Năm tháng đẹp ở Việt Nam
Tại Hội nghị liên tịch giữa Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia và Hội hữu nghị Campuchia - Việt Nam diễn ra tại tỉnh Tây Ninh tháng 11/2023, có một chàng trai Campuchia tự tin trình bày tham luận, trao đổi tại hội nghị bằng tiếng Việt trôi chảy. Rất nhiều thông tin trong tham luận góp phần không nhỏ cho việc thúc đẩy quan hệ hai nước.
Chàng trai đó là Thon Bunheng (33 tuổi, quê ở huyện Mesang, tỉnh Prey Veng Campuchia). Anh đang là nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó Thon Bunheng đã tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh. Điều ít ai biết đó là, cách đây 5 năm, anh Thon Bunheng đã vô cùng vất vả, khó khăn vì khác biệt ngôn ngữ, thời tiết, văn hóa... khi lần đầu đến Việt Nam học tập.
Thon Bunheng trong ngày nhận bằng tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022. (Ảnh: Thon Bunheng) |
Thon Bunheng kể: "Lần đầu tới Việt Nam học em thấy cô đơn vì xa nhà, xa người thân. Nhưng nhận được sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của nhà trường, thầy cô và các bạn sinh viên Việt Nam, em từng bước vượt qua khó khăn ấy. Đặc biệt, thông qua chương trình "Ươm mầm hữu nghị" do Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia phát động, em có cha mẹ đỡ đầu. Kể từ đó, em thấy mình có người thân ở bên cạnh, được quan tâm lúc khó khăn hay khi cần tâm sự. Vốn tiếng Việt của em tốt lên từng ngày, cũng là từng ngày em hòa nhập với cuộc sống ở Việt Nam tốt hơn, việc học tập cũng trở nên dễ dàng hơn".
Thon Bunheng bày tỏ, thời gian ở Việt Nam là những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời. Ngoài kiến thức chuyên ngành mang về góp phần xây dựng quê hương, anh còn được trải nghiệm phong tục tập quán Việt Nam, hiểu thêm về lịch sử văn hóa và tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc.
"Biết về lịch sử, chúng em càng tự hào và ghi nhớ công lao của các thế hệ lãnh đạo đã dày công vun đắp tình đoàn kết hữu nghị quốc tế cao cả của hai dân tộc. Đặc biệt, lịch sử đã ghi nhận công lao của quân và dân Việt Nam khi kề vai sát cánh chiến đấu cùng nhân dân đất nước Campuchia, giúp Campuchia dành được tự do và độc lập, xây dựng đất nước phồn vinh, tươi đẹp như ngày nay", Thon Bunheng nói.
Thêm một mái ấm quốc tế
Thon Bunheng là một trong số hàng trăm lưu học sinh Campuchia hưởng "trái ngọt" từ chương trình Ươm mầm hữu nghị do Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia phát động.
Lưu học sinh Campuchia biểu diễn tại Đại hội đại biểu Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia Chùa Tháp lần thứ hai, tháng 10/2023. (Ảnh: Thành Luân) |
Theo ông Lê Tuấn Khanh, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia, chương trình Ươm mầm hữu nghị ra đời vào mùa Xuân năm 2012, trong bối cảnh quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam – Campuchia phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt hợp tác trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Chương trình giàu tính nhân văn, mang đậm truyền thống văn hoá của hai dân tộc và có sức lan toả sâu rộng.
Khởi đầu có 12 gia đình tình nguyện nhận đỡ đầu 34 sinh viên đang học tập ở Hà Nội và Thái Bình, đến nay chương trình đã phát triển đến hầu hết các tỉnh, thành phố có sinh viên Campuchia đang theo học.
Năm học 2023 – 2024, Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia đã nhận đỡ đầu 70 sinh viên nước bạn. Từ nay đến cuối năm, Hội sẽ phối hợp với Đại sứ quán, Tổng lãnh sự Campuchia tại Việt Nam tiếp tục nhận đỡ đầu khoảng 130 sinh viên. Số sinh viên được Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia nhận đỡ đầu năm học này chủ yếu là các sinh viên dự bị học tiếng Việt, sinh viên năm thứ nhất và thứ hai đang học tập tại 8 trường đại học ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Thái Bình.
Bên cạnh hoạt động đỡ đầu sinh viên Campuchia, các đơn vị Hội trực thuộc (Quân đoàn 2, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4, Mặt trân 479, Hội Cựu chuyên gia, Bộ Tư lệnh 719, Hội Chùa Tháp…); các tỉnh/thành Hội; các cơ sở giáo dục - đào tạo có nhiều sinh viên Campuchia đang theo học như trường Hữu nghị 80 và các trường Đại học Y Thái Bình, Bách khoa Hà Nội, Kinh tế Quốc dân, Xây dựng, Học viện Nông nghiệp, Đại học Tôn Đức Thắng… và các doanh nhân, doanh nghiệp cũng tích cực tham gia. chương trình dưới nhiều hình thức. Nổi bật như: hỗ trợ vật tư, sửa chữa, nâng cấp các trang thiết bị cần thiết phục vụ học tập của sinh viên; tặng quà, trao học bổng cho các sinh viên đạt thành tích cao trong học tập; hỗ trợ sinh viên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ nhân dịp lễ, tết, tốt nghiệp ra trường; đi tham quan, tìm hiểu thực tế ở các địa phương; tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà các sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc khi ốm đau...
"Thành công bước đầu của chương trình là hầu hết các bạn sinh viên đều tự tin và có kết quả học tập tốt, đạt loại khá, giỏi, xuất sắc trong các kỳ thi tốt nghiệp. Các sinh viên sau khi hoàn thành khóa học về nước đều có công việc làm ổn định, phù hợp với chuyên ngành đào tạo và có nhiều cơ hội phát triển. Một số lưu học sinh đã học lên thạc sĩ, tiến sĩ và vẫn giữ những kỷ niệm đẹp về một thời sinh viên học tập ở Việt Nam, thường xuyên liên lạc, tâm sự, chia sẻ vui buồn với tập thể, gia đình, cá nhân đỡ đầu ở Việt Nam như những người thân trong gia đình", ông Lê Tuấn Khanh cho biết.
Nhiều chuyên gia nhận định rằng, chương trình Ươm mầm hữu nghị của Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia góp phần cùng Đảng, Nhà nước chăm lo bồi dưỡng, giúp đỡ lưu học sinh, sinh viên Campuchia học tập tại Việt Nam. Đây là hành động thiết thực, nhân văn tạo điều kiện học tập tốt nhất cho các em ở Việt Nam. Các em là nguồn nhân lực quan trọng, tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Campuchia, đồng thời là nhịp cầu hữu nghị lâu dài giữa hai dân tộc và nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia.
Từ đó, mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam-Campuchia tiếp tục được củng cố và tăng cường, ngày càng đi vào chiều sâu.
Q.Hoa t.h / Thời Đại