Chiếc tủ trong phòng khách nhà ông Tiến đặt đầy kỷ vật đã nhuốm màu thời gian: con dao găm – món quà của người đồng đội Lào; chiếc ca uống nước gò từ vỏ rocket; chén uống rượu làm từ cây giang được đồng bào Lào tặng năm 1969; chiếc nỏ của thủ lĩnh cuộc kháng chiến chống Pháp tại Lào đầu những năm 1900...
Nâng niu con dao găm trên tay, ông Tiến cho biết con dao này đã theo ông 54 năm, từ những năm tháng hoạt động trong vùng địch hậu Viêng Chăn đến khi về nước. Dao dài chừng 35cm, làm bằng thép, rèn lại từ nhíp ô tô bà con dân tộc Lào Xủng lấy từ xe của giặc. Trên thân dao có khắc hoa văn, trong đó một mặt có hình mặt trời, mặt còn lại là 3 cánh hoa. Trừ chuôi dao bị nứt, con dao vẫn còn nguyên vẹn. Đi kèm dao còn có bao an toàn làm bằng gỗ cốc khai, trên bao có các đai làm từ vỏ cây khai.
Ông Đào Văn Tiến (thứ hai, từ trái sang) tại lễ trao giải cuộc thi "Kỷ vật kể chuyện". (Ảnh: Trường Hùng) |
Ông kể: Năm 1969, tôi thực hiện chuyến công tác dài ngày vào vùng địch hậu Viêng Chăn. Để giữ bí mật tôi phải "Lào hóa" từ balo, quần áo, mũ, giày dép... đến ngôn ngữ. Riêng con dao găm được quân đội Việt Nam phát cho. Con dao rất đẹp, dài khoảng 30 phân, có vỏ làm bằng da song không giống với dao Lào, nhìn là nhận ra ngay lại không có nhiều công dụng, chủ yếu để phòng thân nên lúc nào tôi cũng phải che che giấu giấu.
Thời điểm ấy, người dẫn đường cho chúng tôi là Phò An. Phò là cầu nối giữa Đông và Tây Viêng Chăn, con thoi gắn các vùng Lào Lùm, Lào Thỏng, Lào Xủng.
Thấy con dao tôi dùng dễ làm lộ bí mật, Phò An nói sẽ tìm cho tôi một con dao Lào. Ông dẫn tôi đến gặp Xulin, người phụ trách đội biệt động nội thành ở Viêng Chăn. Xulin có hai con dao, đều là dao được người Lào Xủng rèn cho. Xulin bảo tôi chọn lấy một con dao. Vốn tạng người nhỏ bé, tôi chọn con dao nhỏ. Đúng lúc Xulin đang cần một con dao găm để dễ sử dụng trong đánh địch kiểu đặc công nên tôi đưa cho ông con dao mang từ Việt Nam sang. Xulin rất thích, bảo chúng ta giữ dao của nhau làm kỷ niệm. Tôi và Xulin chỉ quan hệ công tác một thời gian trong vùng địch hậu, có nhiều kỷ niệm, tiếc thay chúng tôi đã xa nhau trên 50 năm.
Ông Tiến gọi con dao Lào mà người bạn Lào đổi cho mình là dao vạn năng có thể dùng vào rất nhiều việc như: phát rẫy giúp dân, chẻ tre đan lát; chặt nứa để lam cơm; chặt cần câu làm cần cắm suốt đêm, mổ cá, rọc giấy, rọc lá. Cũng có khi dùng để tiện cốc, bát, làm chỗ mắc võng, che mưa, che sương; chặt nứa làm bè qua sông; chặt cây lụi làm gậy chống đi đường…
Năm 1970, ông Tiến rời Viêng Chăn về Việt Nam, trong hành trang mang theo có con dao. Người nhà ông rất thích con dao này bởi nó làm được mọi thứ. Sau này khi đồ dùng ngày càng phong phú, con dao không được sử dụng nhiều nữa, ông cất đi, lưu giữ như một kỷ vật.
Ông Tiến giới thiệu công dụng của chiếc nỏ. (Ảnh: Thu Hà) |
Cùng với con dao, chiếc nỏ cũng được ông Tiến treo trang trọng trong phòng khách. Đây là chiếc nỏ của ông Kẹo – thủ lĩnh cuộc kháng chiến chống Pháp tại Lào đầu những năm 1900. Khăm Xẻn Vông No Kẹo - cháu nội ông Kẹo, vừa là đồng chí vừa là bạn chí cốt của ông Tiến đã trao chiếc nỏ cho ông vào năm 2009.
Theo lời Khăm Xẻn: Cuối những năm 1890 đầu những năm 1900, nhân dân các bộ tộc Lào liên minh với nhau chống Pháp. Cuộc khởi nghĩa của ông Kẹo và Kommađam được nhân dân vùng cao nguyên Boloven và nhân dân vùng biên giới Việt - Lào hưởng ứng. Vũ khí người dân khi ấy sử dụng chủ yếu là nỏ, cung, giáo, mác, bẫy bằng gỗ... Cái lợi hại của nỏ chính là ở những mũi tên tẩm độc. Bị bắn ở cự ly gần, kẻ địch trúng tên khó qua khỏi.
Gia đình Khăm Xẻn giữ hai chiếc nỏ của ông Kẹo. Một ngày ông nói với bạn: “Chúng ta là anh em sống chết có nhau, tôi muốn tặng anh chiếc nỏ, mỗi gia đình giữ một chiếc để làm kỷ niệm”.
Nhận chiếc nỏ, ông Tiến rất xúc động, không ngờ bạn lại tặng món quà vô giá đến vậy. Chiếc nỏ khi ấy vẫn còn nguyên lẫy và dây gai. Theo lời khuyên của Khăm Xẻn, ông Tiến tháo cánh và báng nỏ ra, gói vào vải rồi đưa lên máy bay.
Đưa nỏ về Việt Nam, ông trang trọng treo trong phòng làm việc. Năm 2015, Khăm Xẻn qua đời, ông Tiến cứ suy nghĩ mãi về chiếc nỏ.
“Tôi mong muốn trao nó lại cho con trai Khăm Xẻn để cháu đưa vào bảo tàng ở Viêng Chăn hoặc Salavan để nhắc nhớ người dân về một thời kỳ lịch sử không thể nào quên của Lào”, ông nói.
Đối với ông Tiến, những kỷ vật trên là báu vật vô giá, nhắc nhớ ông và con cháu về một thời “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” của quân và dân hai nước Việt Nam – Lào.
Trong cuộc thi "Kỷ vật kể chuyện" do tạp chí Thời Đại (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) phối hợp với Đại sứ quán nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam - Lào, Hội hữu nghị Lào - Việt Nam tổ chức vào năm 2022, Ban Tổ chức đã tiếp nhận hơn 6.215 bài viết, bài nói, kỷ vật liên quan đến tình hữu nghị Việt - Lào. Những kỷ vật “kể chuyện” chỉ là những vật dụng đơn sơ, không nhiều giá trị về vật chất nhưng lại chứa đựng những giá trị tinh thần cao quý, thiêng liêng của tình bạn, tình yêu, tình thầy trò, tình gia đình, tình đồng chí… của hai dân tộc anh em đã qua bao muối mặn, gừng cay. |
Q.Hoa t.h / Thời Đại