngoại nhân dân.
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai tin tưởng năm 2020, hoạt động đối ngoại nhân dân tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai tặng Cờ thi đua cho các tập thể dẫn đầu trong công tác đối ngoại nhân dân năm 2019 (ảnh: Tuấn Việt)
Tại Hội nghị, Ban Đối ngoại Trung ương đã công bố kết quả thi đua khen thưởng: tặng Cờ thi đua dẫn đầu trong công tác đối ngoại nhân dân năm 2019 cho 05 tập thể, trong đó, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam là tập thể dẫn đầu trong Công tác đối ngoại nhân dân; tặng bằng khen cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đối ngoại nhân dân năm 2019; tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp đối ngoại nhân dân” cho 12 cá nhân dịp này.
Kết thúc Hội nghị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân phát biểu bế mạc và phát động thi đua công tác đối ngoại nhân dân năm 2020.
Tuấn Việt