Ông Ellsberg là một nhà phân tích quân sự Mỹ vào thời điểm ông quyết định chuyển 7.000 trang tài liệu mật của Chính phủ Mỹ cho truyền thông vào năm 1971 với hy vọng chấm dứt cuộc chiến ở Việt Nam.
Trái ngược với những gì chính quyền Mỹ khi đó tuyên bố, các tài liệu cho thấy Washington sẽ không thể thắng ở Việt Nam.
Từng là một người có quan điểm "diều hâu" về Việt Nam, ông kể lại sau chuyến đi đến đất nước này vào giữa những năm 1960, ông đã nhận ra kết cục của cuộc chiến.
Trong khi đó, theo lệnh của bộ trưởng quốc phòng Mỹ lúc đó là Robert McNamara, các quan chức Lầu Năm Góc đã bí mật tập hợp một báo cáo dài 7.000 trang về sự tham gia của quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam.
Khi báo cáo được hoàn thành vào năm 1969, hai trong số 15 bản được chuyển đến Tập đoàn RAND, một tổ chức nghiên cứu chính sách có ảnh hưởng và là nơi ông Ellsberg làm việc.
Nhận tài liệu từ ông Ellsberg, tờ New York Times đăng phần đầu tiên của "Hồ sơ Lầu Năm Góc" (Pentagon Papers) vào ngày 13-6-1971.
Lập tức chính quyền của Tổng thống Richard Nixon đã nhanh chóng yêu cầu một thẩm phán chặn tờ báo này xuất bản vì lý do an ninh quốc gia. Tờ Washington Post sau đó vào cuộc.
Kế đó, ông Ellsberg trở thành mục tiêu của một chiến dịch bôi nhọ của Nhà Trắng và ông Henry Kissinger, khi đó là cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống, gọi ông Ellsberg là "người đàn ông nguy hiểm nhất nước Mỹ phải bị ngăn chặn bằng mọi giá".
Ông Ellsberg bị buộc tội theo Đạo luật gián điệp của Mỹ nhưng vụ án chấm dứt vào năm 1973 sau khi chính phủ bị phát hiện đã thu thập bằng chứng bất hợp pháp.
Trong suốt phần đời còn lại, ông Ellsberg trở thành nhà hoạt động phản chiến, chỉ trích sự can thiệp của Mỹ vào Afghanistan, Iraq. Mới đây ông cũng cảnh báo về nguy cơ từ xung đột ở Ukraine và nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Q.Hoa t.h / Tuổi Trẻ