Kỷ niệm 60 năm thành lập Uỷ ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á-Phi-Mỹ Latinh
(Vietpeace) Sáng 28/10/2016, tại Hà Nội, Uỷ ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á-Phi-Mỹ Latinh thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức Tọa đàm nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Uỷ ban (1956 - 2016).
Ảnh: NN
Tham dự Tọa đàm có bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổ chức đoàn kết nhân dân Á - Phi (AAPSO); ông Phạm Văn Chương, Chủ tịch Uỷ ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á-Phi-Mỹ Latinh; đại diện Lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Ban Đối ngoại Trung ương, Qũy Hòa bình và Phát triển Việt Nam, Ủy ban Hòa bình Việt Nam, một số Hội hữu nghị song phương và đông đảo Hội viên Ban Thường vụ Uỷ ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á-Phi-Mỹ Latinh.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, một số dân tộc thuộc địa ở châu Á đã giành lại độc lập, thúc đẩy ý chí giải phóng của đông đảo các dân tộc khác còn phải sống dưới ách thực dân. Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam (07/5/1954) và cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân Algeria nổ ra tiếp đó (01/11/1954) càng cổ cũ quyết tâm đoàn kết đấu tranh của nhân dân các nước Á-Phi.
Trong bối cảnh đó, Hội nghị đoàn kết nhân dân châu Á được tổ chức tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ) từ 06 - 10/4/1955 với sự tham gia của 13 nước châu Á. Tiếp đó, Hội nghị Á-Phi lần thứ nhất tại Bandung (Indonesia) từ 18 - 24/4/1955 với sự tham gia của 29 quốc gia châu Á và châu Phi đã thông qua Mười nguyên tắc Bandung, khẳng định tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền bình đẳng của tất cả các dân tộc lớn nhỏ, tôn trọng quyền của mọi dân tộc đấu tranh tự vệ, riêng lẻ hoặc liên kết với nhau.
Ngày 19/10/1956 Uỷ ban đoàn kết châu Á của Việt Nam - tiền thân của Uỷ ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á-Phi-Mỹ Latinh ra đời.
Ngày 29/10/1956, Liên quân Anh-Pháp-Israel tấn công Ai Cập sau khi nước này quốc hữu hóa Kênh đào Suez (26/7/1956). Một làn sóng công phẫn bùng lên khắp thế giới, đặc biệt tai các nước châu Phi và châu Á. Được tinh thần Băng-dung cổ vũ, đại biểu các tổ chức nhân dân 45 nước châu Á và châu Phi đã tiến hành Hội nghị đoàn kết nhân dân Á-Phi lần thứ nhất tại Cairo (Ai Cập) từ 26/12/1957 - 01/01/1958. Ủy ban đã cử đại biểu tham dự. Sau khi Hội nghị kết thúc với việc thành lập Tổ chức đoàn kết nhân dân Á-Phi (AAPSO), Uỷ ban quyết định mở rộng hoạt động ra châu Phi, đổi tên thành Uỷ ban đoàn kết nhân dân Á-Phi của Việt Nam, và trở thành một trong những thành viên sáng lập của AAPSO.
Trong quá trình hoạt động của AAPSO, ngày càng có nhiều yêu cầu về mở rộng địa bàn để kết nối thêm với các phong trào đấu tranh vì các quyền dân tộc và dân chủ ở Mỹ Latinh. Với sáng kiến và nỗ lực của AAPSO và Cuba, Hội nghị đoàn kết nhận dân Á-Phi-Mỹ Latinh lần thứ nhất họp tại La Habana (Cuba) từ 03 - 15/01/1966. Ủy ban đã cử đại biểu tham dự. Sau khi Hội nghị kết thúc với việc thành lập Tổ chức đoàn kết nhân dân Á-Phi-Mỹ Latinh (OSPAAAL), Ủy ban trở thành thành viên sáng lập của tổ chức này.
Trong kháng chiến chống Mỹ, trong số các tổ chức thành viên của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam có Uỷ ban đoàn kết nhân dân Á-Phi của miền Nam Việt Nam được thành lập không lâu sau khi Mặt trận ra đời tháng 12/1960. Năm 1963, Uỷ ban này cũng bắt đầu tham gia tổ chức và hoạt động của AAPSO, rồi của OSPAAAL.
Tháng 8/1994, với mong muốn đổi mới nội dung và phạm vi hoạt động, Uỷ ban đổi tên là Uỷ ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á-Phi-Mỹ Latinh và tên gọi này được giữ nguyên cho đến ngày nay.
Năm 1960, Việt Nam được bầu vào Ban Chấp hành đầu tiên của AAPSO. Năm 1963, khi AAPSO quyết định thành lập Ban Thư ký thường trực, đại diện miền Nam Việt Nam - mà trực tiếp là Uỷ ban đoàn kết - được bầu vào cơ cấu này. Năm 1974, Việt Nam được bầu làm Uỷ viên Đoàn Chủ tịch và sau đó làm Phó Chủ tịch AAPSO. Bà Nguyễn Thị Bình đã được tín nhiệm giữ cương vị này cho đến ngày nay.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Phạm Văn Chương cho biết, sự ra đời và phát triển của Uỷ ban gắn liền với sự bùng nổ và phát triển thắng lợi của phong trào nhân dân các nước Á, Phi, Mỹ Latinh đoàn kết đấu tranh giành lại và bảo vệ các quyền dân tộc và dân chủ trong nửa sau thế kỷ 20. Qua 60 năm hoạt động, được sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của AAPSO, OSPAAAL cùng các tổ chức thành viên, các ủy ban đoàn kết của Viêt Nam đã nỗ lực kết nối cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam với phong trào đoàn kết của nhân dân các nước Á, Phi, Mỹ Latinh và cả các nơi khác, góp phần hình thành trên thực tế một mặt trận rộng lớn của nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược đến thắng lợi.
Bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ, trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, AAPSO đã tổ chức nhiều Hội nghị quốc tế, nhiều đợt tuyên truyền, quyên góp ủng hộ nhân dân ta, ra nhiều tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam. Sau khi Việt Nam giành thắng lợi hoàn toàn và thống nhất đất nước (năm 1975), AAPSO tiếp tục ủng hộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân ta.
Bà Nguyễn Thị Bình đánh giá cao hoạt động tích cực của Ủy ban trong thời gian qua, đồng thời mong muốn Ủy ban tiếp tục vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống cha ông, đấu tranh cho hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc duy trì mối quan hệ hợp tác với Uỷ ban đoàn kết Á - Phi - Mỹ La tinh trên thế giới vì mục tiêu chung của phong trào, phát triển quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu được nghe tham luận do các thành viên trong Ban thường vụ Ủy ban trình bày xoay quanh chủ đề: OSPAAAL và những đóng góp của OSPAAAL; tình hình châu Á-Phi-Mỹ Latinh và các phong trào nhân dân ở châu Á-Phi-Mỹ Latinh hiện nay; cập nhật tình hình sau Đại hội X của OSPAAAL và các nước Á-Phi-Mỹ Latinh trong công cuộc “Chung tay chống chủ nghĩa đế quốc”.