Tranh vẽ về chủ đề của các em thiếu nhi sẽ được trưng bày tại Ngày Văn hoá Hoà bình TP. HCM 2018.
Sự kiện nằm trong Chương trình Giáo dục Văn hóa Hòa bình (PCEP) cho giai đoạn 2017 – 2020 do Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM và Ủy ban Hòa bình TP.HCM chính thức khởi động vào tháng 11/2017.
Chương trình Giáo dục Văn hóa Hòa bình gồm các dạng hoạt động khác nhau để xây dựng nhận thức và tạo cảm hứng về văn hóa hòa bình qua các buổi thông tin, nói chuyện/kể chuyện, các bài viết, các buổi giao lưu, talk show, các hình thức văn hóa nghệ thuật (âm nhạc, vẽ tranh, kịch ngắn, triển lãm, video ngắn, v.v.) và xúc tiến những dự án liên kết với một số đối tác khác.
Đặc biệt, Ngày Văn hóa Hòa bình TP.HCM là một lễ hội với nhiều hoạt động đa dạng với mong muốn sẽ góp phần nâng cao ý thức cộng đồng về sự cần thiết và ý nghĩa của việc xây dựng “hòa bình trong thời bình”, “hòa bình hằng ngày”; quảng bá những giá trị và định hướng hành động cơ bản của Văn hóa Hòa bình đến cộng đồng, đặc biệt trong giới trẻ; đề cao vai trò và trách nhiệm của giáo dục gia đình và nhà trường và của truyền thông đối với văn hóa hòa bình.
Ban Tổ chức kỳ vọng sự kiện sẽ trở thành thành sự kiện thường niên của cư dân TP.HCM nhằm cam kết tạo nên, gìn giữ và phát huy bộ mặt và tinh thần nhân văn và văn minh cho thành phố bổ sung cho mệnh danh của thành phố là một đầu tàu kinh tế của đất nước.
Sự kiện hướng đến mọi thành phần cư dân đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM, đặc biệt là giới trẻ, các gia đình và trẻ em và các nhóm yếu thế trong xã hội. Đây là chương trình vào cửa tự do, diễn ra từ 8:30 – 17:00 tại Dinh Thống Nhất.
Ông Michael Croft, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam sẽ tham dự và phát biểu tại phiên khai mạc. Sự kiện sẽ trưng bày 15 tấm banners về “Viết chữ Hoà Bình” của UNESCO, giới thiệu dự án Thành phố thân thiện với trẻ em của UNICEF Việt Nam với tham gia của các giảng viên đại diện Đại học Hoà bình UPEACE (Costa Rica) được Liên Hiệp quốc đỡ đầu.
Bên cạnh đó, có hơn 30 tổ chức phi lợi nhuận, doanh nghiệp xã hội và trường đại học cùng tham gia Ngày Văn hoá Hoà Bình TP.HCM, với nhiều hoạt động đa dạng, ý nghĩa, vui tươi xoay quanh 8 không gian với từng chủ đề chính,như Chung sống hòa thuận; Gia đình & Trẻ thơ; Nhà trường & Thanh thiếu niên; Cộng đồng; Hòa bình với môi trường…
Các hoạt động đa dạng, phong phú từ triển lãm giới thiệu và cung cấp thông tin về những dự án gìn giữ, thúc đẩy mối quan hệ “hoà bình” giữa con người và môi trường sống; những toạ đàm, nói chuyện, trao đổi nhằm thảo luận về những hiện tượng bạo lực nổi cộm trong xã hội và tư vấn cách ứng xử phù hợp trong tình huống bạo lực; hoạt động giao lưu, trải nghiệm nhằm phát triển nhận thức cho mọi lứa tuổi và hoàn cảnh, góp phần kết nối các cộng đồng trong xã hội, đặc biệt với trẻ em và các nhóm yếu thế; cho đến các tiết mục biểu diễn ca nhạc, múa, thể dục thể thao; các hoạt động vui chơi mang tính giáo dục và thi đố vui về các giá trị làm nền cho văn hóa hòa bình.
Đặc biệt, lễ trao giải Cuộc thi Sáng tác Bài hát biểu trưng và giới thiệu Đại sứ cho Chương trình Văn hoá Hoà bình cũng sẽ tổ chức trong khuôn khổ chương trình.
Theo ông Michael Croft, hòa bình không chỉ là không có chiến tranh mà còn là giải quyết xung đột theo hướng xây dựng và tôn trọng sự khác biệt về giới tính, sắc tộc, ngôn ngữ, tôn giáo hay văn hóa… Văn hóa Hòa bình bao gồm các giá trị, thái độ và hành vi phản ánh và tạo tương tác xã hội và sự chia sẻ dựa trên nguyên tắc tự do và dân chủ, lòng khoan dung và sự đoàn kết.
Văn hóa Hòa bình là phương án thay thế cho văn hóa chiến tranh và bạo lực dựa trên giáo dục hòa bình, thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội bền vững, tôn trọng nhân quyền, bình đẳng giữa nam và nữ, sự tham gia dân chủ, lòng khoan dung, luân chuyển thông tin tự do và giải trừ quân bị.
“Văn hóa Hòa bình nếu không có sự nhiệt huyết, năng lượng của tuổi trẻ và sức trẻ thì chỉ là một khái niệm sáo rỗng,” Đại diện UNESCO khẳng định tại sự kiện mở đầu Chương trình Giáo dục Văn hóa Hòa bình diễn ra tại TP.HCM tháng 11/2017.
Với mục đích hướng đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, Ngày Văn hóa Hòa bình TP.HCM sẽ lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về “hòa bình” trong cộng đồng, góp phần khiêm tốn nhưng chủ động để TP.HCM tham gia với cả nước thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc, đặc biệt là mục tiêu số 16 “Hòa bình và công lý”.
t/h