Tham dự Hội thảo có hơn 40 đại biểu là học giả đến từ Quỹ và các đại biểu quốc tế là các nhà hoạt động, các chuyên gia về hòa bình - an ninh đến từ các nước châu Á và châu Âu.
Quang cảnh Hội thảo (ảnh: MD)
Về tình hình Hòa bình an ninh, các đại biểu tạp trung các vấn đề chính như: Chủ nghĩa tôn giáo cực đoan và khủng bố, Chi tiêu quân sự, Vũ khí hạt nhân, Nạn nhân của vũ khí hóa học, Thúc đẩy hòa bình- an ninh thông qua cách tiếp cận nhiều bên, Các điểm nóng tại châu Á, Căn cứ quân sự, Các hình thái bạo lực, Đấu tranh giải phóng và Tranh chấp lãnh thổ. Về nội dung, các đai biểu đều nhận thấy thời gian qua, các vấn đề an ninh, các điểm nóng diễn ra nhiều hơn.
Tai Hội thảo, các học giả đã có thời gian thảo luận và đưa ra các khuyến nghị về các chủ đề lớn mà thế giới đang quan tâm: Vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt và cắt giảm chi tiêu quân sự; Các hình thái bạo lực: khủng bố, phong trào và hành vi bạo lực, chủ nghĩa tôn giáo cực đoan; Khuyến nghị của người dân nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và xóa bỏ các căn cứ quân sự và Phong trào nhân dân chống chủ nghĩa dân túy và sự nổi lên của phái cực hữu.
Ảnh: MD
Theo giáo sư Anuradha Mitra Chenoy Đại học Jawaharlal Nehru (New Delhi, Ấn Độ), trong thời kỳ chiến tranh, Mỹ đã từng sử dụng vũ khí hóa học tại Việt Nam khiến nhiều thế hệ người dân nơi đây phải chịu hậu quả rất nặng nề. Chúng ta không thể để lịch sử này lặp lại dù ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới và cần phải ngăn chặn việc sử dụng vũ khí ở mọi hoàn cảnh. Nếu cộng đồng quốc tế quan ngại về vũ khí hóa học thì các quốc gia phải cam kết và cấm sử dụng vũ khí hóa học dưới mọi hình thức.
Bà khẳng định chúng ta lên án vũ khí hóa học và việc sử dụng vũ khí hóa học, nhưng phải điều tra cụ thể về việc này để có biện pháp can thiệp phù hợp, chứ không thể áp dụng can thiệp quân sự, triển khai các vụ không kích nhằm vào Syria. Bởi cả vũ khí hóa học và tấn công bằng tên lửa đều khiến người dân thường ở Syria phải chịu thiệt hại.
Các đại biểu cho rằng, hiện nay, các nước trên thế giới đang dành nguồn ngân sách chi tiêu cho quân sự rất lớn. Các giao dịch quốc tế về vũ khí vẫn tiếp tục gia tăng bất chấp các phong trào hòa bình và các chiến dịch phản đối buôn bán vũ khí liên tục được tăng cường. Các quỹ hỗ trợ năng lực quân sự được thiết lập với chi phí lên tới cả hàng chục tỷ euro khiến hòa bình quốc tế bị đe dọa nếu các quốc gia chạy đua vũ trang.
Hội thảo cũng đưa ra khuyến nghị của nhân dân châu Á và châu Âu về hòa bình và an ninh, cũng như giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Các đại biểu chụp ảnh trên tàu Hòa Bình (ảnh: MD)
Theo chương trình chiều ngày 16 tháng 4, Đoàn đã có chuyến thăm trên Tàu Hòa Bình (Peace Boat). Đây là lần thứ 97 chuyến tàu bắt đầu khởi hành từ Nhật Bản và đến các quốc gia khác. Mục đích của Tàu Hòa Bình nhằm khám phá những di sản của châu Á cũng như những nỗ lực của người dân để xây dựng các cộng đồng bền vững.
MD