Hội nghị xúc tiến đầu tư và viện trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi
(Vietpeace) Sáng ngày 8/12/2014, tại Hà Nội đã diễn ra “Hội nghị xúc tiến đầu tư và viện trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi” do Ủy ban Dân tộc và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp tổ chức.
Ảnh: tV
Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Giàng Seo Phử, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp; ông Hoàng Xuân Lương, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; ông Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp; ông Evgueni Stoytchev, Đại sứ nước Cộng hòa Bungari tại Việt Nam; hơn 200 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh/thành phố, các tổ chức, doanh nghiệp, Đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (TCPCPNN) đang hoạt động tại Việt Nam; đại diện hơn 40 cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội…
Phát biểu khai mạc, Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đã nhiệt liệt hoan nghênh Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu đến dự Hội nghị.
Ông Giàng Seo Phử cho biết: thực hiện Quyết định số 2214/ QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc, thiểu số, Ủy ban Dân tộc và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của hai bên nghiên cứu và ký kết Chương trình hợp tác giai đoạn 2014 - 2020 nhằm động viên, tranh thủ sự giúp đỡ của các Bộ, Ban, ngành, các địa phương, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các nhà tài trợ, các đối tác ở các nước làm tăng thêm nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho vùng dân tộc, miền núi.
Thay mặt cho Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Chủ tịch Vũ Xuân Hồng mong muốn các đại biểu sẽ cùng nhau chia sẻ, đánh giá tổng quan tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số; đồng thời trao đổi, thảo luận về việc triển khai chính sách của Chính phủ Việt Nam về thu hút đầu tư, viện trợ cho đồng bao dân tộc khu vực này; đưa ra phương hướng, kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động các nguồn lực trong và ngoài nước để cùng nhau chung tay cải thiện điều kiện sống cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Chủ tịch Vũ Xuân Hồng cho biết, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam rất tự hào trong thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan, ban ngành liên quan trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững của Việt Nam nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng thông qua việc vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự ủng hộ, giúp đỡ của các bạn bè quốc tế và các tổ chức trong nước trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và đặc biệt đối với chương trình giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc và miền núi.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp chính quyền vào cuộc, nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung một số chính sách cho phù hợp thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nhằm góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo năm 2020 tăng gấp 3,5 lần so với hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở xã nghèo giảm 4%/năm.
Hội nghị đã lắng nghe phần trình bày về tình hình kinh tế - xã hội ở Việt Nam và chính sách thu hút đầu tư và viện trợ nước ngoài cho vùng dân tộc thiểu số của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư; những định hướng, công tác vận động viện trợ PCPNN cho vùng dân tộc thiểu số của đại diện Ban Điều phối viện trợ nhân dân; một số bài phát biểu của đại diện các địa phương vùng dân tộc, miền núi.
Hội nghị cũng đã thảo luận, lấy ý kiến của các nhà tài trợ, các tổ chức PCPNN về phương hướng và biện pháp thực hiện đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số” và “Chương trình quốc gia xúc tiến vận động viện trợ PCPNN giai đoạn 2013 - 2017”.
Tại Hội nghị, các tổ chức PCPNN cam kết trong 3 năm tới sẽ triển khai 261 chương trình, dự án nhân đạo và hỗ trợ phát triển với tổng ngân sách trên 200 triệu đô la Mỹ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh cam kết tài trợ từ các tổ chức PCPNN, Tâp đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) cũng cam kết sẽ viện trợ 10.231 tỷ đồng, tương đương khoảng 480 triệu đô la Mỹ để hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội cho khu vực này trong năm 2015.
Trước sự hỗ trợ quý báu của các tổ chức PCPNN và các doanh nghiệp, các cơ quan của Việt Nam cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ trong việc triển khai dự án tại khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số để những hỗ trợ này đến được với người hưởng lợi, đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của các dự án.
Hội nghị đánh dấu một bước đi quan trọng trong việc thực hiện Quyết định số 2214/QĐ -TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, cho thấy sự hợp tác hiệu quả giữa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Ủy ban Dân tộc trong việc vận động các nhà tài trợ và kết nối họ với các địa phương.