Đại biểu trao tặng giấy chứng nhận cho các thí sinh đạt giải. Ảnh: Tiến Ninh |
17.000 tác phẩm dự thi
Cuộc thi do Hội Hữu nghị Việt - Nga, Hội Hữu nghị Nga - Việt và Phân viện Puskin phối hợp tổ chức. Đây là một trong các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đặt chân đến nước Nga.
Theo Ban tổ chức, cuộc thi đã thu hút hơn 17.000 tác phẩm dự thi ở 3 nhóm tuổi: 6 - 8 tuổi, 9 - 12 tuổi, 13 - 16 tuổi. Ở mỗi nhóm thí sinh, Ban giám khảo đã chọn ra 2 giải nhất, 3 giải nhì, 3 giải ba và 8 giải khuyến khích.
Ông Trịnh Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Hội hữu nghị Việt - Nga, cho biết, cuộc thi diễn ra song song tại Việt Nam và Nga. Các bức tranh dự thi không chỉ giới thiệu hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam và Nga, mà còn miêu tả sinh động về tình bạn, cuộc sống của các bạn nhỏ cùng trang lứa ở hai nước.
Hoạ sĩ Lê Thanh Minh, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhận xét, số lượng tác phẩm dự thi và đạt giải tăng so với các năm trước. Điều đó cho thấy sức lan toả của cuộc thi sau nhiều năm tổ chức và đời sống nghệ thuật đang được nâng cao trong nhà trường và các câu lạc bộ mỹ thuật.
Tác phẩm “Xung và Cung – Đôi bạn voi dũng cảm” của em Ninh Bảo Châu đạt giải Nhì nhóm 10-12 tuổi. Ảnh: Tiến Ninh |
Đặc biệt, cuộc thi năm nay lần đầu có sự tham dự của trẻ em người dân tộc thiểu số. Em K' Nhập (tỉnh Lâm Đồng) đã gửi 3 tác phẩm dự thi, trong đó, bức tranh “Vui chơi cùng những người bạn Nga” đạt giải nhất nhóm 6-9 tuổi.
Bày tỏ niềm vui khi học sinh đạt giải, cô Lê Nguyễn Quỳnh Thảo My, giáo viên Tiểu học Phi Liêng (xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) cho biết: “90% học sinh của trường là dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, công tác phát triển năng khiếu hội hoạ, âm nhạc, thể thao cho các em được nhà trường chú trọng. Nếu được tạo điều kiện bồi dưỡng, các em có thể phát triển năng của mình trong tương lai”.
Tác phẩm "Ấn tượng của tôi khi đến thăm Việt Nam” của em Fokin Danil đạt giải Ba nhóm 13-16 tuổi. Ảnh: Hoàng Yến |
Việt Nam và Nga dưới góc nhìn của trẻ thơ
Ngư dân buôn bán bên bờ biển, thuyền buồm đi trên làn nước trong xanh, phía xa là những núi đá phủ rêu. Hình ảnh vịnh Hạ Long hiện lên yên bình qua bức tranh “Ấn tượng của tôi khi đến thăm Việt Nam” của em Fokin Danil (thành phố Hà Nội).
Fokin Danil chia sẻ: “Em đã tham quan nhiều địa danh của Việt Nam. Em thích phong cảnh, trang phục truyền thống, lễ hội và cả ẩm thực Việt Nam. Em muốn vẽ lại tất cả trong bức tranh của mình”.
Năm 1954, hai con voi Xung và Cung lên đường đến Liên Xô như một món quà của tình hữu nghị, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam tặng thiếu nhi và nhân dân thành phố Leningrad (nay là Saint Petersburg). Câu chuyện về hành trình từ nước Việt đến nước Nga của hai con voi đã truyền cảm hứng cho em Ninh Bảo Châu (thành phố Hà Nội) thực hiện bức tranh “Xung và Cung – Đôi bạn voi dũng cảm”.
Chị Đặng Thị Huế, phụ huynh em Ninh Bảo Châu cho biết: “Con biết tới nước Nga qua những câu chuyện thời sinh viên của bố mẹ. Con được tới nước Nga năm 1 tuổi, tới thành phố Yaroslavl, Ivanovo. Khi xem lại những bức ảnh khi đó, con cảm thấy muốn quay lại nước Nga. Bên cạnh đó, con thường được bố mẹ đưa tới các sự kiện văn hoá Nga tại Việt Nam”.
Ban giám khảo chấm điểm các tác phẩm dự thi. Ảnh: Hội Hữu nghị Việt-Nga |
Bà Nguyễn Thị Thu Đạt, Giám đốc Phân viện Puskin đánh giá, các em thiếu nhi đã nghiêm túc tìm hiểu về phong cảnh và văn hoá Nga. Đặc biệt, có nhiều ý tưởng được thể hiện dưới góc nhìn hồn nhiên của trẻ thơ như lễ hội văn hoá Việt-Nga, đêm giáng sinh tại quảng trường Đỏ, cung điện Mùa đông…
Theo bà Nguyễn Thị Thu Đạt, các tác phẩm thể hiện nét vẽ phù hợp với lứa tuổi. Cụ thể, ở nhóm 6-9 tuổi, nét vẽ không chau chuốt, thể hiện nét hồn nhiên của trẻ thơ. Các tác phẩm thể hiện với nhiều gam màu rực rỡ. Các tác phẩm ở nhóm 10-12 tuổi mang tính thẩm mỹ cao, cho thấy thí sinh đầu tư về thời gian tìm hiểu chủ đề cuộc thi. Ở nhóm 13-16 tuổi, các tác phẩm đa dạng về nội dung, thể hiện con mắt hội hoạ và có tính nghệ thuật cao.
Q.Hoa t.h / Thời Đại