Ngày 15/4/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 47/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.
Chương trình hành động thể hiện rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chính phủ trong tình hình mới, cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng nêu tại Kết luận số 57-KL/TW; trong đó yêu cầu nhiệm vụ và giải pháp về công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới cần hướng tới cách làm mới, sáng tạo; tạo sự chuyển biến căn bản trong tư duy về công tác thông tin đối ngoại.
Để cung cấp thông tin rộng rãi về các nội dung cốt lõi, những điểm mới của Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 15/4/2024 của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành bộ tài liệu hỏi-đáp về những nội dung cơ bản liên quan đến Nghị quyết:
1. Sự cần thiết Chính phủ ban hành Chương trình hành động đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới?
Trong thời gian qua, công tác thông tin đối ngoại tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín, hình ảnh của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, bảo vệ nền tảng của đảng, đấu tranh phản bác kịp thời trước các thông tin sai trái, thù địch, làm cho thế giới hiểu rõ và hiểu đúng về Việt Nam, qua đó tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 16-KL/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011 - 2020; Chỉ thị số 21/CT-TTg và Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 28/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại giai đoạn 2011 - 2020, công tác thông tin đối ngoại đã đạt được các kết quả quan trọng, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại và hoạt động thông tin đối ngoại, trong đó nổi bật là xây dựng được hành lang pháp lý, xây dựng các Quy hoạch, đề án, cơ chế chính sách, ban hành các văn bản hướng dẫn thúc đẩy công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại.
Trước tình hình diễn biến thế giới và khu vực còn nhiều phức tạp, nhanh và khó lường, dự báo sẽ mang đến cả những thuận lợi thời cơ và khó khăn thách thức đối với Việt Nam trong việc bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; và trong bối cảnh tác động nhanh chóng, sâu sắc của chuyển đổi số làm xóa mờ ranh giới giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại đã đặt công tác thông tin đối ngoại trước các yêu cầu mới, đòi hòi phải đặt ra các mục tiêu và nhiệm vụ mới nhằm thực hiện có hiệu quả, đột phá trong công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.
Trong bối cảnh đó, việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới là cần thiết nhằm cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, 05 nhiệm vụ và giải pháp của Đảng đã được đề ra tại Kết luận số 57-KL/TW và là căn cứ để các bộ, ngành, địa phương xây dựng Chương trình/Kế hoạch hành động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao nhằm triển khai các nhiệm vụ một cách trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ Bộ Chính trị đã giao tại Kết luận số 57-KL/TW.
Ngày 15/4/2024, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 47/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.
2. Mục tiêu của việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới là gì?
Chương trình hành động là căn cứ để 100% bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng bộ, cơ quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Chương trình hành động được ban hành nhằm tăng cường tính chủ động, phối hợp trong công tác thông tin đối ngoại giữa các bộ, ban, ngành, địa phương, tạo sự thống nhất trong triển khai công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới, phát huy vai trò chủ trì quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thông tin đối ngoại; đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại; giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân trong hoạt động thông tin đối ngoại.
Chương trình hành động được ban hành nhằm đảm bảo các hoạt động thông tin đối ngoại được triển khai chủ động, đúng định hướng, được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đem lại hiệu quả thiết thực; hướng tới cách làm mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để đổi mới cách làm thông tin đối ngoại, tạo hiệu quả đột phá; đo được kết quả rõ ràng hơn, thúc đẩy gia tăng thứ hạng quốc gia tại các bảng xếp hạng có uy tín trên thế giới, phù hợp với lợi ích của Việt Nam nhằm củng cố, nâng cao uy tín, vị thế, hình ảnh Việt Nam trên thế giới.
3. Những nhiệm vụ chính được nêu trong Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới?
Chương trình hành động gồm 05 nội dung bám sát Kết luận số 57-KL/TW, đề xuất những giải pháp nhằm giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong công tác thông tin đối ngoại, đó là:
- Công tác quán triệt, cụ thể hóa chủ trương về công tác thông tin đối ngoại, phổ biến thông tin và triển khai thực hiện Nghị quyết.
- Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước; hoàn thiện cơ chế, chính sách về thông tin đối ngoại; trong đó, chú trọng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong công tác thông tin đối ngoại.
- Đổi mới tư duy, nội dung, phương thức thông tin đối ngoại, trong đó, chú trọng các cách làm mới.
- Đẩy mạnh đấu tranh phản bác thông tin sai trái, tiêu cực ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, trong đó chú trọng "đảm bảo thông tin tích cực là dòng chủ đạo".
- Tăng cường nguồn lực, khuyến khích, động viên các nguồn lực xã hội cho công tác thông tin đối ngoại.
4. Những điểm mới Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới là gì?
Chương trình hành động được xây dựng theo hướng tiếp cận, đổi mới cách làm thông tin đối ngoại nhằm triển khai các nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, cụ thể:
- Coi việc triển khai thực hiện công tác thông tin đối ngoại là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan. Xác định rõ vai trò chủ trì trong công tác thông tin đối ngoại, chú ý phân vai, phân nhiệm rõ, tránh chồng chéo, phát huy vai trò chủ trì để dẫn dắt, điều phối và đánh giá hiệu quả thông tin đối ngoại.
- Đồng bộ, nhất quán từ Trung ương đến địa phương về cách làm, về phương tiện và nền tảng sử dụng trong công tác thông tin đối ngoại; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong việc triển khai nhiệm vụ.
- Đổi mới tư duy, cách làm thông tin đối ngoại theo hướng đo được hiệu quả rõ ràng hơn; coi đây là cơ sở, là căn cứ để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt các đề án, nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực thông tin đối ngoại; gắn thông tin đối ngoại với phát triển kinh tế xã hội của đất nước, địa phương, thúc đẩy tăng thứ hạng quốc gia trên các lĩnh vực, góp phần tăng thứ hạng hình ảnh Việt Nam trên toàn cầu.
- Các nhiệm vụ về thông tin đối ngoại của bộ, ngành, địa phương được thực hiện trên cả không gian thực và không gian mạng. Đặc biệt, cần coi không gian mạng như một không gian mới để bảo vệ chế độ, để làm thông tin đối ngoại, trong đó ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để đổi mới cách làm thông tin đối ngoại.
- Mỗi bộ, ngành, địa phương (trừ các cơ quan chuyên trách về thông tin đối ngoại) cần bố trí ít nhất 01 vị trí việc làm chuyên trách về thông tin đối ngoại; đảm bảo bố trí, phân công nguồn lực phù hợp, hiệu quả đối với các cơ quan chuyên trách, trực tiếp làm công tác thông tin đối ngoại.
- Các cơ quan chủ động bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ trong dự toán giao hàng năm; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phát triển nguồn lực cho công tác thông tin đối ngoại; khuyến khích huy động nguồn lực xã hội hóa trong việc triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại.
5. Cơ quan nào giữ vai trò chủ trì trong công tác thông tin đối ngoại?
- Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan của Chính phủ, chủ trì thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại.
- Ở địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì quản lý nhà nước hoạt động thông tin đối ngoại ở địa phương. Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại.
6. Tại Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 15/4/2024 của Chính phủ có nêu về các cơ quan chuyên trách, trực tiếp làm thông tin đối ngoại? Vậy cơ quan chuyên trách, trực tiếp gồm những cơ quan nào?
- Ở Trung ương, cơ quan chuyên trách, chỉ đạo trực tiếp là Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại; cơ quan quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại là Bộ Thông tin và Truyền thông; các lực lượng triển khai thực hiện thông tin đối ngoại gồm: các cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại ở bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội…, các cơ quan thông tấn, báo chí.
- Ở địa phương, cơ quan chuyên trách, chỉ đạo trực tiếp là Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại tỉnh; cơ quan quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; các lực lượng triển khai thực hiện thông tin đối ngoại gồm: các cơ quan chuyên môn được giao thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại ở địa phương…, các cơ quan thông tấn, báo chí địa phương.
7. Nội dung quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại nào Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chú trọng trong thời gian tới?
- Nghiên cứu hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, tập trung tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2015/NĐ-CP ngày 07/9/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại; nghiên cứu xây dựng Luật Thông tin đối ngoại.
- Xây dựng Chiến lược, Đề án, chương trình/kế hoạch… trong lĩnh vực thông tin đối ngoại theo giai đoạn đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 15/4/2024.
- Kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của bộ, ngành, địa phương, trong đó, chú trọng tổ chức đánh giá hiệu quả của các đề án, dự án trọng điểm theo giai đoạn 3 năm, 5 năm, 10 năm.
- Chú trọng công tác thi đua khen thưởng để khuyến khích, nhân rộng các cách làm hay, ghi nhận sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, nhất là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế đã có đóng góp quan trọng đối với công tác cộng đồng, công tác quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế, uy tín quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
8. Đổi mới phương thức thông tin đối ngoại trong giai đoạn tới cần thực hiện như thế nào?
Như Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 15/4/2024 đã đề cập, để đổi mới cách làm thông tin đối ngoại, cần tạo sự chuyển biến căn bản trong tư duy về công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới; nhận thức sâu sắc mối quan hệ chặt chẽ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại; đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; gắn thông tin đối ngoại với các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước; coi không gian mạng như một không gian mới để làm thông tin đối ngoại.
Bên cạnh đó, cần đổi mới cách làm thông tin đối ngoại theo hướng đo được hiệu quả rõ ràng hơn, coi đây là cơ sở, là căn cứ để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt các đề án, nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực thông tin đối ngoại.
Thay đổi cách làm về truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới theo cách thế giới muốn biết về Việt Nam, dựa trên nội dung truyền thông thống nhất để thế giới dễ nhận diện hình ảnh Việt Nam, qua đó, thúc đẩy tăng thứ hạng hình ảnh, thương hiệu quốc gia trên toàn cầu; tăng cường thông tin, truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam trên các nền tảng số, mạng xã hội ở trong và ngoài nước.
Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác thông tin đối ngoại để thay đổi cách làm thông tin đối ngoại. Không gian mạng là môi trường hữu hiệu để đưa hình ảnh Việt Nam ra toàn cầu; đồng thời chắt lọc, tiếp thu tinh hoa thế giới vào Việt Nam; không gian mạng cũng là chính trường quan trọng để bảo vệ chế độ.
9. Đối với nhóm nhiệm vụ tăng cường nguồn lực, khuyến khích, động viên các nguồn lực xã hội cho công tác thông tin đối ngoại, cần chú ý điều gì trong công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới?
Đối với nhóm nhiệm vụ tăng cường nguồn lực, khuyến khích, động viên các nguồn lực xã hội cho công tác thông tin đối ngoại, cần chú ý hai điểm chính, đó là: nguồn nhân lực thực hiện và nguồn tài lực. Trong Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 15/4/2024 đã chỉ rõ:
- Mỗi bộ, ngành, địa phương (trừ các cơ quan chuyên trách về thông tin đối ngoại) cần bố trí ít nhất 01 vị trí việc làm chuyên trách về thông tin đối ngoại; đảm bảo bố trí, phân công nguồn lực phù hợp, hiệu quả đối với các cơ quan chuyên trách, trực tiếp làm công tác thông tin đối ngoại.
- Chủ động bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ trong dự toán giao hàng năm; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phát triển nguồn lực cho công tác thông tin đối ngoại; khuyến khích huy động nguồn lực xã hội hóa trong việc triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại.
10. Công tác truyền thông quảng bá, bảo vệ hình ảnh quốc gia trong công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn tới cần chú ý vấn đề gì?
Trong công tác truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, cần thay đổi cách làm theo hướng truyền thông theo cách thế giới muốn biết về Việt Nam, dựa trên nội dung truyền thông thống nhất để thế giới dễ nhận diện hình ảnh Việt Nam, qua đó, thúc đẩy tăng thứ hạng hình ảnh, thương hiệu quốc gia trên toàn cầu; tăng cường thông tin, truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam trên các nền tảng số, mạng xã hội ở trong và ngoài nước. Tại Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 15/4/2024, Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng Chiến lược/Chương trình truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài. Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai xây dựng và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành, làm cơ sở để bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch truyền thông quảng bá hình ảnh đất nước, hình ảnh địa phương một cách đồng bộ, nhất quán.
Bên cạnh truyền thông chủ động, tích cực, công tác đấu tranh, phản bác thông tin sai trái, tiêu cực ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia sẽ được chú trọng, cả trên không gian thực và không gian mạng nhằm cung cấp thông tin chính thức, khách quan, chân thực về tình hình Việt Nam để người dân Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế hiểu và đánh giá đúng các vấn đề mà họ quan tâm.
11. Định hướng của Bộ trong giai đoạn tới để thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới?
Bộ Thông tin và Truyền thông, với vai trò chủ trì sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban Đảng, Quốc hội, bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới nhằm thực hiện đúng định hướng của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ về thông tin đối ngoại; triển khai nhiệm vụ một cách đồng bộ, đồng thời, đổi mới cách làm thông tin đối ngoại để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, trong đó, Bộ sẽ chú trọng đến công tác quản lý nhà nước sau:
- Tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2015/NĐ-CP ngày 07/9/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại; nghiên cứu xây dựng Luật Thông tin đối ngoại.
- Nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp giữa các ban, bộ, ngành trong công tác thông tin đối ngoại nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương, đảm bảo tính thống nhất trong việc triển khai nhiệm vụ.
- Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động thông tin đối ngoại của các bộ, ngành, địa phương. Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng kế hoạch hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả theo lĩnh vực được phân công. Đây là nhiệm vụ trọng tâm Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai trong thời gian tới nhằm thay đổi cách làm cũ, làm theo cách mới, đo được hiệu quả rõ hơn, góp phần tăng thứ hạng hình ảnh Việt Nam trên toàn cầu.
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách về thông tin đối ngoại theo hướng tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, thúc đẩy hợp tác báo chí thông qua việc xây dựng các cơ chế hợp tác, thúc đẩy báo chí, xuất bản Việt Nam với các cơ quan, tổ chức báo chí, xuất bản nước ngoài, báo chí; xây dựng quy chế phối hợp giữa các ban, bộ, ngành trong công tác thông tin đối ngoại.
- Nghiên cứu, xây dựng nền tảng quảng bá hình ảnh Việt Nam nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để đổi mới cách làm thông tin đối ngoại./.
Theo Báo Chính phủ