Khám, phát hiện tật khúc xạ cho học sinh
Tật khúc xạ (cận thị, viễn thị và loạn thị) chưa được chỉnh kính là một nguyên nhân dẫn đến suy giảm thị lực, mù lòa và khuyết tật. Tật khúc xạ có thể phòng tránh được nếu như được điều trị kịp thời. Theo ước tính của Bệnh viện Mắt Trung ương, có khoảng trên 3 triệu trẻ em Việt Nam mắc tật khúc xạ, tuy nhiên phần lớn vẫn chưa được chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Chăm sóc tật khúc xạ học đường – ChildSight là một trong những cấu phần nổi bật trong hoạt động của tổ chức Hellen Keller International Việt Nam (HKI Việt Nam). Chương trình ChildSight của HKI hướng tới thực hiện các mục tiêu bền vững trong xây dựng và củng cố hệ thống khám sàng lọc, phát hiện và chuyển tuyến các trường hợp mắc các bệnh về mắt tại cộng đồng. Sự thành công của ChildSight đến từ sự phối hợp chặt chẽ giữa HKI và các đối tác địa phương là Sở Y tế và Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh.
Bên cạnh đó, chương trình ChildSight xây dựng một mô hình chăm sóc mắt toàn diện bao gồm việc đào tạo nhân lực, cung cấp trang thiết bị, cung cấp các dịch vụ khám, cấp kính và theo dõi sau khám, và các hoạt động truyền thông đa dạng.
Tính riêng trong năm 2018, hơn 43,000 học sinh và giáo viên của hơn 100 trường THCS, tiểu học tại các địa bàn dự án đã được khám sàng lọc thị lực. Gần 2,000 cặp kính chất lượng đã được phát cho học sinh và giáo viên bị tật khúc xạ có chỉ định đeo kính. Hàng trăm các em học sinh có vấn đề về mắt khác đã được hỗ trợ chuyển tuyến để điều trị kịp thời.
Ngoài việc cải thiện thị lực cho học sinh và giáo viên thông qua khám sàng lọc thị lực và cấp kính, tổ chức HKI luôn chú trọng trong việc xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cho các đơn vị khúc xạ tuyến tỉnh/huyện. Trong năm 2018, HKI đã hỗ trợ đào tạo cho 4 khúc xạ viên, 6 kỹ thuật viên mài lắp kính, 1 điều dưỡng mắt, 1 kỹ thuật viên xét nghiệm, 1 bác sĩ định hướng mắt 1 bác sĩ chuyên khoa I, và 220 giáo viên/y tế trường học được đào tạo về sàng lọc thị lực.
HKI cũng hỗ trợ nhiều trang thiết bị khúc xạ và nhãn khoa cho các đơn vị khúc xạ tuyến huyện/tỉnh tại Hòa Bình, Nam Định, Cần Thơ và Sơn La. Các trang thiết bị gồm máy đo khúc xạ tự động, máy đo công suất kính, đèn soi bóng đồng tử, đèn soi đáy mắt, máy và các dụng cụ mài lắp kính, bảng đo thị lực, kính lỗ, sách tập huấn v.v… với tổng kinh phí lên tới gần 900 triệu trong năm 2018.
Song song các hoạt động chuyên môn khám và cấp kính, HKI luôn chú trọng các hoạt động truyền thông bằng việc sử dụng các tờ rơi, pano, áp phích… , tổ chức các sự kiện cộng đồng như lễ cấp kính, cuộc thi vẽ tranh về tật khúc xạ, nói chuyện giáo dục sức khỏe dưới cờ …. Những hoạt động này đã góp phần khắc phục những thiếu hụt hiện nay trong hệ thống chăm sóc mắt trên địa bàn 4 tỉnh/TP, nâng cao nhận thức về chăm sóc mắt nói chung và tật khúc xạ nói riêng đối với học sinh, nhà trường và phụ huynh, đồng thời phát triển, nhân rộng hệ thống chăm sóc mắt trẻ em toàn diện và bền vững trong cộng đồng.
t/h