Merle Ratner trọn vẹn tình yêu với Việt Nam
Bà Merle Evelyn Ratner, sinh năm 1956 tại thành phố New York, có tình yêu đặc biệt với Việt Nam, cùng chồng đã tham gia phong trào chống chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam trong thập niên 1960 và luôn tích cực thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa hai nước. Bà từng xuống đường biểu tình chống chiến tranh Việt Nam khi mới 13 tuổi và nổi tiếng với hành động treo khẩu hiệu phản chiến lên tượng Nữ thần Tự do. Bà là người đồng sáng lập và điều phối viên trong tổ chức "Vận động Cứu trợ và Trách nhiệm đối với Nạn nhân Chất độc Da cam Việt Nam - VAORRC" của khu vực New York.
Trong khi đó, chồng bà - ông Ngô Thanh Nhàn - lại có những đóng góp trong việc mã hóa và chuẩn mã chữ quốc ngữ, chữ Nôm và chữ Chăm trên máy tính; đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm tại Mỹ. Ông cũng tham gia phong trào chống chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam trong thập niên 1960 và là đồng điều phối viên của tổ chức VAORRC.
Merle Evelyn Ratner sinh ra trong một gia đình người Mỹ gốc Do Thái ở New York, được những người Việt gọi bằng cái tên trìu mến là “chị Mơ”. Vào cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước, phong trào phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam lên đỉnh điểm. Mới 13 tuổi và đang là học sinh Trường Trung học 127 ở quận Bronx, bà Merle khi ấy đã tích cực tham gia phong trào phản chiến và ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Dư luận Mỹ và thế giới không thể quên hình ảnh lay động lòng người khi một cô gái nhỏ bé người Mỹ trèo lên tượng Nữ thần Tự do vẫy cao lá cờ đỏ sao vàng với lời kêu gọi Mỹ chấm dứt cuộc chiến tranh sai lầm ở Việt Nam.
Đối với bà Merle, những ngày tháng tham gia phong trào phản chiến đã để lại những ký ức không thể nào quên. Trong một lần trao đổi với phóng viên TTXVN, bà kể: "Cuộc biểu tình đầu tiên mà tôi tham gia diễn ra tại Trung tâm tuyển quân ở Quảng trường Thời đại, New York. Chúng tôi giương cao khẩu hiệu yêu cầu "Mỹ hãy rút khỏi Việt Nam" hoặc "Chấm dứt chiến tranh ngay bây giờ" và quay thành vòng tròn. Người dân New York đến trò chuyện với chúng tôi và chúng tôi giải thích cho họ rõ vì sao cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam là sai lầm và tại sao nhân dân Việt Nam có quyền được độc lập. Còn lần đầu tiên tới thủ đô Washington để tham gia biểu tình, tôi đi cùng một đoàn nha sĩ. Cuộc biểu tình đó thu hút được tới 1 triệu người tham gia và diễn ra ngay trước tòa nhà Quốc hội Mỹ. Cuộc biểu tình ngay trước trụ sở Liên hiệp quốc ở New York cũng là một kỷ niệm đáng nhớ. Lần đó tôi đã cùng nhiều người Mỹ gốc Phi tiến hành biểu tình phản đối tội ác diệt chủng của Mỹ đối với nhân dân Việt Nam. Tôi đã bị bắt, song ở đồn cảnh sát tôi từ chối nói tuổi thật của mình là mới 13 tuổi vì tôi không muốn được trả tự do mà muốn ở lại cùng với bạn bè".
Lớn hơn một chút, khi đã có thể tự đi xe điện ngầm từ nhà ở khu Bronx (phía Bắc New York) đến khu Manhattan (trung tâm New York), bà Merle tham gia tuyên truyền về cuộc chiến tranh phi nghĩa bằng cách đi đến từng nhà gõ cửa. Đến khi theo học tại Trường Trung học Âm nhạc và Nghệ thuật, bà được tự do hơn để cùng các nhà hoạt động khác đi qua nhiều thành phố để tham gia biểu tình. Bà đã nhiều lần bị bắt với tội danh tham gia biểu tình chống chính phủ.
Ngày 30/4/1975 Việt Nam thống nhất đất nước. Đối với bà Merle, đó không chỉ là ngày trọng đại của nhân dân Việt Nam mà còn là ngày vui chung của những người Mỹ tiến bộ yêu chuộng hòa bình. Bà kể: “Chúng tôi có một tấm bản đồ và mỗi khi nhận được tin các bạn giải phóng được một địa danh, chúng tôi lại đánh dấu lên đó. Niềm hạnh phúc đã vỡ òa khi chúng tôi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng phất cao trên nóc Dinh Độc lập. Chúng tôi cảm thấy rất sung sướng và hạnh phúc bởi vì chúng tôi nhận thấy, chiến thắng này là của nhân dân Việt Nam nhưng đồng thời cũng là chiến thắng của cả những người chống chủ nghĩa đế quốc trên toàn thế giới. Nó chứng tỏ một điều rằng nếu Mỹ tham gia vào bất cứ cuộc chiến tranh phi nghĩa nào thì cuối cùng họ cũng bị đánh bại”.
Sau chiến tranh, bà Merle Ratner tiếp tục có nhiều nỗ lực vận động quốc gia nhằm thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ cũng như hỗ trợ cho nhiều hoạt động quốc tế của Việt Nam.
Từ năm 1976-1979, bà cùng chồng là Giáo sư Ngô Thanh Nhàn thúc đẩy việc sáng lập "Hội Việt kiều yêu nước tại Mỹ" để kêu gọi chính phủ Mỹ bình thường hóa quan hệ và bãi bỏ cấm vận Việt Nam. Bà là thành viên của tổ chức VAORRC. Bà đã không mệt mỏi vận động các tổ chức và cá nhân ủng hộ những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, kiện các công ty hóa chất của Mỹ, đồng thời kêu gọi chính phủ Mỹ có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân Việt Nam. Trong nhiều năm qua, tổ chức của bà đã thu thập được hàng chục triệu chữ ký qua mạng để giúp các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam khởi kiện. Bà cũng là người trực tiếp tổ chức các chuyến đi cho các nạn nhân chất độc da cam và điôxin của Việt Nam đến Mỹ.
Bà Merle Ratner (bìa trái) tại một cuộc biểu tình phản đối nhà sản xuất chất độc màu da cam
"Tôi sẽ luôn bên các nạn nhân da cam"
Dịp kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021), trong một bài phỏng vấn, bà Merle Ratner nhắn gửi các nạn nhân rằng: "Tôi sẽ luôn ở bên các bạn".
Theo bà Merle Ratner, vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay của việc khắc phục hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam là những thế hệ nạn nhân da cam tiếp theo phải gánh hậu quả của chất độc da cam hiện không được hỗ trợ trực tiếp, đáng chú ý nhất là những nạn nhân nhỏ tuổi. Bà nhấn mạnh: "Chính phủ Hoa Kỳ phải có trách nhiệm hỗ trợ cho Hiệp hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) cũng như các hoạt động tại hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trong giai đoạn tới".
Trên cương vị người đồng sáng lập và điều phối viên trong tổ chức VAORRC, bà Merle Ratner cùng các cộng sự đã thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông ở Hoa Kỳ, tổ chức nhiều hoạt động giáo dục, chia sẻ thông tin cho cộng đồng, trao đổi rất nhiều thông tin tại các trường học hoặc trung tâm cộng đồng để có những đóng góp hiệu quả cho nạn nhân chất độc da cam. Bà nhấn mạnh: "Phong trào của chúng tôi ở Hoa Kỳ có nhiệm vụ đặc biệt là buộc chính phủ phải thực hiện trách nhiệm của mình trong hàn gắn vết thương chiến tranh, hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và làm sạch các điểm nóng độc hại. Do đó, điều quan trọng nhất mà cộng đồng quốc tế cần làm là đoàn kết chính trị và tạo sức ép chính trị lên chính phủ Hoa Kỳ và các chính phủ phương Tây khác yêu cầu hỗ trợ trực tiếp cho các nạn nhân của chất độc da cam, phải đảm bảo rằng số tiền đó được chuyển trực tiếp đến các nạn nhân".
Nhắn gửi tới các nạn nhân của chất độc da cam ở Việt Nam, bà Merle Ratner khẳng định: "Chúng tôi ở bên các bạn, chúng tôi ủng hộ các bạn, chúng tôi sẽ không ngừng đấu tranh cho các bạn và đấu tranh chính trị để chính phủ Hoa Kỳ có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân và làm sạch các vùng đất ở Việt Nam".
"Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thành tựu"
Trong cuộc trao đổi ngày 1/2 với phóng viên TTXVN tại New York nhân dịp 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà hoạt động cánh tả Merle Ratner nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thành tựu, mọi thắng lợi của Việt Nam. Bà khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đấu tranh cho các giá trị của chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới và Việt Nam chắc chắn sẽ thành công trên con đường đã chọn.
Bà Merle Ratner đánh giá thắng lợi lịch sử ấy đã trở thành nguồn cổ vũ lớn lao cho phong trào giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, là tấm gương sáng cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Trên phương diện chính trị, bà Merle Ratner cho rằng độc lập dân tộc, quyền tự quyết và chủ nghĩa xã hội là tiền đề và điều kiện tiên quyết để toàn đảng, toàn quân và toàn dân đưa Việt Nam vượt qua mọi thử thách lịch sử. Theo bà, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thật sự hiện thực hóa lý tưởng hành động vì nhân dân, lấy dân làm gốc và đạt được hàng loạt thành tựu to lớn trên nhiều phương diện. Với tinh thần cách mạng mạnh mẽ và lạc quan, Việt Nam đã vượt qua nỗi đau chiến tranh để vươn mình đứng dậy trở thành một nền kinh tế năng động, thu nhập trung bình, đời sống nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc.
Đánh giá cao đóng góp của Việt Nam trong môi trường hợp tác quốc tế hiện nay, bà Merle Ratner cho rằng Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng và có nhiều đóng góp ý nghĩa trong các tổ chức đa phương và khu vực như Liên hợp quốc (LHQ) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tại LHQ, đường lối và quan điểm ngoại giao của Việt Nam có nhiều nét tương đồng với chủ trương của LHQ trong việc tôn trọng độc lập, chủ quyền, hòa bình và quyền tự quyết của các nước, cũng như giải quyết các mâu thuẫn bằng giải pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. Ví dụ vấn đề Palestine, Việt Nam đã kiên trì lập trường kêu gọi ngừng bắn, tránh mọi hành động gây thương vong cho dân thường và ủng hộ sự nghiệp đấu tranh của người dân Palestine xây dựng một nhà nước của riêng mình.
Trong một cuộc gặp gỡ với hai vợ chồng bà Merle Ratner - ông Ngô Thanh Nhàn vào tháng 3/2022, Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc - trân trọng cảm ơn những đóng góp không mệt mỏi của gia đình bà Merle Ratner và khẳng định hai ông bà đã góp phần tăng cường mối quan hệ thân thiết giữa nhân dân hai nước trong nhiều thập kỷ vừa qua.
Bài tổng hợp / Theo Thời Đại, TTXVN, VOV, Bộ Ngoại giao