Đây là một sự mất mát lớn không chỉ đối với gia đình của Thượng nghị sỹ John McCain mà còn đối với cả nước Mỹ.
Một năm chống chọi với khối u não ác tính
Cách đây một năm, vào tháng 7/2017, ông John McCain đã được chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư não. Sau một năm chống chọi với bệnh tật, ngày 24/8, gia đình của Thượng nghị sỹ McCain cho biết ông đã quyết định ngừng điều trị y tế.
Khi nói về quá trình điều trị của ông John McCain trong vòng một năm qua, người nhà của ông cho biết họ vô cùng cảm kích về những hỗ trợ về tinh thần và sự tử tế của những nhân viên chăm sóc ông John McCain, cũng như sự quan tâm và tình cảm nồng ấm của hàng ngàn người khác.
Người đi đầu vận động bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ
Trước khi trở thành một Thượng nghị sỹ, ông John McCain đã có nhiều năm làm việc trong quân đội Mỹ. Tuổi ấu thơ của John McCain gắn với những lần di chuyển của cha từ căn cứ quân sự này tới căn cứ quân sự khác.
Trong một phi vụ oanh tạc bầu trời Hà Nội ngày 26/10/1967, phi cơ của Thiếu tá Không quân lực lượng Hải quân Mỹ John McCain, 31 tuổi đã bị bắn hạ ngày trên bầu trời Hà Nội. Bị bắt sống và 6 năm sau (1973), ông đã được phía Việt Nam trao trả tù binh cho Mỹ.
Từ Việt Nam trở về, John McCain tích cực tham gia chính trường, trở thành một trong những người đi đầu vận động bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ. Thượng nghị sỹ McCain từng nói ông luôn có tình cảm sâu sắc đối với Việt Nam và sẽ đóng góp làm sâu sắc mối quan hệ song phương.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho tiến trình này, ông hối thúc hai bên khởi động các vấn đề nhân đạo như rà phá vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh, hỗ trợ những người bị khuyết tật do hậu quả chiến tranh, tẩy độc tại các khu vực bị nhiễm dioxin và thực thi pháp luật...
Cũng nhờ những nỗ lực và sự vận động hết mình của John McCain, cùng với sự ủng hộ của Thượng nghị sỹ John Kerry (người từng phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam trong những thập niên 60-70 của thế kỉ XX) và Tổng thống Bill Clinton cả hai chính đảng chi phối chính trường Mỹ là Dân chủ và Cộng hòa đều đã dần ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Kết quả là năm 1994, Thượng viện Mỹ thông qua giải pháp do John Kerry và John McCain bảo trợ, kêu gọi chấm dứt cấm vận kinh tế chống Việt Nam, dọn đường cho việc bình thường hóa quan hệ hai nước một năm sau đó.
Song song với việc thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, Thượng nghị sỹ John McCain cũng luôn dành nhiều tâm sức cho cộng đồng người Việt tại Mỹ. Sự gần gũi của ông với cộng đồng này vượt trên cả quan hệ thông thường giữa chính khách và cử tri.
Ông là một người ủng hộ nhiệt thành và nỗ lực không mệt mỏi cho quan hệ Đối tác toàn diện Việt-Mỹ. Vào những thời khắc khó khăn nhất của quan hệ hai nước, khi vẫn còn những tiếng nói nghi kỵ, thậm chí là chống lại quan hệ Việt-Mỹ, thì Thượng nghị sỹ John McCain, Thượng nghị sỹ John Kerry và các nghị sỹ khác đã đóng vai trò quyết định làm cho tiến trình bình thường hóa đó không thể đảo ngược được. Có thể nói Thượng nghị sỹ John McCain là người có công trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước và sau này, khi Việt Nam và Mỹ xác lập quan hệ đối tác toàn diện.
Ông đã thực sự trở thành “cầu nối” giữa họ với chính quyền sở tại, cũng như với chính phủ Việt Nam trong những năm đầu đầy khó khăn (do có nhiều người xa quê nhưng chưa hiểu đúng về Tổ quốc mình ở bên kia nửa vòng Trái Đất). Ông John McCain còn luôn đồng hành cùng cộng đồng người Việt tại Mỹ trong những thời điểm quan trọng.
Ông quan tâm đến lịch sử Việt Nam, qua đó, hiểu thêm và sâu sắc hơn về tác động của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và luôn ủng hộ việc tăng các nguồn lực cho khắc phục hậu quả chiến tranh và thúc đẩy quan hệ, hợp tác về giáo dục và kinh tế-thương mại, trao đổi, hợp tác về an ninh-quốc phòng giữa hai nước.
Người góp phần để mối quan hệ Đối ngoại nhân dân Việt Nam - Mỹ ngày càng tốt đẹp
Không chỉ thế, ông John McCain còn luôn đồng hành cùng cộng đồng người Việt tại Mỹ trong những thời điểm quan trọng. Các đoàn của Liên hiệp Hữu nghị Việt Nam và Hội Việt-Mỹ có dịp đi thăm, làm việc tại Mỹ khi được đề nghị, dù rất bận, nhưng ông John McCain thường sẵn sàng tiếp hoặc đề nghị cán bộ Văn phòng của ông tại Washington ưu tiên xếp lịch để giành thời gian tiếp thân mật, trao đổi cởi mở, chân thành về các vấn đề liên quan tới Việt Nam, và quan hệ nhân dân Việt-Mỹ.
Một kỷ niệm đáng nhớ là nhân chuyến thăm Việt Nam trong giữa tháng 11/1996, ông John McCain đã đến thăm Liên hiệp hữu nghị và Hội Việt-Mỹ vào sáng 13/11/1996. Và tại Trụ sở Liên hiệp hữu nghị, ông John McCain đã có cuộc gặp lại ân nhân của mình là Cụ Mai Văn Ôn (khi đó 77 tuổi) là người đã cứu phi công John McCain khi bị bắn rơi và bất tỉnh tại Hồ Trúc Bạch, Hà Nội, ngày 26/10/1967.
Đánh giá về những đóng góp lớn của Thượng nghị sỹ McCain đối với quan hệ Việt Nam-Mỹ, trong cuộc gặp gỡ ở thủ đô Washington DC ngày 21/1/2016, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh ông John McCain luôn dành những tình cảm quý báu cho Việt Nam trong suốt nhiều năm qua và có nhiều đóng góp lớn cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước. Đáp lại, Thượng nghị sỹ John McCain khẳng định ông luôn coi trọng quan hệ Việt-Mỹ và với ông, Việt Nam có vai trò, vị trí quan trọng tại khu vực.
Ngày nay, quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Mỹ đã có những bước tiến đáng kể trên tất cả các mặt, phù hợp với lợi ích của hai nước. Và trong những thành tựu mà hai nước có được thì John McCain chính là một trong những người góp phần quan trọng đặt nền móng cho mối quan hệ tốt đẹp.
Ông cũng đưa người thân, trong đó có con trai ông trở lại thăm Việt Nam và tham quan di tích Nhà tù Hỏa Lò nơi ông đã trải qua khi còn là tù bình chiến tranh trong khoảng 5 năm. Qua đó, ông thấy được sự cần thiết và tầm quan trọng của trao đổi, giao lưu và quan hệ hữu nghị nhân dân, nhât là thế hệ trẻ hai nước.
MD t/h