Photo: TV
Tham dự buổi Lễ có ông Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ; ông Phạm Văn Chương, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Á-Phi-Mỹ Latinh; đại diện một số bộ, ban, ngành, các tổ chức hòa bình, hữu nghị, đoàn thể nhân dân Việt nam.
Tại Lễ tưởng niệm, ông Nguyễn Văn Huỳnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam, trình bày tóm tắt tiểu sử của ông Tom Hayden.
Tom Hayden sinh ngày 11/12/1939 tại Detroit, Michigan, Hoa Kỳ. Năm 1956, khi còn là sinh viên đại học Michigan, trong bối cảnh Chủ nghĩa chống Cộng McCarthy đang hoành hành tại Mỹ, Tom Hayden đã tham gia viết báo về những vấn đề dân chủ ở nước Mỹ. Đầu thập kỷ 1960, ông đã thành lập “Nhóm sinh viên vì dân chủ” và viết dự thảo bản Tuyên ngôn Port Huron nổi tiếng với một tầm nhìn xa về một nước Mỹ hòa bình, dân chủ, phi bạo lực. Bản Tuyên ngôn đã truyền cảm hứng cho các phong trào hòa bình, dân chủ ở Mỹ cho đến ngày nay.
Năm 1965, mặc dù bị Chính quyền Mỹ ngăn cấm, ông vẫn cùng hai người bạn Quaker Mỹ vào thăm miền Bắc Việt Nam. Trong chuyến thăm này, như mô tả trong cuốn “Hồi ức - Reunion” xuất bản năm 2008, ông đi thăm miền Bắc Việt Nam để tìm hiểu đất nước do những người Cộng sản quản lý và đã gặp những người Cộng sản đầy tính nhân văn như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cố Nhạc sĩ, Phó Chủ tịch Tổng Thư ký Ủy ban Hòa bình Việt Nam và Hội Việt - Mỹ Đỗ Xuân Oanh…. Và ông đã sớm thấy Việt Nam không phải là một cuộc chiến tranh mà là một đất nước, một dân tộc.
Trở về nước, ông đã cũng bạn bè viết cuốn sách đầu tiên về Việt Nam “Phía bên kia - Another Side” kể lại những điều mắt thấy, tai nghe ở miền Bắc Việt Nam, về cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc của đất nước đang chiến đáu với quân đội Mỹ ở Việt Nam. Cuốn sách là một đóng góp rất lớn giúp những người tham gia phong trào hòa bình và phản chiến ở Mỹ nhận thức đúng về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Tháng 10/1967, ông trở lại Việt Nam sau khi dự cuộc gặp mặt Mỹ - Việt lần thứ nhất tại Bratislava - Thủ đô Cộng hòa Slovakia hiện nay. Thời điểm đó, ông đã chia sẻ quan điểm và tìm kiếm khả năng liệu đã đến lúc cần có một cuộc đối thoại Việt - Mỹ để chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam hay chưa? Đây cũng là một sự kiện ngoại giao nhân dân mở đầu cho cuộc đàm phán Paris lịch sử từ 1968 - 1973. Tại đây ông đã gặp bà Nguyễn Thị bình với những ấn tượng rất sâu sắc về phụ nữ Việt Nam đang chiến đấu vì nền độc lập và hòa bình của Việt Nam.
Năm 1968, ông là thành viên nhóm Chicago 7 - Nhóm đã tham gia biểu tình trước Hội nghị toàn quốc Đảng Dân chủ phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Với hành động này, ông đã bị Chính quyền Mỹ bắt giam ít ngày với cáo buộc “châm ngòi cho bạo động”.
Dấn thân vào các hoạt động đòi chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình tại Việt Nam, ông đã gặp một nghệ sĩ tài danh - Jane Fonda. Hai người đã sát cánh trong các hoạt động vì hòa bình tại Việt Nam và một tình yêu rất đẹp đã kết trái. Năm 1973, đứa con trai của Nhà hoạt động vì hòa bình Tom Haden và Nghệ sĩ Jane Fonda ra đời và được đặt tên theo tên của Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi của Việt Nam - Troy Garity.
Năm 1972, ông đã vào Việt Nam với một số bạn bè Mỹ nhận đưa 3 phi công Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao trả qua con đường nhân dân.
Sau khi trở về nước, ông đã cùng vợ lập “Chiến dịch hòa bình cho Đông Dương - Indochina Peace Campaign”, cùng bạn bè đi khắp nước Mỹ tổ chức chiếu các bộ phim tài liệu mà các đoàn bạn Mỹ thăm Việt Nam quay được; tổ chức triển lãm hình ảnh về tội ác của lính Mỹ tại Việt Nam cũng như các hành động anh dũng của người Việt Nam từ các tỉnh miền Bắc Việt Nam đến Quảng Trị nơi mới được giải phóng có trụ sở của Chính phủ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, cũng như đưa ra những lời kêu gọi đòi châm dứt chiến tranh, đòi cắt giảm chi phí quân sự cho chiến tranh ở Việt nam ...
Là một nhà báo, ông đã viết rất nhiều bài báo và in gần 20 cuốn sách về hòa bình, bảo vệ môi trường và nhân quyền trong đó có 3 cuốn về Việt Nam. Là một nhà lập pháp, ông đã có hơn 18 năm làm Thượng Nghị sỹ và Hạ nghị sỹ Bang California (từ 1982-2000).
Năm 2007, ông trở lại thăm Việt Nam, là khách mời của Hội Việt - Mỹ để tìm hiểu về công cuộc đổi mới ở Việt Nam và thăm lại bạn bè. Ông đã gặp các bạn bè cũ như bà Nguyễn Thị Bình, ông Đỗ Xuân Oanh, ông Phạm Khắc Lãm, ông Phạm Văn Chương và đã được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc”.
Năm 2013, ông được mời sang Việt Nam dự Kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về hòa bình ở Việt Nam. Những phát biểu của ông trên Truyền hình Việt Nam đã để lại rất nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân Việt Nam về tình cảm của bạn bè cũng như nhân dân Mỹ đối với nhân dân Việt Nam, về việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ Mỹ - Việt. Và đây cũng là chuyến thăm Việt Nam lần cuối của ông.
Bày tỏ niềm thương tiếc và luôn ghi nhớ, biết ơn những tình cảm, hành động tốt đẹp mà ông Tom Hayden dành cho nhân dân Việt Nam, các đại biểu tham dự Lễ tưởng niệm đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ ông Tom Hayden, người bạn thân thiết và thủy chung của nhân dân Việt Nam.
NN