Chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội có tầm quan trọng đặc biệt
Nhận lời mời của Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 7-12/4/2024, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn tham gia đoàn.
Đây là chuyến thăm cấp cao đầu tiên sau khi hai nước nâng tầm quan hệ, là chuyến thăm đầu tiên của đồng chí Vương Đình Huệ tới Trung Quốc trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, cũng là lần đầu tiên diễn ra cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa người đứng đầu cơ quan lập pháp hai nước sau Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh năm 2023, hai nước đã kỷ niệm 73 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950-18/1/2023) và 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện (2008-2023); đặc biệt vào tháng 12/2023 hai nước ra Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ là giao lưu, hợp tác giữa hai Cơ quan lập pháp mà còn là trao đổi chiến lược cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam-Trung Quốc.
Trong chuyến thăm sẽ diễn ra các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc giữa Chủ tịch Quốc hội Việt Nam với Lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và địa phương Trung Quốc ngay sau Kỳ họp Lưỡng hội thứ hai năm 2024.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh chung ngày 13/12/2023. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Đây sẽ là dịp quan trọng để hai bên đi sâu trao đổi ở tầm chiến lược về các vấn đề lớn trong quan hệ song phương cũng như tình hình quốc tế, khu vực cùng quan tâm, qua đó, tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, hiện thực hóa nhận thức chung giữa Lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế-thương mại, đầu tư, du lịch, hợp tác địa phương trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, tăng trưởng của ta còn gặp không ít khó khăn.
Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc duy trì đà phát triển tốt đẹp và đạt nhiều kết quả quan trọng. Giao lưu, tiếp xúc cấp cao diễn ra sôi động. Tiếp nối chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022 (từ ngày 30/10-1/11/2022) và trong năm 2023, nhiều đoàn Lãnh đạo ta đã thăm Trung Quốc.
Đáp lại, từ ngày 12-13/12/2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân đã có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam, hai bên ra “Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược,” ký kết 36 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Từ đầu năm 2024, các hoạt động giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp tiếp tục diễn ra sôi động, hình thức linh hoạt.
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ là giao lưu, hợp tác giữa hai Cơ quan lập pháp mà còn là trao đổi chiến lược cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam-Trung Quốc.
Điểm nổi bật nhất trong các cuộc tiếp xúc trên là hai bên đều khẳng định coi nước kia là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nước mình. Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và là sự lựa chọn chiến lược, luôn mong muốn cùng Trung Quốc thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững, vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
Phía Trung Quốc nhấn mạnh kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam, coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng. Trung Quốc cũng khẳng định ủng hộ Việt Nam phát triển phồn vinh, nhân dân hạnh phúc, xây dựng nền kinh tế lớn mạnh, độc lập, tự chủ, thúc đẩy đồng bộ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế toàn diện, phát triển quan hệ đối ngoại rộng mở, hữu nghị, phát huy vai trò ngày càng quan trọng hơn cho hòa bình, ổn định, phát triển và phồn vinh ở khu vực và trên thế giới.
Từ đầu năm 2024, các hoạt động giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp tiếp tục diễn ra sôi động, hình thức linh hoạt.
Quan hệ giao lưu, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc thời gian qua được duy trì thường xuyên và đạt nhiều thành quả thiết thực. Sau Đại hội XIII, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có hai cuộc hội đàm trực tuyến với Ủy viên trưởng Nhân đại Trung Quốc khóa XIII Lật Chiến Thư (17/6/2021) và Ủy viên trưởng Nhân đại Trung Quốc khóa XIV Triệu Lạc Tế (27/3/2023).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Triệu Lạc Tế. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Đáng chú ý, hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Quốc hội ta là hoạt động đối ngoại đầu tiên của đồng chí Triệu Lạc Tế ngay sau khi được bầu giữ chức vụ Ủy viên trưởng Nhân đại, thể hiện sự coi trọng của Trung Quốc trong việc tăng cường quan hệ giao lưu, hợp tác giữa Cơ quan lập pháp hai nước. Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại Trung Quốc ký kết năm 2015 nhân chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhìn chung được triển khai thuận lợi.
Trong chuyến thăm lần này của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hai bên dự kiến ký kết Thỏa thuận hợp tác mới với nhiều nội dung mới phong phú, thể hiện mức độ hợp tác chặt chẽ, thực chất hơn giữa hai Cơ quan lập pháp.
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư không ngừng đi vào chiều sâu, thực chất và trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước thời gian vừa qua. Trung Quốc liên tục duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam; Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga).
Năm 2020, tổng kim ngạch thương mại hai nước đạt 133,09 tỷ USD; năm 2021 đạt 165,9 tỷ USD; năm 2022 đạt 175 tỷ USD; năm 2023 đạt 171,9 tỷ USD theo số liệu của hải quan Việt Nam; 2 tháng đầu năm 2024 đạt 27,3 tỷ USD.
Đây sẽ là dịp quan trọng để hai bên đi sâu trao đổi ở tầm chiến lược về các vấn đề lớn trong quan hệ song phương cũng như tình hình quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); giai đoạn tới, Trung Quốc đang thúc đẩy việc tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... Bên cạnh đó, do gần gũi về địa lý, tập quán tiêu dùng của người dân Trung Quốc có một số nét tương đồng với người Việt, mối quan hệ giao thương truyền thống có từ lâu đời, điều này tạo lợi thế rất lớn về hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Trong số đó, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc không ngừng được mở rộng. Trung Quốc trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất đối với nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam từ hoa quả đến thực phẩm chế biến đang tạo ra chỗ đứng trên thị trường Trung Quốc. Hiện Việt Nam đã có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây và sầu riêng.
Xe chở quả vải tươi chờ làm thủ tục tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành xuất khẩu sang Trung Quốc. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Theo nhận định từ các chuyên gia thương mại, kể từ khi thực hiện cam kết trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) đến nay, Trung Quốc đã giảm thuế cho hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam; trong đó, có nông sản, trái cây tươi. Việc này đã mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn.
Về đầu tư, tính lũy kế đến tháng 3/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký của Trung Quốc tại Việt Nam là 27,64 tỷ USD với 4.418 dự án còn hiệu lực, đứng thứ 6/145 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Riêng trong năm 2023, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 4,47 tỷ USD, tăng 77,5%, đứng thứ 4 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ, song dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 22,17%); trong quý 1/2024, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án có vốn FDI đầu tư mới vào Việt Nam (chiếm 27,8%). Hai bên cũng tích cực phối hợp từng bước tháo gỡ giải quyết vướng mắc tồn đọng trong một số dự án hợp tác kinh tế trước đây.
Hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân, đặc biệt là giao lưu giữa thế hệ trẻ hai nước Việt Nam-Trung Quốc, ngày càng đi vào thực chất, giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tăng cường tình hữu nghị giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước. Đến nay, đã có gần 60 tỉnh/thành phố của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương Trung Quốc.
Về du lịch, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, Trung Quốc nhiều năm liên tục dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam, trung bình cứ 3 khách quốc tế đến Việt Nam thì có 1 khách Trung Quốc. Hiện Trung Quốc cơ bản đã khôi phục các chuyến bay thương mại với Việt Nam; mỗi tuần có hơn 200 chuyến bay qua lại giữa hai nước. Trung Quốc cũng đã triển khai cấp lại thị thực (visa) cho lưu học sinh và người lao động Việt Nam quay trở lại Trung Quốc. Trong năm 2023, có hơn 1,7 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam; 3 tháng đầu năm 2024 đạt gần 890.000 lượt khách, tăng 634,5% so với cùng kỳ năm trước.
Hai bên cũng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu khác như Liên hoan nhân dân biên giới Việt-Trung, Diễn đàn nhân dân Việt-Trung, Giao lưu hữu nghị giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc, hợp tác giữa các địa phương, nhất là các tỉnh, khu biên giới được tăng cường với nhiều hình thức đa dạng... Các hoạt động này đã góp phần củng cố nền tảng hữu nghị vững chắc cho quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định./.
Theo Vietnamplus