Charlie Win (Mỹ), Đại sứ Câu lạc bộ Du lịch Thủ đô thích thú trải nghiệm không khí mừng Xuân mới trong không gian nhà cổ Bắc bộ. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+) |
Họ đều là những người ngoại quốc ở Việt Nam đã lâu năm hoặc ít năm, hay chỉ là những du khách đến dải đất chữ S để trải nghiệm một vùng đất mới trên hành trình khám phá châu Á dài ngày. Và, cho dù dừng chân ở Việt Nam lâu hay mau thì văn hóa truyền thống, tập quán và con người Việt… đã luôn để lại trong họ những cảm xúc đẹp và ấn tượng đậm sâu.
Khách ngoại yêu thích khám phá văn hóa Việt Nam
Lần đầu được tham gia lễ hội làng Việt cùng các Đại sứ và nhiều sinh viên nước ngoài đang theo học đại học tại Việt Nam… dịp đầu Xuân năm mới, mặc dù đã gắn bó với Việt Nam 13 năm nhưng Charlie Win (Mỹ), Đại sứ Câu lạc bộ Du lịch Thủ đô (Hiệp hội du lịch Hà Nội) bảo đây là lần đầu anh đến Đường Lâm và vô cùng bất ngờ với lễ hội của làng. Chỉ mất 1 tiếng đồng hồ đi từ trung tâm Hà Nội nhưng Charlie đã có rất nhiều trải nghiệm ấn tượng ở đây.
“Tôi thực sự rất thích thú với phong tục gói bánh chưng, ông Đồ cho chữ đầu năm của Việt Nam. Ngoài ra, được gặp gỡ các nghệ nhân làng tranh Đông Hồ tìm hiểu về loại hình tranh dân gian này của các bạn cũng giúp tôi thấy thú vị… Đây đều là những hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống Việt Nam dịp đầu năm mà tôi rất ấn tượng,” Charlie cho hay.
Là một MC, diễn viên quen mặt trên truyền hình Việt, Charlie đã có cơ hội được khám phá 43 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Với tư cách Đại sứ Câu lạc bộ Du lịch Thủ đô, Charlie bảo mong muốn sau mỗi chuyến đi có thể lan tỏa được những thông điệp đẹp về du lịch Việt. “Vì tôi thấy bản sắc của đất nước, thiên nhiên, con người Việt Nam có sự khác biệt với các quốc gia khác,” Charlie nói.
Charlie mong muốn sau mỗi chuyến đi có thể lan tỏa được những thông điệp đẹp về du lịch Việt. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+) |
Mười ba mùa Xuân ở Việt Nam, chính những món ăn ngày Tết đã gieo vào lòng Charlie nhiều cảm xúc đậm sâu về “quê hương” thứ hai. Với anh, Tết Việt thực sự khác biệt và đặc biệt nhờ tục lệ thắp hương cúng tổ tiên đêm Giao thừa, cả gia đình họ hàng quây quần trong mâm cơm tất niên…
Charlie bảo anh muốn gửi gắm một thông điệp trong những ngày đầu Xuân này: “Charlie là người nước ngoài đến Việt Nam và được hòa mình vào hoạt động đón Tết cổ truyền, những lễ hội Xuân của các bạn, Charlie cũng thấy đó như là ngày Tết của chính gia đình mình.”
Đầu năm Charlie và gia đình thường thích đi chùa, thích tục xông đất đầu năm mới của người Việt. Anh thích cùng người thân đến những không gian đậm sắc màu tâm linh của người Việt để cùng chạm tới những linh thiêng của đất trời.
Một trải nghiệm mà Charlie ấn tượng nhất là cứ năm mới đến các gia đình, họ hàng người Việt lại quây quần, cùng nhau ôn lại một năm cũ qua đi và lên kế hoạch cho năm sắp tới… “Điều đặc biệt và ý nghĩa với Charlie mỗi dịp Tết đến Xuân về là Tết của các bạn đã trở nên gần gũi, gắn bó không thể thiếu như hơi thở trong cuộc sống của Charlie,” Charlie Win chia sẻ.
Khách quốc tế thích thú với tục xin chữ đầu năm của người Việt. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+) |
Để phát triển du lịch Việt Nam thời gian tới, Charlie cho rằng các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành, địa phương… nên tập trung vào những câu chuyện có ý nghĩa, giúp cả du khách quốc tế và trong nước được trải nghiệm trực tiếp nhiều hơn các hoạt động gắn với văn hóa bản địa, để họ hiểu biết sâu sắc hơn văn hóa truyền thống Việt Nam một cách có thực tế với thật nhiều cảm xúc sau mỗi hành trình.
Hào hứng trải nghiệm Việt Nam
José Manuel Labrada González là sinh viên Cuba ở Hà Nội, đến Việt Nam từ 4 năm trước và đang theo học tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. José cho biết mới học tiếng Việt 1 năm và rất thích Việt Nam, rất thích Hà Nội. Trong ấn tượng của José, người Việt rất hiếu khách, chăm chỉ và anh đặc biệt thích văn hóa Việt Nam.
Trong những ngày Xuân vừa qua José đã được trải nghiệm phong tục gói bánh chưng và thấy rất thú vị. “Làm bánh chưng không khó lắm với tôi,” José nói và cho hay anh rất ấn tượng với ẩm thực Việt, nhất là phở, bún chả, bún trộn, bún đậu mắm tôm, nem rán, nem nướng Nha Trang… “Việt Nam của các bạn có quá nhiều đồ ăn ngon,” vị khách đến từ châu Mỹ chia sẻ.
Một trong những nét văn hóa đẹp nhất của Việt Nam mỗi dịp Tết đến Xuân về trong ấn tượng của José là nhà nhà gói bánh chưng, luộc bánh chưng, các em nhỏ và những khách nước ngoài như anh được người dân bản địa hướng dẫn cách làm bánh chưng.
Đoàn khách Nhật tìm hiểu về tranh Đông Hồ trong một lễ hồi mừng Xuân mới. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+) |
“Tết năm ngoái tôi đã ăn Tết Hà Nội, năm nay sau khi ăn Tết tôi sẽ đi Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Lạt. Tôi nghe nói mùa Xuân Đà Lạt rất đẹp với nhiều loại hoa,” José cho hay.
Không sinh sống và học tập ở Việt Nam như Charlie hay José, trên hành trình 13 ngày khám phá Việt Nam, nữ du khách Vandamme Christine (Pháp) cho biết bà tìm kiếm những nơi thiên nhiên còn hoang sơ, hùng vỹ chưa bị xây dựng nhiều để hòa mình vào với tự nhiên, văn hóa, tập quán địa phương, đời sống thực sự của người bản địa chứ không phải những nơi bị du lịch hóa.
Thời tiết những ngày đầu năm mát mẻ, thuận lợi cho những hành trình khám phá bản làng xa xôi với những triền hoa trạng nguyên, và đào, mai… khoe sắc, Vandamme bảo bà ấn tượng bởi nụ cười và sự thân thiện, cởi mở của người Việt trên những chặng đường đi qua.
Và sau 5 ngày khám phá các điểm đến ở Việt Nam, Vandamme cảm thấy chưa có điều gì khiến bà phải phàn nàn. “Tôi yêu quý nơi này, từ ẩm thực, phong cảnh đến con người đều khiến tôi rất hào hứng,” bà Vandamme Christine chia sẻ và cho biết nhất định sẽ trở lại Việt Nam.
Theo Vietnamplus