Hội thảo khoa học góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được tổ chức tại Trường đại học Luật Hà Nội sáng 9/3 (Ảnh: Thu Hà).
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung góp ý trực tiếp về: vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong việc giám sát, tham vấn ý kiến của người dân về quản lý, sử dụng đất; các quy định về tài chính đất đai và một số vấn đề liên quan; các quy định về đất thương mại, dịch vụ; cơ chế giao đất, cho thuê đất…
Đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Hà Hùng Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam cho biết công tác quản lý sử dụng đất tới nay vẫn còn nhiều hạn chế về một số mặt như: quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, thực hiện pháp luật chưa nghiêm; việc tiếp cận đất đai còn bất cập...dẫn đến hậu quả là nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững; số lượng khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn nhiều nhưng việc xử lý còn hạn chế và chưa thật sự thuyết phục.
Theo PGS.TS Hà Hùng Cường, nguyên nhân của thực trạng phức tạp trong quan hệ đất đai trước hết là do những bất cập trong bản thân luật Đất đai cũng như các quy định chi tiết luật này. Do đó luật Đất đai đến nay cần phải được sửa đổi để khắc phục nhằm phát huy nguồn lực đất đai, giảm thiểu khiếu kiện, bức xúc.
Nhiều băn khoăn về định giá đất, thu hồi đất
Liên quan đến các quy định về tài chính đất đai, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia đánh giá, dự thảo Luật đã có nhiều điểm mới liên quan đến quy định về cơ chế tài chính đất đai và giá đất, trong đó có quy định bỏ khung giá đất hướng nhằm tới việc định giá đất phù hợp với quy luật của thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, chưa đảm bảo tính thống nhất, khoa học.
TS. Cấn Văn Lực kiến nghị: Bổ sung các khái niệm liên quan đến giá đất có thể phát sinh trong thực tế, chuẩn hóa các thuật ngữ như “giá đất phổ biến trên thị trường/giá đất chuẩn, bảng giá đất, thửa đất chuẩn, giá đất cụ thể,..” để nhất quán cách hiểu và áp dụng; Bổ sung mục đích điều tiết nguồn thu từ đất bao gồm cả việc phục vụ “công tác thu hồi đất, tái định cư,…”.
Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực cũng đề nghị, cân nhắc có lộ trình áp dụng giá đất sát với giá thị trường; bổ sung quy định chi tiết hơn về quyền và trách nhiệm của tổ chức tư vấn định giá, chuyên gia định giá đất;…
Về vấn đề thu hồi đất, ông Lực cho rằng vai trò của tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng rất quan trọng, tuy nhiên hiện nay dự thảo Luật chưa quy định rõ tổ chức này là ai. Đại biểu cũng kiến nghị nên áp dụng cơ chế nếu 80% người dân đồng thuận phương án bồi thường thì nhà nước có thể cưỡng chế thu hồi 20% còn lại.
Góp ý tại Hội thảo, GS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, khẳng định luật đất đai quan trọng nhất là quy hoạch, quy hoạch đất đai ở các cấp khác nhau cần xây dựng một cách bài bản, giải quyết hài hòa lợi ích các bên.
Liên quan đến việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, GS.TS Hoàng Thế Liên cho rằng, các quy định trong dự thảo luật chưa rõ, dễ xảy ra sự tùy tiện. Ông Liên đề nghị phải hết sức coi trọng quy định về vấn đề này, rà soát thật kỹ thủ tục, trình tự, không thể để chung chung.
Đề xuất mở rộng đối tượng giao đất không thu tiền sử dụng đất
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) (Ảnh: Tô Dung). |
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng kiến nghị Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nghiên cứu mở rộng, xem xét cho các đối tượng giao đất không thu tiền sử dụng đất, ví dụ như các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ như các bệnh viện công lập và các trường đại học công lập. Nếu phải nộp tiền sử dụng đất hàng năm, thì nhiều đơn vị sự nghiệp công lập như vậy sẽ không đủ nguồn thu, không đảm bảo được phục vụ an sinh xã hội.
Trường hợp bắt buộc phải nộp, các đơn vị này phải đẩy mức thu viện phí, học phí lên cao để bù đắp. Khi đó nhiều người bệnh có thể không đủ tiền để nộp viện phí, mất đi cơ hội khám chữa bệnh; nhiều người học mất đi cơ hội học tập vì không đủ tiền nộp học phí.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp về những vấn đề có tính chất vĩ mô nhưng cũng rất cụ thể như kiểm soát quyền lực trong quản lý đất đai, vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho đến những vấn đề liên quan thiết thực đến mọi tổ chức, cá nhân như cơ chế giao đất, cho thuê đất, tài chính đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đấy hay việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp, của chủ thể có yếu tố nước ngoài,...
Theo TS. Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội, kết quả của Hội thảo sẽ được các đơn vị đồng tổ chức Hội thảo tổng hợp khách quan, đầy đủ gửi đến cơ quan lập pháp và các cơ quan có liên quan nhằm góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai mang tính chặt chẽ, khả thi cao.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Ảnh: Tô Dung).
Trao đổi tại Hội thảo Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga cho biết: "Việc góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa quan trọng bởi đây là vấn đề sử dụng nguồn tài nguyên quý giá quyết định sự phát triển bền vững và nhanh chóng của Việt Nam trong tương lai. Quy định về sử dụng đất cũng cần đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan và đặc biệt lợi ích của người dân. Bên cạnh đó, dư luận quốc tế rất quan tâm đến tiến trình thảo luận, góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của Việt Nam. Tại Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình Thế giới tổ chức tháng 11/2022, bạn bè quốc tế đã đặt nhiều câu hỏi về con đường đi lên CNXH của Việt Nam, về việc chúng ta tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà vẫn bảo đảm được lợi ích của người dân, xoá đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Đóng góp vào việc xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) đáp ứng được mục tiêu mà chúng ta đề ra là phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, từ đó tạo sự thống nhất và đồng thuận của Nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc tranh thủ thêm sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Làm tốt công tác này cũng tăng thêm vị thế uy tín của Việt Nam không phải chỉ trong phát triển kinh tế xã hội mà còn trong thực hiện chính sách tất cả vì người dân, đặt người dân vào vị trí trung tâm".
Q.Hoa t.h / Thời Đại