Ông Doi Katsuma, Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam:
Đến với nhau từ văn hóa
Để văn hóa của Nhật Bản được truyền tải tới người dân Việt Nam hiệu quả hơn, theo tôi, tại các buổi triển lãm do Trung tâm tổ chức, khán giả không chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”, xem mỗi tác phẩm một ít, đi qua đi lại mà cần có sự chiêm nghiệm, đối thoại với tác phẩm và từ đó hiểu sâu hơn về tác phẩm.
Ông Doi Katsuma, Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam. |
Đối với Trung tâm, mỗi lần được giao lưu với khán giả Việt Nam đều là cơ hội để hai bên có thể hiểu nhau một cách sâu sắc hơn. Thời gian tới, Trung tâm sẽ truyền tải các nét văn hóa của người Nhật Bản tới Việt Nam thông qua 3 tầng giới thiệu. Đó là: tầng cá nhân; thông qua đồ vật, tác phẩm và xã hội Nhật Bản.
Cách đầu tiên, ở mức giữa các cá nhân với nhau. Người Việt có thể nhìn thấy tính kỷ luật và uy tín của người Nhật thông qua văn hóa công cộng, tôn trọng không gian của người khác như: cách xếp hàng, tham gia giao thông, xả rác… Trung tâm cũng sẽ mời nghệ sĩ, chuyên gia từ Nhật Bản sang để người Việt Nam có thể cùng nhận thấy được điều đó. Hay người Việt Nam khi sang Nhật Bản có thể xem trực tiếp, giao lưu học hỏi, trao đổi thêm.
Cách thứ hai, giới thiệu đồ vật, hiện vật, tác phẩm. Trung tâm sẽ lựa chọn những hoạt động văn hóa đặc sắc, nổi bật của người Nhật Bản để tổ chức triển lãm, trưng bày tại Việt Nam như: tác phẩm cắm hoa Ikebana đẹp, trưng bày gốm, giới thiệu phim, văn học, kịch…
Thứ ba, giới thiệu văn hóa Nhật Bản thông qua các vấn đề xã hội của Nhật Bản. Ví dụ như về cấu trúc xã hội, chính trị thì có thể trình bày qua các bài giảng, nghiên cứu chuyên đề.
Bà Ikeda Setsuko, Chủ tịch Hiệp hội hữu nghị quốc tế Nhật Bản (JIFA):
Hướng tới phí 0 đồng cho thực tập sinh Việt Nam
Bà Ikeda Setsuko, Chủ tịch Hiệp hội hữu nghị quốc tế Nhật Bản. |
Số thực tập sinh Việt Nam chiếm 56% tổng số thực tập sinh nước ngoài đang học tập và làm việc tại Nhật Bản. Theo khảo sát của các cơ quan chức năng Nhật Bản, số tiền nộp và số vay nợ trung bình của thực tập sinh kỹ năng Việt Nam khi đi làm việc tại Nhật Bản là 670.000 Yên (khoảng 120 triệu đồng). Đây là mức cao nhất trong 15 nước phái cử lao động sang Nhật Bản. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như thực tập sinh không được tiếp cận thông tin chính xác; chi phí môi giới, trung gian cao...
Để hạn chế tình trạng trên, JIFA đang thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật cấp cơ sở dành cho chương trình xuất khẩu lao động sang Nhật Bản với chi phí thấp (Zero Fees). Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên được JIFA tìm hiểu và thực hiện dự án Zero Fees từ năm 2014. Dự án lựa chọn mỗi huyện giới thiệu hai học sinh xuất sắc và hỗ trợ học phí trong 4 năm từ lớp 9 cho đến hết trung học phổ thông và hiện thực hoá ước mơ đến Nhật Bản mà không phải vay nợ cho các em. Đến nay, chúng tôi đã hỗ trợ cho khoảng 600 thực tập sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Tĩnh.
Thời gian tới, JIFA cũng sẽ cử các giáo viên Nhật Bản đến tỉnh Hà Tĩnh để hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Nhật, đồng thời trang bị cho các thực tập sinh Việt Nam kỹ năng sống và hiểu biết về văn hóa Nhật Bản. Trong quá trình lao động, các thực tập sinh tiếp thu được kinh nghiệm, học tập cách làm việc, quản lý của người Nhật. Qua đó, tạo được nguồn nhân lực có chất lượng cho Việt Nam, để khi họ trở về quê hương sẽ là nhân tố thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản.
Con đường chi phí 0 đồng cho người lao động Việt Nam tới Nhật Bản làm việc là con đường dài nhưng sẽ ngắn hơn nếu các đơn vị tuyển dụng, doanh nghiệp, cơ quan chức năng cùng vào cuộc, nỗ lực của các bên để người lao động không phải chịu sự thiệt thòi khi mức phí quá cao. JIFA đã trao đổi, làm việc với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản về chương trình Zero Fees và được các đơn vị đồng tình, sẵn sàng đồng hành cùng dự án nhằm giảm chi phí đến mức thấp nhất cho người lao động muốn sang Nhật Bản làm việc.
Ông Yusuke Kondo, Chủ tịch FC Osaka (Nhật Bản):
Hãy cùng đá bóng
Yusuke Kondo, Chủ tịch FC Osaka. |
Hiện có khoảng 2.000 người Việt sinh sống và làm việc tại miền Đông Osaka nơi có đội bóng FC Osaka. Năm nay, kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản, CLB Osaka mong muốn sang Việt Nam kí kết hợp tác với các CLB Việt Nam để mối quan hệ hai nước ngày càng phát triển trên mọi lĩnh vực.
Bằng việc hợp tác giữa các câu lạc bộ bóng đá, tôi hy vọng người Việt Nam tại Nhật Bản có cơ hội xem các CLB của Việt Nam thi đấu nhiều hơn ở Nhật Bản. Tôi mong rằng bóng đá Việt Nam phát triển nhanh hơn, bóng đá Việt Nam và Nhật Bản ngày càng gắn kết. Tôi mong muốn thông qua bóng đá làm cầu nối để giao lưu nhân dân ngày càng mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác.
Bà Ako Akiba, cố vấn Hiệp hội hữu nghị Kyushu - Việt Nam:
Hiểu nhau qua phim
Bà Ako Akiba, cố vấn Hiệp hội hữu nghị Kyushu -Việt Nam. |
Tôi bắt đầu làm phụ đề tiếng Nhật cho các bộ phim Việt Nam từ năm 1990, khi cộng tác với Liên hoan phim Asia Focus Fukuoka International. Đến nay, tôi đã dịch phụ đề cho 50 bộ phim Việt, trong đó có nhiều phim mới và phim kinh điển của Việt Nam. Có thể kể đến như: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Ròm, Chuyện của Pao, Mùa hè chiều thẳng đứng... Bên cạnh làm phụ đề, tôi còn làm phiên dịch cho các đoàn làm phim Việt Nam sang dự các liên hoan phim tại Nhật Bản.
Nền tảng của quan hệ tốt đẹp giữa Nhật Bản và Việt Nam được tạo nên từ tình đoàn kết trên cơ sở giao lưu nhân dân và tình cảm giữa hai nước. Trong thời gian tới, tôi mong muốn hai nước tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực điện ảnh. Có nhiều buổi chiếu phim và giao lưu phim Việt Nam và Nhật Bản. Thông qua các hoạt động giới thiệu các bộ phim nổi tiếng của Việt Nam, người dân Nhật Bản sẽ hiểu thêm về đất nước con người Việt Nam.
Kiến trúc sư Kosuke Osawa (tỉnh Saitama, Nhật Bản):
Học nhau cách xây nhà
Các đô thị ở Việt Nam có nhiều không gian cộng đồng trên đường phố. Người Nhật Bản có thể tham khảo ở Việt Nam cách tạo không gian sinh hoạt cộng đồng trong khu dân cư.
Kiến trúc sư Kosuke Osawa. |
Nhà truyền thống của Việt Nam có hệ thống tuần hoàn gió nhưng nhiều căn hộ hiện đại không có. Các căn hộ, được xây dựng sau này, thường bị cắt bỏ ban công và chỉ đặt cửa sổ, sử dụng nhiều kính nên rất nóng, vào mùa hè sẽ phải kéo rèm. Kính và rèm khiến căn hộ trông có vẻ hiện đại nhưng không tiện sử dụng. Bên cạnh đó với kiến trúc này, mùa nóng sẽ tốn nhiều năng lượng cho hệ thống điều hòa nhiệt độ.
Để giải quyết vấn đề này tôi cho rằng các căn hộ cần có không gian ban công, không nên lạm dụng kính và có các biện pháp che nắng như sử dụng tấm chặn ánh nắng mặt trời.
Trong khi đó, với kiến trúc hợp lý, tận dụng năng lượng tự nhiên, nhà ở Nhật Bản ít tiêu tốn năng lượng hơn so với Việt Nam. Do đó, Việt Nam và Nhật Bản có thể có hợp tác về kiến thức, kỹ thuật sử dụng hiệu quả năng lượng của tòa nhà, tiết kiệm năng lượng của công trình xây dựng.
Trong xử lý rác thải và ô nhiễm môi trường, Nhật Bản đã có nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Ví dụ, trung tâm thu gom rác (lò đốt rác) ở Nhật Bản cho ra không khí rất sạch, và họ sử dụng năng lượng từ không khí này cho phòng tắm công cộng hoặc nước nóng công cộng. Đây là điều mà Việt Nam cũng nên tham khảo.
Q.Hoa t.h / Thời Đại