Sáng ngày 16/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Ủy ban đoàn kết Á - Phi - Mỹ Latinh đã tổ chức Kỷ niệm 60 năm Hội nghị Băng-đung (4/1955 - 4/2015).
Ảnh: TV
Tham dự buổi Lễ, về phía Việt Nam có bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Phó Chủ tịch Liên hiệp; ông Phạm Văn Chương, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Á - Phi - Mỹ Latinh; đại diện Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao; đại diện lãnh đạo các Hội Hữu nghị: Việt Nam - Lào, Việt Nam - Iran, Việt Nam - Xy-ri.
Về phía bạn bè quốc tế, có đại diện Đại sứ quán các nước: Ả-rập Ai-cập, Cộng hòa Angiêri, Iraq, Libi, Nam Phi, Palestine, Triều Tiên, Sri Lanka.
Phát biểu tại lễ Kỷ niệm, ông Phạm Văn Chương, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Á - Phi - Mỹ Latinh đã ôn lại lịch sử, ý nghĩa của Hội nghị Băng-đung.
60 năm trước, theo sáng kiến của các nhà lãnh đạo Miến Điện (nay là Myanmar), Xây-lan (nay là Sri Lanka), Ấn Độ, Indonesia và Pakistan, lãnh đạo 29 quốc gia châu Á và châu Phi đã gặp nhau tại Hội nghị Á - Phi họp ở Băng-đung, Indonesia, từ ngày 18 - 24/ 4/1955.
Quy tụ các quốc gia chiếm hơn 1/2 dân số thế giới lúc bấy giờ, sự kiện quốc tế trọng đại này tượng trưng cho sự thức tỉnh của các dân tộc bị áp bức ở châu Á và châu Phi sau nhiều thế kỷ thuộc địa hoặc phụ thuộc, đánh dấu thời điểm các quốc gia đang trỗi dậy ở châu Á và châu Phi bắt đầu bước lên vũ đài chính trị quốc tế, cùng nhau tham gia tích cực và chủ động vào việc giải quyết những vấn đề chung của khu vực và thế giới.
Hội nghị đã đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường đoàn kết và hợp tác giữa các quốc gia và dân tộc Á - Phi, cùng tồn tại hòa bình, thúc đẩy hòa bình thế giới và hợp tác quốc tế. Ra đời 6 năm sau (tháng 9/1961) trên nền móng mà Hội nghị Băng - đung xây đắp, Phong trào Không liên kết đã kế thừa mối quan tâm và phát huy tài sản đó.
Trên Tinh thần Băng-đung, trong 60 năm qua, Chính phủ và nhân dân nhiều nước Á - Phi đã dành cho Việt Nam tình đoàn kết, sự giúp đỡ và hợp tác quý báu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước sau chiến tranh.
60 năm trôi qua, nhiều thay đổi to lớn và sâu sắc đã xảy ra trên thế giới, ở châu Á, châu Phi, và ngay trong mỗi nước Á - Phi, nhưng tinh thần đoàn kết, hợp tác và thúc đẩy hòa bình được biểu thị tại Hội nghị Băng-đung đến nay vẫn còn mang tính thời sự nóng hổi.
Ông Nguyễn Văn Huỳnh, Phó Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Á-Phi-Mỹ Latinh đã chia sẻ thông tin việc In-đô-nê-xi-a sẽ long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Băng-đung. In-đô-nê-xi-a sẽ mời hơn 100 đoàn nguyên thủ các nước Á - Phi, đại diện Liên hiệp quốc, các tổ chức quốc tế và khu vực tham dự các hoạt động kỷ niệm tại thủ đô Gia-các-ta. Cho đến nay, nhiều vị đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước nhận lời tham dự các hoạt động kỷ niệm. Bên cạnh đó sẽ diễn ra Hội nghị các doanh nghiệp Á - Phi.
Các hoạt động kỷ niệm 60 năm Hội nghị Băng-đung tiếp tục đề cao Tinh thần Băng-đung và củng cố đối tác chiến lược Á - Phi được đề ra từ dịp Kỷ niệm Hội nghị Hội nghị Băng-đung lần thứ 50, thiết lập một hình thức mới trong hợp tác chiến lược nhiều mặt giữa các nước Á - Phi, bày tỏ đoàn kết và ủng hộ với nhân dân các nước trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì hòa bình công lý.